Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công
(QBĐT) - Chiều 8/12, Tổ công tác số 1 của Văn phòng Chính phủ tổ chức họp trực tuyến về việc kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan và các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 chủ trì.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/11/2022 là gần 338.392 tỷ đồng, đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đối với tỉnh Quảng Bình, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã có nhiều biện pháp chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, thành lập các tổ công tác của UBND tỉnh để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án ĐTC chậm tiến độ, tuy nhiên, công tác giải ngân vốn ĐTC của địa phương chưa bảo đảm tiến độ đề ra.
Tính đến ngày 30/11/2022, tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022 của tỉnh Quảng Bình đạt gần 55%.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng cho biết, Quảng Bình phấn đấu đến hết năm 2022 đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất theo cam kết của tỉnh với Chính phủ và Tổ công tác của Trung ương.
Về tình hình thực hiện các dự án nguồn ngân sách Trung ương, tính đến 30/11, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương trong nước theo ngành, lĩnh vực của tỉnh Quảng Bình đạt 66%; dự ước đến 31/1/2023 đạt tỷ lệ khoảng hơn 90%.
Về nguồn vốn nước ngoài, các dự án ODA gặp nhiều vướng mắc về tình hình thực hiện và giải ngân nên tỷ lệ giải ngân vốn ODA khá thấp. Tính đến 30/11/2022, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn ODA đạt trên 10%; theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỷ lệ giải ngân vốn ODA đạt tỷ lệ trên 14%.
Các nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của tỉnh Quảng Bình, đó là: Việc giá vật liệu tăng đột biến dẫn đến tăng chi phí sản xuất; công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc; năng lực của chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu xây lắp còn hạn chế; một số dự án phải thực hiện các thủ tục liên quan ở các bộ, ngành Trung ương (chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đánh giá tác động môi trường) thời gian kéo dài, làm chậm thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư...
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương cùng với các chủ đầu tư rà soát lại việc thực hiện các dự án để thúc đẩy tiến độ; tháo gỡ vướng mắc về mặt thể chế; Bộ Kế hoạch-Đầu tư tập hợp các dự án chưa giải ngân hết trong năm 2022 để đề xuất xem xét kéo dài thực hiện qua năm 2023.
Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ đạo, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn ĐTC, thực hiện nghiêm pháp luật về ĐTC, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bảo đảm đúng quy trình, tránh tiêu cực, lãng phí; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và giải ngân vốn ĐTC.
A.Tuấn
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.