.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19

.
21:36, Thứ Tư, 18/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Ngày 17-8-2021, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1571/UBND-NCVX về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6-8-2021 của Chính phủ. Nội dung cụ thể như sau:
 
Thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6-8-2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
 
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6-8-2021 của Chính phủ, trong đó, theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi và thẩm quyền quản lý tập trung triển khai ngay các biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, như sau:
 
a) Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội phải được triển khai thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu, xuyên suốt trong tất cả các cấp; cấp trên phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra cấp dưới, rà soát các khâu, các điều kiện, biện pháp phòng, chống dịch bệnh để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi.
 
b) Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong phòng, chống dịch; kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch.
 
c) Duy trì hoạt động sản xuất, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nhưng phải bảo đảm, tạo điều kiện cao nhất các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chỉ cho phép cơ sở bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định mới được phép hoạt động.
 
2. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố
 
a) Kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh phù hợp với tình hình cụ thể tại địa bàn quản lý và chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp.
 
b) Tất cả các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác theo quy định mà không khai báo, người rời khỏi địa phương đang giãn cách xã hội mà không được phép của cấp có thẩm quyền theo quy định.
 
c) Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện chặt chẽ, thực chất. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”.
 
d) Phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan:
 
- Căn cứ Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31-5-2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, tham mưu UBND tỉnh quyết định và chỉ đạo áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg và Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với yêu cầu có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn.
 
- Căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch, tham mưu UBND tỉnh áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: Hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch.
 
- Theo thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả xử lý hình sự theo quy định của pháp luật đối với mọi hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối việc thực hiện các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền.
 
3. Sở Y tế (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh):
 
a) Về xét nghiệm: Chỉ đạo xét nghiệm “thần tốc” các khu vực, địa bàn nếu thực hiện phong tỏa, các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao nhằm phát hiện F0 nhanh nhất phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị ngay; phải kiểm soát, tuyệt đối không bỏ sót, không để F0 tiếp tục tiếp xúc, di chuyển làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
 
b) Về sàng lọc, phân loại người nhiễm và điều trị bệnh nhân COVID-19: Tổ chức sàng lọc, phân loại người nhiễm theo tình trạng, diễn biến bệnh lý để có biện pháp theo dõi, chăm sóc, điều trị phù hợp, hiệu quả, bảo đảm giảm tỷ lệ người nhiễm có triệu chứng, tỷ lệ chuyển bệnh nặng hơn. Chú trọng việc quản lý, chăm sóc người bị nhiễm chưa có triệu chứng; việc chủ động chuẩn bị oxy y tế (nhất là hệ thống oxy tập trung) trong điều trị. Điều phối phù hợp, tập trung mọi nguồn lực, trang thiết bị để cứu chữa giảm bệnh nhân nặng, nguy kịch, hạn chế tối đa tử vong. Duy trì hoạt động của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh an toàn. Bảo đảm hệ thống thường trực cấp cứu, xe cứu thương, oxy y tế, máy thở và các trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu, điều trị người bệnh.
 
c) Tổ chức tiêm vắc xin theo Kế hoạch của UBND tỉnh, bảo đảm tiến độ nhanh nhất, an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh; huy động mọi lực lượng y tế công lập, tư nhân và các lực lượng hỗ trợ khác triển khai chiến dịch tiêm vắc xin khi cần thiết.
 
d) Thường xuyên rà soát, cập nhật bổ sung Kế hoạch đáp ứng từng cấp độ dịch tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định. Chủ động xây dựng kế hoạch thiết lập các cơ sở điều trị COVID-19; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, dự trữ, bố trí nguồn lực và tổ chức lực lượng để phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
 
đ) Tiếp tục làm đầu mối cung cấp kịp thời thông tin chính thức về dịch bệnh và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho người dân, các đơn vị, doanh nghiệp…
 
e) Về cơ chế đặc thù trong mua sắm thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch: Thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6-8-2021 của Chính phủ và các quy định hiện hành của Nhà nước có liên quan.
 
4. Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chủ động xây dựng và thực hiện phương án đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu, tuyệt đối không để ai thiếu đói, đồng thời phải bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch bệnh, nhất là ở những khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội.
 
5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều hành hoạt động trong các khu cách ly tập trung do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý; hỗ trợ công tác hậu cần cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
 
6. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh; cung ứng trang thiết bị, vật tư và tham gia cứu trợ Nhân dân trong khu vực cách ly, phong tỏa; chú trọng quản lý chặt chẽ biên giới, đường mòn, lối mở, xuất cảnh, nhập cảnh.
 
7. Công an tỉnh:
 
a) Chủ trì đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường bám sát địa bàn, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, chú trọng phát huy vai trò của công an cấp cơ sở, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
 
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông kiểm soát các thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội về tình hình dịch bệnh và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định. Tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp tung tin không đúng về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng.
 
8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị, địa phương:
 
a) Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVD-19; thường xuyên rà soát, cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ và giảm tối đa các thủ tục hành chính khi thực hiện nhiệm vụ này.
 
b) Chăm lo đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh COVID-19 và lực lượng tuyến đấu chống dịch, bảo đảm kịp thời, thực chất, hiệu quả.
 
9. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan:
 
a) Tăng cường hệ thống thông tin cơ sở, thường xuyên cung cấp các bản tin tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn, kêu gọi người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
 
b) Hướng dẫn, phối hợp, hỗ trợ triển khai có hiệu quả các nền tảng công nghệ dùng chung đã được các cơ quan có thẩm quyền công bố và các giải pháp, ứng dụng công nghệ khác phù hợp với các nền tảng công nghệ dùng chung, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn; tổ chức, phân công đầu mối để phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu kịp thời, hiệu quả.
 
c) Chủ động cung cấp, xử lý thông tin kịp thời, chính xác; chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường các hình thức truyền thông, tuyên truyền, truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
 
10. Sở Giao thông vận tải
 
a) Tham mưu tổ chức hoạt động vận tải phù hợp với tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn phương án vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
 
b) Chủ động xây dựng, triển khai phương án chi tiết phân luồng giao thông, đặc biệt khi đi qua vùng cách ly để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của nhân dân khi phải triển khai cách ly y tế vùng dân cư.
 
11. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu, đề xuất UBND tỉnh:
 
a) Ưu tiên sắp xếp, bố trí ngân sách nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác để bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và hoạt động cơ sở điều trị người bệnh COVID-19.
 
b) Đề xuất điều chỉnh, cắt giảm kinh phí của các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết để tập trung kinh phí phòng, chống dịch bệnh và việc chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh chưa sử dụng hết sang năm sau.
 
c) Căn cứ yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, sau khi đã rà soát, huy động, sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác mà vẫn còn khó khăn, đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện.
 
12. Sở Kế hoạch và Đầu tư
 
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế và các sở, ngành liên quan bố trí kinh phí trong việc cải tạo, sửa chữa, thành lập, xây dựng cơ sở điều trị COVID-19; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
 
13. Sở Ngoại vụ: Phối hợp quản lý các đối tượng xuất nhập cảnh; chuyên gia nước ngoài vào làm việc trên địa bàn tỉnh; tổ chức, quản lý công tác đối ngoại đảm bảo thực hiện quan hệ hợp tác quốc tế vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.
 
14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và Nhân dân:
 
Tiếp tục chung tay, góp sức, tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra để sớm kiểm soát tình hình, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Nhân dân, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
 
Ngoài các nội dung nêu trên, các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước, căn cứ theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6-8-2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội khóa XV, chủ động tham mưu UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời và theo đúng quy định.
 
Baoquangbinh.vn
 
,