Nỗ lực nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân
(QBĐT) - Đến nay, tình hình các loại dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, nhiều ngày liên tục không ghi nhận ca mắc Covid-19 và bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH). Tuy vẫn còn phải tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song ngành Y tế tỉnh vẫn đang nỗ lực từng ngày chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân sau đại dịch Covid-19.
Vì sức khỏe cộng đồng
Năm 2022 là năm mà toàn hệ thống y tế Quảng Bình được huy động tổng lực cho “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn và cả hiểm nguy, nhưng toàn thể cán bộ, người lao động ngành Y đã có nỗ lực lớn, làm nòng cốt trong triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục vụ công tác khám, chữa bệnh (KCB) cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, 151/151 xã, phường, thị trấn đều xếp loại cấp độ 1 (vùng xanh). Số mắc Covid-19 giảm dần và đặc biệt từ đầu năm 2023 đến nay số ca mắc giảm hẳn; nhiều ngày liên tục Quảng Bình không ghi nhận ca mắc Covid-19. Như vậy, tổng số ca mắc từ đầu dịch hơn 128 nghìn ca, trong đó tập trung nhiều nhất tại TP. Đồng Hới (hơn 27 nghìn ca), Bố Trạch (hơn 24 nghìn ca). Toàn tỉnh ghi nhận 82 trường hợp tử vong do Covid-19.
Đặc biệt, khi vừa kiểm soát được dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, thì dịch bệnh SXH lại xuất hiện với số ca mắc tăng cao so với mọi năm. Hàng loạt giải pháp phòng, chống dịch SXH được triển khai, trong đó nhiều giải pháp quyết liệt được thực thi khẩn trương, như: Khoanh vùng, giám sát, phun hóa chất diệt muỗi kết hợp công tác tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng, chống dịch SXH…
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đỗ Quốc Tiệp chia sẻ: Trong năm 2022, Quảng Bình phát hiện 9.382 trường hợp mắc SXH, tăng gấp 36 lần so với cùng kỳ năm 2021. Địa phương có số ca mắc cao nhất là Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh, TP. Đồng Hới…, đây đều là những địa bàn có mật độ dân số đông, thường xuyên có lũ lụt. Huyện miền núi Minh Hóa là địa phương có số ca mắc thấp nhất toàn tỉnh. Có 1 trường hợp tử vong (trẻ em 5 tuổi) tại huyện Quảng Ninh. SXH bắt đầu có dấu hiệu tăng dần từ tháng 5 và đến tháng 7/2022 số ca SXH đã vượt số ca mắc trong trung bình 5 năm. Đạt đỉnh trong tháng 9-10/2022 và đến tháng 11/2022 số ca mắc có xu hướng giảm nhưng vẫn cao hơn trung bình 5 năm. Đến tháng 12/2022 số ca mắc giảm tương đương các năm trước đây. Đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh SXH cơ bản cũng đã được kiểm soát.
Bên cạnh những nỗ lực phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19, SXH, cúm, tay chân miệng… ngành Y tế Quảng Bình tiếp tục duy trì và phát huy hoạt động KCB tại các tuyến. Hệ thống y tế tỉnh đã đứng vững sau đại dịch và đang tiếp tục trên đà hồi phục, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân trong tỉnh, duy trì KCB ban đầu, KCB bảo hiểm y tế (BHYT), chú trọng công tác KCB bằng y học cổ truyền.
Theo đó, công tác KCB tại các bệnh viện đạt trên 104% kế hoạch; số lượt KCB ở trạm y tế đạt trên 95% kế hoạch đề ra. Sở Y tế cũng đã cho phép áp dụng thí điểm kỹ thuật mới, phương pháp mới 42 kỹ thuật tại 4 bệnh viện; áp dụng chính thức 35 kỹ thuật tại 5 bệnh viện đa khoa (khu vực Bắc Quảng Bình, Bố Trạch, Đồng Hới, Lệ Thủy, Minh Hóa), tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tỉnh được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Phục hồi và phát triển sau đại dịch
Theo Giám đốc Sở Y tế Dương Thanh Bình, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh cũng như cả nước nói chung chịu ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch Covid-19. Dịch bệnh được kiểm soát, từ trong gian khó toàn ngành đang nỗ lực vượt qua, làm tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.
Đặc biệt, đầu năm 2023, Chính phủ đã kịp thời ban hành các nghị định và nghị quyết quan trọng, quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở; đồng thời ban hành các văn bản nhằm tháo gỡ những “nút thắt” cho ngành Y tế trong công tác mua sắm, đấu thầu và thanh toán BHYT đối với trang thiết bị, vật tư y tế… Đây là “cú hích” quan trọng tạo đà để các cơ sở y tế phục hồi, phát triển và nâng cao chất lượng KCB với mục tiêu tất cả vì người bệnh.
Giám đốc Sở Y tế Dương Thanh Bình khẳng định: Bên cạnh những thành quả đã đạt được, cùng với những thuận lợi mới, ngành Y tế Quảng Bình tiếp tục đề cao tính ổn định hệ thống y tế; nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế xã, phường, thị trấn, từng bước triển khai KCB tại trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình; chú trọng phát triển các kỹ thuật mới, phương pháp mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế.
Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC tỉnh cho biết: Tính từ đầu năm 2023 đến nay (gần 3 tháng), Quảng Bình chỉ ghi nhận 6 ca mắc Covid-19 và 90 ca SXH. Đặc biệt, trong tháng 3 này có 20 ngày liên tục trên địa bàn toàn tỉnh không có ca mắc Covid-19 và SXH.
|
Ngành tiếp tục công tác tham mưu chỉ đạo giám sát phòng, chống dịch Covid-19 thích ứng trong tình hình mới; sẵn sàng các kịch bản, phương án ứng phó khi các tình huống dịch bệnh xảy ra. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác KCB tại các tuyến, nâng cao chất lượng bệnh viện theo hướng quản lý chất lượng bệnh viện toàn diện. Đồng thời, chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị trong việc tiếp tục thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về y tế các xã đạt tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Ngành Y tế tăng cường công tác quản lý nhà nước về y tế, BHYT, hướng dẫn công tác đấu thầu hóa chất, sinh phẩm, vị thuốc y học cổ truyền... bảo đảm các cơ sở KCB thường xuyên đủ thuốc có chất lượng cho người bệnh. Thực hiện chuyển đổi số toàn ngành, trong đó chú trọng: Vận hành, cập nhật, làm sạch tiến tới hình thành kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử; tiếp tục thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; xây dựng “bệnh viện thông minh” theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT, ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế.
Ngành Y tế Quảng Bình cũng xác định tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển song song cả y tế cơ sở và y tế chuyên sâu. Đẩy mạnh chỉ đạo tuyến và luân chuyển y bác sĩ trong toàn ngành; đề xuất các cơ chế đặc thù để thu hút mới và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao. Duy trì tất cả các xã, phường có bác sĩ làm việc; phấn đấu tăng tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ/vạn dân theo kế hoạch.
Hiền Mai
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.