Liên hợp quốc kêu gọi củng cố mạng lưới y tế toàn cầu
Tại phiên họp cấp cao ứng phó với đại dịch COVID-19 diễn ra trong ngày làm việc thứ hai của Tuần lễ cấp cao, Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 76 ngày 22-9, Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres kêu gọi thế giới phải nỗ lực hơn nữa củng cố mạng lưới y tế toàn cầu, có sự chuẩn bị tốt hơn nếu như có đại dịch tiếp theo xảy ra.
Phát biểu tại Phiên họp trực tuyến cấp cao bên lề kỳ họp do Mỹ chủ trì nhằm tìm giải pháp ứng phó đại dịch, ông Guterres khẳng định thế giới chỉ có thể củng cố được mạng lưới y tế toàn cầu thông qua những cam kết chính trị bền vững ở cấp cao nhất, đồng thời các nước có thu nhập trung bình và thu nhập thấp cũng phải đủ khả năng tự phát triển và tiếp cận các công nghệ y tế mới.
Ông Guterres cũng cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải được trao quyền nhiều hơn, được cấp nguồn tài chính nhiều hơn dể có thể đóng vai trò là cơ quan đầu tàu điều phối nỗ lực ứng phó với các tình huống khủng hoảng khẩn cấp. Một lần nữa ông Guterres lại lên tiếng kêu gọi thế giới phải sản xuất lượng vaccine lớn gấp đôi hiện có để chương trình vaccine cho người nghèo COVAX có đủ 2,3 tỷ liều phân phối cho khoảng 40% người dân ở các nước từ nay đến cuối năm.
Tuy nhiên, tại phiên họp này, lãnh đạo nhiều nước đang phát triển đã lên tiếng chỉ trích tình trạng một số quốc gia giàu có tích trữ vaccine, không san sẻ cho các nước khác đã để ngỏ nguy cơ nhiều chủng virus mới lây lan; chỉ trích cái gọi là “chủ nghĩa dân tộc vaccine”, rằng không thấy được tinh thần đoàn kết quốc tế trong thời điểm đại dịch xảy đến với toàn cầu.
Cũng tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết sẽ mua 500 triệu liệu vaccine ngừa COVID-19 để tặng các nước. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khẳng định sẽ cung cấp khoảng 2 tỷ liều vaccine cho thế giới từ nay tới cuối năm.
Hiện khoảng 30% những người đã tiêm chủng ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19 tới từ các nước thu nhập cao trong khi tỷ lệ tiêm vaccine ở các nước nghèo thuộc châu Phi chỉ là dưới 1%. Chỉ khi các nước giàu hơn sẵn sàng chia sẻ vaccine và hỗ trợ xét nghiệm, điều trị cũng như vật tư y tế cho những nước chưa có điều kiện thế giới mới có thể vượt qua đại dịch và hồi phục bền vững.
Theo Hải Vân - Quang Huy (TTXVN)
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.