Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chuyện người giữ rừng

  • 12:08 | Thứ Sáu, 24/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đã 24 năm qua, anh Đinh Xuân Hòa, ở tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa) âm thầm giữ 20ha rừng phòng hộ đầu nguồn đập khe Sụ. Nhờ công tác bảo vệ tốt nên cánh rừng của anh ngày càng phát triển, có trữ lượng gỗ lớn…
 
Qua điện thoại, anh Cao Thanh Tùy, cán bộ Hạt Kiểm lâm Minh Hóa mời tôi lên thăm khu rừng phòng hộ đầu nguồn đập khe Sụ được anh Đinh Xuân Hòa bảo vệ suốt 24 năm qua. Khu rừng này có nhiều loại gỗ quý, trữ lượng lớn hơn hẳn so với những khu rừng xung quanh. Từ chân đập Sụ vào rừng đi khoảng 30 phút bằng đò hoặc đường bộ.
 
Nước đập khe Sụ mùa này dâng cao, hai bên đường là những cánh rừng xanh ngút ngàn, càng vào sâu, đập càng nhỏ lại và chỉ thấy màu xanh của núi rừng. Anh Tùy chỉ tay về phía trước nói: “Đó là rừng của anh Hòa. Mặc dù chưa có chế độ hỗ trợ gì nhưng mình anh ở trong đó chịu bao khổ cực, đói rét, hiểm nguy để giữ rừng. Và thành quả của anh ngày hôm nay là một cánh rừng tươi tốt, giàu trữ lượng gỗ quý”.
Nhiều ha rừng phòng hộ đầu nguồn đập khe Sụ được anh Đinh Xuân Hòa bảo vệ
Nhiều ha rừng phòng hộ đầu nguồn đập khe Sụ được anh Đinh Xuân Hòa bảo vệ
Tiếp chuyện chúng tôi trong một cái lán nhỏ đơn sơ là người đàn ông ngoài 50 tuổi có làn da đen sạm nhưng ánh mắt lúc nào cũng toát lên niềm vui. Rót ly nước chè nóng mời khách, anh Hòa bắt đầu câu chuyện: Năm 1983, để nuôi được 11 người con, cha của anh và một số hộ dân đã vào vùng khe Sụ lập nghiệp. Đó là vùng đất màu mỡ, đủ điều kiện để trồng sắn, trồng ngô, làm lúa và phát triển chăn nuôi.
 
Ngày đó, hàng chục ha rừng ở thượng nguồn khe Sụ bị bà con chặt, đốt, cốt trỉa. Sau một thời gian sản xuất, đất cũng dần bạc màu, sắn, ngô không còn tươi tốt như trước nên nhiều người bỏ về. Anh Hòa kể: “Thấy rừng bị phá, cha con tôi đau xót, ăn năn lắm. Bởi suy cho cùng, mình cũng là người phá rừng làm cho nguồn nước cạn kiệt, đất đai xói mòn, chim thú bỏ đi”.
 
Đúng thời điểm đó, công tác bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn được huyện Minh Hóa quan tâm nhiều hơn. Năm 1997, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng đã giao 20ha rừng nơi anh Hòa đang sản xuất cho gia đình anh bảo vệ. Trong đó có 14ha là rừng phòng hộ cần được bảo vệ nghiêm ngặt và 6ha đất rừng sản xuất. “Cầm giấy giao đất, giao rừng trong tay, cha con tôi mừng lắm! Đó thực sự là cơ hội để chúng tôi chuộc lỗi với rừng và quyết tâm giữ cho khu rừng này phục hồi, phát triển”, anh Hòa bộc bạch.
 
Sau khi nhận rừng, cha anh Hòa đau ốm rồi giao lại khu rừng cho anh. Cũng từ đó, hành trình giữ rừng của anh càng gian nan. Thời điểm đó, 20ha đất gọi là rừng thực ra chỉ là những quả đồi trọc do người dân trồng sắn, ngô bỏ lại. Với quyết tâm cho rừng phục hồi, anh chỉ trồng lúa, trồng sắn, nuôi gà, đào ao thả cá trên vùng đất sản xuất. Còn phần rừng phòng hộ thì anh tuyệt đối không đụng đến một cây nào, chỉ để cho rừng phát triển tự nhiên.
 
Anh Hòa kể: “Ngày đó, vợ con tôi thiếu gạo ăn triền miên nên cả nhà chủ yếu ăn sắn trộn ngô cho qua bữa. Nhiều lúc, vợ con thấy cực khổ bỏ về nhưng tôi vẫn quyết tâm bám trụ”. Thời gian cứ thế trôi qua, đàn vật nuôi của anh cũng dần lớn. Những ruộng lúa, nương sắn, ngô cũng dần tốt tươi. Khi cái đói đã được đẩy lùi, anh Hòa lại càng chuyên tâm bảo vệ rừng và trồng rừng. Thành quả sau 24 năm của anh giờ đây là cả một một khu rừng phòng hộ, rừng trồng đang phát triển xanh tốt, có nhiều cây gỗ quý, đường kính từ 20cm-40cm.
Trong rừng anh Hòa bảo vệ có rất nhiều cây gỗ quý.
Trong rừng anh Hòa bảo vệ có rất nhiều cây gỗ quý.
Vào thăm khu rừng của anh Hòa cùng với lực lượng Kiểm lâm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi trong đó có nhiều cây gỗ quý lớn, như: Chẹo, cà ổi, dỗi, dẻ, vàng tim… Anh Cao Thanh Tùy khẳng định: “Trong khi các khu rừng gần đó bị xâm hại khá nhiều thì rừng của anh Hòa đang được bảo vệ rất tốt, có trữ lượng gỗ nhiều. Nhờ rừng được bảo vệ tốt nên đất đai không còn bị xói mòn, nguồn nước cũng không bị cạn kiệt, chim, thú, ong cũng về ở trong rừng nhiều hơn”.
 
Dẫn chúng tôi đến một góc cây dổi có đường kính gốc gần 40cm, anh Hòa cho hay: “Ngày tôi nhận bảo vệ, cây dổi này chỉ bằng ngón chân cái mà giờ đã cao lớn thế đó. Thấy rừng tôi bảo vệ có trữ lượng gỗ lớn, lâm tặc trong vùng nhiều lần lăm le đến phá. Có lần, họ còn hăm dọa, định đánh tôi để phá rừng vì cho rằng đây không phải là rừng của tôi bảo vệ. Mỗi lần như vậy, tôi phải đưa giấy giao đất, giao rừng cho họ xem, báo với chính quyền và lực lượng chức năng hỗ trợ. Rồi dần dần, bà con trong vùng cũng đã nhận ra rừng do tôi bảo vệ nên khoảng 3 năm nay không ai đến phá nữa”.
 
Không thể phá được rừng , nhiều lần lâm tặc quay sang dụ anh Hòa cắt gỗ về bán cho họ với giá cao nhưng anh quyết không nghe. “Rừng nhà nước giao thì mình phải bảo vệ cho tốt để rừng phục hồi đã. Còn việc khai thác gỗ về bán thì tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Dù có khó khăn, vất vả, thiếu thốn đi nữa, tôi cũng sẽ quyết tâm bảo vệ khu rừng này. Khi nào không còn đủ sức khỏe, tôi sẽ dặn con, cháu thay tôi bảo vệ cho đến cùng”, anh Hòa chia sẻ.
 
Năm 2017, một trận bão lớn quét qua khiến nhiều cây cối trong rừng bị gãy đổ. Ngay lập tức, anh Hòa đi kiểm tra và thấy cây nào bị gãy, đổ liền cắt ngọn, dựng lên, lấp đất lại nên có nhiều cây đã sống và phát triển. Nhờ rừng phát triển hơn những khu rừng xung quanh nên hàng năm có nhiều đàn ong mật về làm tổ, giúp anh có thêm nguồn thu nhập. Ngoài ra, anh Hòa còn đầu tư trồng gần 5ha rừng keo, nuôi cá, gà, trâu, giúp cuộc sống gia đình anh thêm ổn định.
 
Anh Hòa tâm sự: “Tôi thấy nếu giữ tốt rừng thì rừng cũng nhanh phục hồi. Nhờ giữ rừng, trồng rừng nên gia đình tôi có được cuộc sống ấm no như hôm nay. Kể cả những lúc mệt nhọc, áp lực cuộc sống, tôi chỉ cần vào rừng ngắm cây, hít bầu không khí trong lành thì bao mệt mỏi gần như tan biến”.
 
Ông Đinh Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa cho biết: “Anh Đinh Xuân Hòa là một tấm gương sáng trong bảo vệ rừng trên địa bàn. Mặc dù công việc rất khó khăn, vất vả, nguy hiểm nhưng anh vẫn quyết tâm giữ cho hàng chục ha rừng phòng hộ đầu nguồn khe Sụ phát triển tốt. Ghi nhận công lao của anh Hòa, chính quyền địa phương sẽ có những quan tâm, động viên, khích lệ để anh làm tốt hơn công tác bảo vệ rừng trong thời gian tới”.
 
Ông Nguyễn Công Chung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Minh Hóa cho biết: “Hiện chúng tôi cũng đang hướng dẫn cho anh Hòa các thủ tục để chuyển từ giấy cấp đất rừng sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để anh yên tâm giữ rừng. Đồng thời, anh cũng có thể dùng giấy chứng nhận này để thế chấp với các ngân hàng vay vốn, phát triển sản xuất”.
 
Xuân Vương

tin liên quan

Tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác biên giới

(QBĐT) - Sáng nay, 23-12, Ban Chỉ đạo (BCĐ) công tác biên giới tỉnh tổ chức họp đánh giá tình hình, kết quả công tác biên giới năm 2021 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2022; thông qua kế hoạch công tác biên giới năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, chúc mừng Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Bình

(QBĐT) - Ngày 22-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm, chúc mừng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. 
 

Xứng danh lá cờ đầu

(QBĐT) - Đến Ban CHQS huyện Lệ Thủy những ngày này, khí thế của đợt thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam-32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân như càng khẩn trương hơn, sôi nổi hơn bởi chuỗi các hoạt động phục vụ lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức trọng thể tại quê hương Quảng Bình.