Trên những cánh đồng lớn…

  • 08:07 | Thứ Sáu, 19/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn đang được nhiều địa phương tại huyện Lệ Thủy tích cực triển khai bởi những ưu thế vượt trội, như: Giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, ổn định đầu ra sản phẩm trên cùng một đơn vị diện tích. Nhưng, để cánh đồng lớn thật sự lớn, còn những khó khăn, hạn chế căn cơ trong triển khai thực hiện mô hình này cần được giải quyết…
 
Phát huy hiệu quả
 
Ông Võ Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng (xã An Thủy) cho biết, HTX hiện có 640 hộ với 1.242 thành viên tham gia liên kết sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích hơn 224ha. Để nâng cao hiệu quả sản xuất trên những cánh đồng lớn, HTX đã cung cấp dịch vụ vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên.
 
Cũng theo ông Thắng, sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn đã được HTX triển khai từ vụ đông-xuân năm 2014-2015 trên các vùng đồng ruộng ở địa phương, như: Tu Bỉ, Chác Lác, Sông Đà, Chạc 9…; mỗi vùng thực hiện có diện tích nhỏ nhất khoảng 35ha, lớn nhất 60ha. Trên những cánh đồng lớn, chỉ tập trung sản xuất một số loại giống lúa chủ lực, như: P6, VN 20…
 
“Ưu thế của sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn đó là giảm chi phí sản xuất, năng suất lúa tăng, tiết kiệm tối đa công gieo trồng, chăm sóc, phân bón, tưới tiêu, hạn chế sâu bệnh và thu hoạch đồng bộ. Để bao tiêu sản phẩm lúa cho bà con, ngoài hợp đồng liên doanh sản xuất giống với Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình, HTX còn có phương án mua bán riêng với các thành viên bằng hợp đồng để bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm lúa sau thu hoạch. Vụ đông-xuân vừa qua, HTX đã bán được 250 tấn lúa tươi tại chỗ cho doanh nghiệp với giá cao gấp 2-3 lần so với thị trường…”, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng cho biết.
Mô hình cánh đồng lớn giúp nông dân và HTX dễ dàng áp dụng cơ giới hóa.
Mô hình cánh đồng lớn giúp nông dân và HTX dễ dàng áp dụng cơ giới hóa.
Xã Hoa Thủy là địa phương có diện tích sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn khá cao của huyện Lệ Thủy. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã chủ động từng bước thay đổi tập quán canh tác bằng việc dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. Đến nay, việc sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn tại địa phương đã mang lại những ưu thế rất khả quan.
 
Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy Võ Xuân Hòa cho biết, địa phương sản xuất lúa 2 vụ với diện tích trên 1.000ha, trong đó, sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn là 450ha, tập trung ở các HTX: Xuân Bắc, Xuân Nam và tổ hợp tác Xuân Hòa. Cơ cấu giống trong các cánh đồng lớn chủ yếu là các loại giống chủ lực, ưu thế chiếm khoảng 80% diện tích. Sản phẩm lúa làm ra, được các HTX trên địa bàn bao tiêu, thu mua nên bà con rất yên tâm sản xuất.
Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy cũng cho rằng, sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn đang là một trong những giải pháp để thúc đẩy sản xuất phát triển và cũng là hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp địa phương. Mô hình này, từng bước làm thay đổi thói quen sản xuất truyền thống nhỏ lẻ của người dân, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp tập trung, giảm chi phí, ứng dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, áp dụng cơ giới hóa...  
 
Để cánh đồng lớn thật sự lớn
 
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lệ Thủy Nguyễn Chí Trãi cho biết: Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn ở Lệ Thủy đã từng bước khẳng định những ưu thế vượt trội so với phương thức canh tác truyền thống, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 10-20% so với những diện tích sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún. Đến nay, địa phương đã thực hiện chuyển đổi được hơn 3.700ha lúa sang mô hình cánh đồng lớn, một số địa phương trên địa bàn có diện tích lớn, như: An Thủy (920ha), Lộc Thủy (400ha), Liên Thủy (800ha), Hoa Thủy (450ha)…
 
“Hiệu quả của việc sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn đó là dễ đưa cơ giới hóa vào sản xuất, theo dõi phòng trừ sâu bệnh thuận lợi và việc bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân được dễ dàng hơn. Mô hình cánh đồng lớn, được xem là mối liên kết “4 nhà”, gồm: Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học trong sản xuất, tiêu thụ lúa. Tuy nhiên, hiện nay địa phương mới chỉ có liên kết “3 nhà”, vai trò của nhà khoa học trong việc triển khai sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn chưa được phát huy. Vì thế, chất lượng giống lúa chưa bảo đảm theo yêu cầu của thị trường…”, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết thêm.
 
Cũng từ câu chuyện về cánh đồng lớn, Phó Chủ tịch UBND xã An Thủy Phan Thanh Lương cho rằng, hiệu quả kinh tế của sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn ở địa phương là cao hơn nhiều so với phương pháp canh tác lúa truyền thống. Tuy nhiên, quá trình thực hiện mô hình, địa phương cũng gặp những khó khăn nhất định, như: Nhiều vùng ruộng, địa phương muốn chuyển đổi, quy hoạch sang cánh đồng lớn không liền kề; một số hộ dân còn sử dụng nhiều loại giống trên một diện tích; hợp đồng cung cấp giống, thu mua sản phẩm lúa cho bà con còn bấp bênh, nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách để từ chối hợp đồng khi giá lúa thấp; người dân tham gia mô hình vẫn chưa tuân thủ hợp đồng, bán lúa tươi khi giá cao nên gây khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện bao tiêu sản phẩm…
 
“Định hướng thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân dần thay đổi nhận thức, tập quán để thực hiện sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn. Đặc biệt, sẽ đẩy nhanh, đẩy mạnh công tác quy hoạch, cải tạo đồng ruộng và mở rộng vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư và bao tiêu sản phẩm…”, Phó Chủ tịch UBND xã An Thủy cho hay.
 
Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy Võ Xuân Hòa lại cho rằng, tổng sản lượng lương thực của địa phương hàng năm luôn đạt gần 9.000 tấn/năm. Trong vụ sản xuất đông-xuân vừa qua, Hoa Thủy có năng suất lúa đạt hơn 67 tạ/ha, giảm gần 10 tạ/ha so với vụ trước, nguyên nhân chủ yếu là do diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là hệ thống đê bao Thượng Mỹ Trung bảo vệ những cánh đồng lớn đang bị xuống cấp trầm trọng, bởi vậy, người dân không thể chủ động trong sản xuất ở những cánh đồng lớn. Do vậy, rất cần sự đầu tư, quan tâm của các cấp, ngành để sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn thực sự hiệu quả hơn…
 
“Định hướng của ngành nông nghiệp huyện Lệ Thủy thời gian tới trong việc triển khai, thực hiện sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn là tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các địa phương trên mỗi xứ đồng chỉ sản xuất từ 1-2 giống lúa để phòng trừ sâu bệnh. Mặt khác, sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại bộ giống, loại các giống lúa thoái hóa kém chất lượng, đưa vào sản xuất cácgiống lúa chất lượng cao, như: VN20, Hà phát 3…”, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy Nguyễn Chí Trãi cho biết thêm.
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Lệ Thủy không ngừng được quan tâm, chú trọng. Địa phương đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống tốt vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, giá trị kinh tế rừng.

Mùa vui trên biển

(QBĐT) - Sau bao nhọc nhằn và những khó khăn, thử thách, mùa biển 2022 đã và đang mang đến nhiều niềm vui cho những ngôi làng biển, trong đó có xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), một trong những địa phương có nền kinh tế biển là chủ lực. Dù vẫn còn những băn khoăn, trăn trở, nhưng ngư dân ra khơi mang theo quyết tâm, hy vọng và cập bờ với niềm vui lớn khi tàu đầy ắp cá, thu nhập tăng cao. 

Quản lý thuế trong kinh doanh bất động sản

(QBĐT) - Trước tình trạng gian lận thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản (BĐS) diễn ra khá phổ biến hiện nay, Chi cục Thuế khu vực Đồng Hới-Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm siết chặt quản lý thuế trong lĩnh vực này.