Hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp

  • 06:38 | Thứ Hai, 15/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chuyển đổi và đa dạng hình thức canh tác theo hướng hữu cơ cũng như sử dụng các giống cây, con chất lượng cao trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích là hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh triển khai thực hiện, nhằm mở hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp…
 
Canh tác theo hướng hữu cơ
 
Vụ đông-xuân 2021-2022, Trung tâm KN-KN tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa ST25 theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại HTX Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Văn La, xã Lương Ninh (Quảng Ninh) với quy mô 5ha và hộ gia đình anh Nguyễn Thanh Hương xã Quảng Hoà (TX. Ba Đồn) với quy mô 3ha.
 
Mục tiêu của mô hình là nhằm chuyển giao kỹ thuật giống lúa ST25 theo hướng hữu cơ cho bà con nông dân để nhân rộng trong sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo hữu cơ, góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết. Tại các nơi thực hiện mô hình, các yếu tố kỹ thuật đều bảo đảm, đặc biệt chỉ sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học thay thế cho phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật.
Mô hình trồng rau quả theo hướng VietGap trong nhà lưới được Trung tâm KN-KN tỉnh triển khai thực hiện.
Mô hình trồng rau quả theo hướng VietGap trong nhà lưới được Trung tâm KN-KN tỉnh triển khai thực hiện.
Mặc dù gặp nhiều bất lợi về thời tiết, đặc biệt là các đợt mưa rét trái vụ vào tháng 2 và tháng 4/2022, nhưng tỷ lệ giống nảy mầm tại 2 điểm thực hiện mô hình đạt 95%, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh khoẻ. Năng suất tại HTX Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Văn La đạt 50 tạ/ha; hộ gia đình anh Nguyễn Thanh Hương đạt 55 tạ/ha, mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn so với sản xuất thông thường và chất lượng sản phẩm cao hơn, an toàn, thân thiện với con người, môi trường.
 
Cùng với mô hình sản xuất lúa ST25, mô hình trồng măng tây theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm của chị Phạm Thị Ngọc Quý, xã Quảng Xuân (Quảng Trạch) được Trung tâm KN-KN hỗ trợ thực hiện nhằm hướng đến xây dựng các vùng trồng theo hướng hữu cơ, tạo sự liên kết cũng như đưa sản phẩm phát triển theo chuỗi giá trị.
 
Chị Phạm Thị Ngọc Quý cho biết: Trước đây, gia đình chị cũng đã trồng măng tây trên diện tích 1,5ha. Tuy nhiên, quy trình trồng vẫn theo phương pháp truyền thống, khả năng tiếp cận các cửa hàng nông sản sạch và thị trường lớn bị hạn chế. Năm 2022, Trung tâm KN-KN tỉnh đã hỗ trợ giống và phân bón cũng như chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về quy trình trồng măng tây theo hướng hữu cơ trên diện tích 0,5ha cho gia đình chị…
 
“Sau khi được hướng dẫn trồng và sản xuất theo hướng hữu cơ, gia đình tôi tiến tới sẽ dần chuyển toàn bộ diện tích trồng măng tây trước đây sang trồng măng tây theo hướng hữu cơ để có thể dễ dàng tiếp cận với thị trường và mở rộng tiêu thụ sản phẩm…”, chị Quý cho biết.
 
Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Trần Thanh Hải cho biết, hiện nay, để khuyến khích bà con nông dân áp dụng chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ, Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn đã có các chương trình hỗ trợ thông qua lồng ghép nguồn vốn chính sách nông nghiệp. Trên cơ sở đó, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã triển khai thành công nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đáng kể đến là mô hình trồng lúa ST25 kết hợp nuôi cá rô đồng lai trên địa bàn huyện Quảng Ninh cho thu nhập gần 180 triệu đồng trên diện tích 2,5ha; mô hình sản xuất lúa ST25 theo hướng hữu cơ tại TX. Ba Đồn và huyện Quảng Ninh cho năng suất 55 tạ/ha; các mô hình trồng sen, măng tây cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng trước đây…
 
“Hiệu quả của các mô hình sản xuất hữu cơ đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân trong việc đa dạng hoá hình thức canh tác, từng bước chuyển sang sản xuất nông nghiệp chất lượng, tăng giá trị sản xuất gắn với bảo vệ môi trường sinh thái…”, Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh cho hay.
 
Hướng đến chuyển đổi quy trình canh tác
 
Hiện nay, trước nhu cầu thực phẩm sạch của thị trường, đòi hỏi những người làm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cần thay đổi suy nghĩ, chuyển đổi quy trình canh tác, tiến tới nền nông nghiệp hữu cơ. Thực tế, hiện trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình phát triển theo hướng sản xuất hữu cơ, bước đầu thu lại hiệu quả, từ đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
 
Năm 2023, các hoạt động KN-KN trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung vào các chương trình mục tiêu trọng điểm của tỉnh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phục vụ chương trình tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; xây dựng các mô hình tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhằm từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất, tăng năng suất cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ các mô hình, chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có thế mạnh của tỉnh, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến…
Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Trần Thanh Hải cho hay, năm 2022, đơn vị đã triển khai thực hiện 13 mô hình, trong đó tập trung ưu tiên thực hiện các mô hình chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, đất trồng lúa năng suất thấp, đất gò đồi sang các loại cây trồng có giá trị cao, như: Sen, dừa, hương thảo, na Thái, chà là, măng lục trúc, mít ruột đỏ...
 
Cũng theo ông Hải, một số mô hình đã cho kết quả tốt và dần khẳng định được tính thích nghi, triển vọng. Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGap nhằm tạo sản phẩm sạch, an toàn, đồng thời nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.
 
Ngoài ra, một số giống nuôi mới, như: Vịt Đại Xuyên Star được nuôi bằng phương thức chăn nuôi mới (chăn nuôi vịt trên cạn) và nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao đất lót bạt, nuôi lươn trong bể không bùn, nuôi xen ghép tôm sú, cua, cá nâu… đều triển khai thực hiện bảo đảm yêu cầu…
 
“Hiện nay, giá vật tư nông nghiệp, trong đó có thức ăn chăn nuôi và phân bón tăng cao, trở thành rào cản, gây khó khăn cho nông dân, ảnh hưởng nhiều đến sự tăng trưởng kinh tế chung của ngành Nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp hữu cơ sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho nông dân. Đây cũng là định hướng của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới nhằm tránh phụ thuộc vào giá cả vật tư nông nghiệp và điều quan trọng hơn là tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm an toàn thực sự cho người tiêu dùng, tiệm cận các thị trường lớn trong và ngoài nước…”, Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh cho hay.
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Tổ chức thêm nhiều chuyến tàu khách đến các điểm du lịch vào dịp lễ 2/9

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết sẽ tổ chức chạy nhiều chuyến tàu trên các tuyến đường sắt phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Kiểm soát hiệu quả khách hàng biến động sản lượng điện

(QBĐT) - Nhằm kiểm soát sản lượng điện bất thường để cảnh báo cho khách hàng, Điện lực Bố Trạch đã triển khai xây dựng và đưa vào vận hành sử dụng module tự động lập danh sách khách hàng có biến động sản lượng điện bất thường.
 

Siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

(QBĐT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), huyện Quảng Ninh đang tập trung triển khai các biện pháp nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh.