.

Cựu chiến binh huyện Bố Trạch: Vươn lên trên mặt trận phát triển kinh tế

.
14:37, Thứ Ba, 03/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Trở về cuộc sống đời thường sau những năm tháng cống hiến tuổi xuân, sức trẻ cho độc lập dân tộc, các thế hệ cựu chiến binh (CCB) Bố Trạch hôm nay vẫn luôn giữ vững bản lĩnh người lính Cụ Hồ trên mặt trận phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cuộc sống mới ấm no, giàu đẹp.
 
Phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, những năm qua, phong trào thi đua “Giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã trở thành một trong những động lực lớn thúc đẩy cán bộ, hội viên (HV) Hội CCB Bố Trạch tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ để phát triển kinh tế, giúp sức cùng đồng đội vươn lên giảm nghèo, ổn định cuộc sống và xây dựng quê hương.
 
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Hội CCB huyện Bố Trạch Phan Văn Hiếu cho biết: “Phần lớn CCB khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội trở về địa phương đều khó khăn về kinh tế, không có lương, thiếu vốn sản xuất, thiếu việc làm, kiến thức về kinh tế, khoa học kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh… Nhiều đồng chí tuổi cao, sức khỏe yếu, thương tật. Nhưng điểm chung của các CCB là tinh thần tự lực, tự cường, nghĩa tình đồng đội, nỗ lực giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.”
 
Theo số liệu thống kê, cách đây 5 năm về trước, trên địa bàn Bố Trạch có 28 doanh nghiệp, 69 trang trại, gia trại, 1 HTX, 1 tổ hợp tác do CCB làm chủ, tạo công ăn việc làm cho 753 lao động, trong đó có 2/3 là CCB và con em CCB. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh…, một số doanh nghiệp, trang trại, gia trại bị thiệt hại, thua lỗ nặng nề dẫn đến xóa sổ.
 
Không chịu khuất phục trước khó khăn, nhiều doanh nghiệp, trang trại, gia trại của các CCB đã nỗ lực từng bước vươn lên. Đến nay, toàn huyện có 18 doanh nghiệp do CCB làm chủ, 16 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các loại hình kinh doanh được mở rộng, các mặt hàng đa dạng, phong phú; giải quyết việc làm cho trên 300 lao động, trong đó có 2/3 là CCB và con em CCB.
 
Điển hình đứng vững trước những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh là Công ty TNHH sản xuất Composite Miền Trung của CCB Trần Đình Tĩnh (ở xã Thanh Trạch). Dù đã ngoài 70 tuổi, CCB Trần Đình Tĩnh luôn trăn trở với nghề, luôn nâng cao chất lượng các sản phẩm được làm từ chất liệu mới, nỗ lực đứng vững trên thị trường.
 
CCB Trần Đình Tĩnh còn tiên phong, tích cực trong công tác từ thiện với việc hỗ trợ tàu, thuyền cứu hộ vùng chịu thiệt hại do bão lũ cho các huyện: Bố Trạch, Quảng Ninh, Quảng Trạch trị giá trên 250 triệu đồng.
 
 “Với 20 mặt hàng, từ thùng chứa rác, bình biogas, nắp hố ga cho đến cửa, thuyền... đều làm từ chất liệu mới được người tiêu dùng đánh giá bền, tốt. Do đó, từ 10 năm trở lại đây, doanh thu của công ty năm sau luôn cao hơn năm trước, thị trường tiêu thụ đã mở rộng, tạo được lòng tin và uy tín với người tiêu dùng. Dù những năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hàng hóa ứ đọng, đơn hàng hạn chế, nhưng công ty vẫn cố gắng cân đối nguồn thu tạo việc làm và hỗ trợ lương cho công nhân cũng như duy trì sản xuất nhỏ lẻ.”, Giám đốc Trần Đình Tĩnh chia sẻ.
 
Nữ CCB Nguyễn Thị Hạ, chủ cơ sở thu mua, chế biến thủy, hải sản xuất khẩu (ở thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch), trong 5 năm qua đã tích cực vận động gia đình, đồng đội hỗ trợ xây 5 nhà cho HV, trị giá 270 triệu đồng, hỗ trợ 4.500 suất quà (trên 400.000 đồng/suất) cho HV và nhân dân vùng chịu ảnh hưởng do thiên tai bão lũ…
 CCB xã Đại Trạch chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới.
CCB xã Đại Trạch chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới.
Bản lĩnh của người lính Cụ Hồ trên mặt trận phát triển kinh tế ở địa bàn huyện Bố Trạch còn có CCB Nguyễn Văn Bồn với trang trại tổng hợp cho thu nhập hàng năm tăng; CCB Trần Văn Phú ở xã Thanh Trạch với Công ty TNHH Hùng Phú có diện tích trồng rừng 418ha, thu nhập hơn 10 tỷ đồng/năm; CCB Nguyễn Văn Hạnh ở xã Đại Trạch với doanh nghiệp sản xuất gạch tuynen Hương Hạnh sản xuất trên 10 triệu viên gạch/năm, có vốn cố định 10 tỷ đồng, lợi nhuận thu được 1 tỷ đồng/năm, giải quyết cho 80-100 lao động, trong đó có trên 30 con em CCB.
 
Chủ tịch Hội CCB huyện Phan Văn Hiếu cho biết thêm, để đẩy mạnh phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, các cấp hội đã sâu sát nắm hoàn cảnh, nguyên nhân từng hộ HV nghèo nhằm có biện pháp giúp đỡ như: tạo điều kiện cho vay quỹ hội, quỹ ban liên lạc, hỗ trợ cây, con giống sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.
 
Nhờ đó, ngày càng có nhiều HV CCB thu nhập khá, giàu, hộ nghèo giảm đáng kể. Toàn huyện hiện còn 158/12.730 hộ CCB nghèo, tỷ lệ 1,33%, giảm 494 hộ so với năm 2016; hộ khá, giàu đạt 62,8%, tăng 4,5%.
 
Nguồn quỹ “Nghĩa tình đồng đội” hàng năm của Hội CCB huyện Bố Trạch vì thế cũng ngày càng nhân lên và phát huy hiệu quả, tạo sự yêu thương, thắm đượm nghĩa tình đồng đội.
 
Từ năm 2016 đến nay, các cấp hội trên địa bàn huyện đã xây dựng nhà mới, xóa được 27 nhà tạm cho HV có hoàn cảnh khó khăn với trị giá 1,7 tỷ đồng; ủng hộ HV bị thiệt hại do thiên tai gần 100 triệu đồng; đóng góp Quỹ phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên 500 triệu đồng; tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ cho HV là đối tượng được hưởng chế độ chính sách, HV khó khăn, bị ảnh hưởng thiên tai trên 350 triệu đồng.
 
Đặc biệt các CCB góp sức với hàng trăm ngày công tu sửa nhà cho HV sau những trận bão lũ và sửa sang nghĩa trang liệt sỹ tại các địa phương.
 
“Ý nghĩa lớn nhất từ phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" là tăng cường đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi, gắn bó tình đồng đội, đồng chí, thể hiện sâu đậm lời thề người lính “hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội lúc thường cũng như lúc ra trận”. Từ đó, tạo được động lực góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội, củng cố, tăng cường quốc phòng-an ninh, xây dựng huyện Bố Trạch giàu mạnh.”, Chủ tịch Hội CCB huyện Phan Văn Hiếu khẳng định.
 
Hội CCB huyện Bố Trạch có 33 tổ chức cơ sở hội, với 12.750 HV (trong đó có 7.401 hội viên từng tham gia 2 cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ); 1.600 HV là thương binh, 675 HV là bệnh binh, 589 HV bị chất độc da cam, trên 3.600 HV là cán bộ nghỉ hưu và mất sức.
Hương Trà
 
 
 
 
 
 
 
 
,
  • Tiêu thụ thủy sản gặp khó vì dịch Covid-19

    (QBĐT) - Chi phí sản xuất tăng, giá thành thấp, khó tiêu thụ... là những khó khăn mà người dân và các doanh nghiệp nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản trong tỉnh đang gặp phải do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

    31/07/2021
    .
  • Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

    (QBĐT) - Với ý chí vươn lên, dám nghĩ, dám làm, nông dân Nguyễn Văn Quang ở thôn Cao Cảnh, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa đã cải tạo hơn 15ha đất rừng, biến vùng đất hoang trở thành một trang trại tổng hợp xanh tươi, trù phú với nhiều cây, con giá trị kinh tế cao.

    03/08/2021
    .
  • Bổ sung hơn 5.100 tỷ đồng mua vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch

    Ngày 1-8, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành Quyết định 1376/QĐ-TTg bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế số tiền 5.100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 để mua vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất, thuốc phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

    02/08/2021
    .
  • Đẩy mạnh tiêm vaccine, gỡ vướng lưu thông hàng hóa để tăng trưởng

    Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, các chỉ số sản xuất công nghiệp, hoạt động đầu tư, thương mại, vận tải và du lịch... trong tháng 7-2021 đều giảm do COVID-19 bùng phát kéo dài. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, kiểm soát dịch; tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa sẽ giúp Việt Nam phục hồi đà tăng trưởng.

    02/08/2021
    .
  • Công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông 10.000 tỷ đồng cho người dùng

    Chiều 2-8 tại Hà Nội, với sự chứng kiến của Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), các doanh nghiệp viễn thông Viettel, VNPT, Mobifone, CMC, FPT, Vietnamobile, SCTV đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ sẽ được triển khai từ ngày 5-8, kéo dài trong 3 tháng.

    02/08/2021
    .
  • Nông nghiệp, nông dân, nông thôn chuyển mình nhờ... Nghị quyết

    (QBĐT) - Đó là Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 26-NQ/TW). Thực hiện nghị quyết, nền nông nghiệp của huyện Lệ Thủy đã từng bước được hiện đại hóa, nhiều nông dân giàu lên nhờ sản xuất, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

    02/08/2021
    .
  • Bắt kịp xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp

    (QBĐT) - Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là xu hướng mà còn là đòi hỏi cấp thiết, buộc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và thậm chí nông dân phải chuyển động để thích nghi.

    01/08/2021
    .
  • Điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt cho người dân trong bối cảnh dịch COVID-19

    Ngày 1-8, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 5257/VPCP-KTTH về việc điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt cho người dân bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

    01/08/2021
    .