.

Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

.
08:22, Thứ Ba, 03/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Với ý chí vươn lên, dám nghĩ, dám làm, nông dân Nguyễn Văn Quang ở thôn Cao Cảnh, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa đã cải tạo hơn 15ha đất rừng, biến vùng đất hoang trở thành một trang trại tổng hợp xanh tươi, trù phú với nhiều cây, con giá trị kinh tế cao.
 
Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, gia đình ông Quang đã đánh đổi rất nhiều mồ hôi và nước mắt. Vốn sinh ra ở xã Quảng Sơn, TX.Ba Đồn, năm 2011, khi phong trào trồng cao su phát triển mạnh, ông quyết định vay mượn tiền mua lại hơn 10ha diện tích đất đồi ở xã Cao Quảng để trồng cao su.
 
Tuy nhiên, do giá mủ biến động cùng với những cơn bão liên tiếp xảy ra khiến phần lớn diện tích cao su bị gãy đổ, gia đình ông Quang rơi vào cảnh khó khăn. Không cam chịu trước số phận, ông quyết tâm tìm kiếm hướng phát triển kinh tế mới.
 
Qua xem sách báo, ti vi và tham quan các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh, ông nhận thấy các loại cây có múi như cam, bưởi có giá trị kinh tế cao, nếu biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, sẽ mang lại thu nhập cao.
 
Nghĩ là làm, đầu năm 2016, ông Nguyễn Văn Quang bắt tay vào cải tạo, chuyển đổi 3ha đất đồi để trồng hơn 500 gốc cây cam Xã Đoài và 300 gốc cây bưởi da xanh. Tính siêng năng, chịu thương, chịu khó kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã mang lại cho gia đình ông thành quả bước đầu. Đến nay, cây sinh trưởng phát triển tốt; trong đó hơn 300 gốc cây cam xã Đoài đã cho thu hoạch.
 
Chia sẻ với chúng tôi, ông Quang cho biết: “Thời gian qua, tôi đã nghiên cứu kỹ về các giống cây cam, sau khi tìm hiểu từ các tỉnh bạn, bản thân nhận thấy cây cam khá phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng đất Cao Quảng nên đã quyết định chọn giống cam Xã Đoài để trồng. Cam Xã Đoài là giống cam đặc biệt thơm ngon, ngọt, được xem là đặc sản "tiến vua" nức tiếng ở xứ Nghệ".
Ông Nguyễn Văn Quang với vườn cây có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Quang với vườn cây mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2020, hơn 300 gốc cam của gia đình ông Quang đã cho thu hoạch, sau khi trừ chi phí, ông Quang thu về gần 150 triệu đồng. Theo tính toán của ông, nếu năm nay, giá cam Xã Đoài đạt 30.000 đồng /kg thì gia đình ông sẽ có thu nhập gần 200 triệu đồng.
 
Không chỉ dừng lại ở đó, ông Nguyễn Văn Quang còn nghiên cứu trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: sầu riêng, mít, ổi…Đến nay, ngoài 3ha trồng cây có múi, trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Quang còn có 5 ha diện tích trồng sả và các loại cây ăn quả khác, 1 ha diện tích ao cá, trên 20 đàn ong lấy mật…
 
Để vườn cây phát triển tốt và đạt hiệu quả, theo ông Quang, người trồng phải chăm sóc rất công phu, áp dụng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất để cây ra hoa như mong muốn là cần theo dõi chặt chẽ thời tiết và thời điểm chăm sóc.
 
Ông chia sẻ: “Bản thân tôi vừa học vừa làm, từ biết ít sang biết nhiều, từ những lần thất bại để đúc rút kinh nghiệm, nhờ đó, tôi biết chăm sóc cây sao cho tốt nhất, phát hiện phòng trừ sâu bệnh… Tất cả mọi cái mình đều học qua bạn bè, qua những người đi trước và các tài liệu hướng dẫn của ngành Nông nghiệp-Phát triển nông thôn”.
 
Riêng đối với cây sả, sau khi nhân giống thành công, ông Quang lại tiếp tục tìm hiểu quy trình kỹ thuật chiết xuất tinh dầu và tự thực hiện các bước khép kín ngay tại trang trại. Trung bình mỗi năm ông thu hoạch 5 lứa sả nguyên liệu, mỗi lứa chiết xuất hơn 60 lít tinh dầu.
 
Với giá thị trường hiện nay, mỗi lít được bán từ 1,6 đến 2 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi gần 400 triệu đồng từ trồng sả. Hiện nay, tinh dầu sả là một mặt hàng rất được ưa chuộng do có nhiều công dụng cho sức khỏe, đầu ra của thị trường khá lớn.
 
Tinh dầu sả sau khi chiết xuất sẽ được gia đình ông nhập cho các đầu mối lớn trong và ngoài tỉnh. Do mỗi lứa sả chỉ thu hoạch cách nhau từ 45-60 ngày nên tinh dầu sả được ông xuất bán hầu như quanh năm, đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. 
 
Có thể thấy, mô hình trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Văn Quang là một trong những mô hình lớn và làm ăn có hiệu quả của huyện Tuyên Hóa với sự phát triển bền vững, tránh được rủi ro trong điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt và biến đổi thường xuyên.
 
Ông Nguyễn Trọng Giáp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa cho biết: “Từ mô hình của ông Nguyễn Văn Quang, chúng tôi sẽ nhân rộng trên địa bàn xã Cao Quảng. Sau này, ông Nguyễn Văn Quang sẽ được mời đến các lớp tập huấn để chia sẻ những kỹ thuật, kinh nghiệm về trồng cây có múi và cây sả lấy tinh dầu".

 

Mỹ Hạnh

 
 
 
 
 
 
,
  • Tiêu thụ thủy sản gặp khó vì dịch Covid-19

    (QBĐT) - Chi phí sản xuất tăng, giá thành thấp, khó tiêu thụ... là những khó khăn mà người dân và các doanh nghiệp nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản trong tỉnh đang gặp phải do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

    31/07/2021
    .
  • Đẩy mạnh tiêm vaccine, gỡ vướng lưu thông hàng hóa để tăng trưởng

    Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, các chỉ số sản xuất công nghiệp, hoạt động đầu tư, thương mại, vận tải và du lịch... trong tháng 7-2021 đều giảm do COVID-19 bùng phát kéo dài. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, kiểm soát dịch; tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa sẽ giúp Việt Nam phục hồi đà tăng trưởng.

    02/08/2021
    .
  • Nông nghiệp, nông dân, nông thôn chuyển mình nhờ... Nghị quyết

    (QBĐT) - Đó là Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 26-NQ/TW). Thực hiện nghị quyết, nền nông nghiệp của huyện Lệ Thủy đã từng bước được hiện đại hóa, nhiều nông dân giàu lên nhờ sản xuất, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

    02/08/2021
    .
  • Công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông 10.000 tỷ đồng cho người dùng

    Chiều 2-8 tại Hà Nội, với sự chứng kiến của Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), các doanh nghiệp viễn thông Viettel, VNPT, Mobifone, CMC, FPT, Vietnamobile, SCTV đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ sẽ được triển khai từ ngày 5-8, kéo dài trong 3 tháng.

    02/08/2021
    .
  • Bổ sung hơn 5.100 tỷ đồng mua vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch

    Ngày 1-8, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành Quyết định 1376/QĐ-TTg bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế số tiền 5.100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 để mua vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất, thuốc phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

    02/08/2021
    .
  • Bắt kịp xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp

    (QBĐT) - Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là xu hướng mà còn là đòi hỏi cấp thiết, buộc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và thậm chí nông dân phải chuyển động để thích nghi.

    01/08/2021
    .
  • Chính phủ đồng ý giảm tiền điện 2 tháng cho người dân do ảnh hưởng dịch COVID-19

    Ngày 31-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về đợt giảm giá điện đợt 4 cho một số khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

    01/08/2021
    .
  • Điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt cho người dân trong bối cảnh dịch COVID-19

    Ngày 1-8, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 5257/VPCP-KTTH về việc điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt cho người dân bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

    01/08/2021
    .