.

Quảng Ninh: Huy động mọi nguồn lực giảm nghèo bền vững

.
07:40, Chủ Nhật, 16/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực.

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, góp phần đưa huyện Quảng Ninh phát triển toàn diện và bền vững, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng chương trình hành động về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện bình quân mỗi năm 2,0%, riêng các xã nghèo bình quân giảm trên 4%/năm. Đến năm 2020, duy trì tỷ lệ hộ nghèo của huyện thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của tỉnh và dưới 5%.

Đồng chí Phạm Trung Đông, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh chia sẻ, trên cơ sở chỉ tiêu giảm nghèo trong năm đã được quyết nghị, UBND huyện Quảng Ninh đã đề ra những giải pháp tích cực nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tiềm năng lợi thế của địa phương để thực hiện tốt chương trình, kế hoạch giảm nghèo.

Để các chính sách giảm nghèo đến được với người dân, huyện đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo; qua đó, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, động viên người nghèo tự vươn lên nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.

Huyện cũng đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng về đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo; gắn chương trình mục tiêu giảm nghèo với giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới (NTM); lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất được triển khai góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân huyện Quảng Ninh.
Nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất được triển khai góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân huyện Quảng Ninh.

Xác định công tác giảm nghèo bền vững phải gắn liền với phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người dân, huyện Quảng Ninh đã tập trung tạo điều kiện giúp đỡ các gia đình thuộc diện nghèo có vốn sản xuất. Năm 2016, tổng doanh số cho vay từ các chính sách của Ngân hàng chính sách xã hội huyện là 103,6 tỷ đồng, tổng dư nợ là 298,3 tỷ đồng; lũy kế đến tháng 6 năm 2018, tổng dư nợ là 303,660 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hàng nghìn lượt hộ dân trên địa bàn huyện đã có điều kiện phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Cùng với nguồn vốn tín dụng, huyện Quảng Ninh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, trong đó, chú trọng triển khai tập huấn hướng dẫn cho người lao động kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và các hoạt động khuyến nông - lâm - ngư; tập trung đầu tư vào các ngành phát huy được lợi thế về nguyên liệu, thị trường, lao động, như: vật liệu xây dựng, may mặc, chế biến nông - lâm - thủy sản, du lịch, dịch vụ.

Huyện cũng ưu tiên nhân rộng các mô hình giảm nghèo nhằm thu hút nhiều hộ dân tham gia, như: mô hình chăn nuôi bò theo hướng bền vững ở xã Trường Xuân, mô hình trồng cây mướp đắng sạch ở xã Hiền Ninh, hay các mô hình chuyển đổi sản xuất, như: hỗ trợ giống lạc mới năng suất cao thay thế nguồn giống lạc cũ cho người dân 2 xã miền núi Trường Xuân, Trường Sơn; trồng khoai lang ở Hải Ninh; mô hình nuôi lợn nái, nuôi ong...

Cùng với đó, các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người nghèo về nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cũng được huyện ưu tiên thực hiện đầy đủ, kịp thời. Hiện, toàn huyện có 1.491 hộ nghèo, người có công với cách mạng được hỗ trợ xây dựng nhà ở; hàng trăm lượt học sinh thuộc hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học tập; 100% người nghèo, người dân 135 và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được cấp thẻ Bảo hiểm y tế; 100% hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện kịp thời góp phần ổn định, giúp những hộ nghèo và hộ có thu nhập thấp giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt, cố gắng vươn lên thoát nghèo.

Dạy nghề cho người nghèo là chính sách quan trọng để đẩy nhanh công tác giảm nghèo, tạo cơ hội để người nghèo tham gia các hình thức đào tạo nghề ngắn hạn. Thời gian qua, cùng với công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện Quảng Ninh cũng tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo.

Bình quân hàng năm, toàn huyện có 1.100 lao động được đào tạo nghề, trong đó, trên 450 lao động được đào tạo nghề miễn phí; trên 3.650 lao động được tạo việc làm, tăng thu nhập, trong đó, 1.850 lao động được tạo thêm việc làm mới.

Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có uy tín, có tư cách pháp nhân về tuyển xuất khẩu lao động; duy trì có hiệu quả mô hình liên kết giữa chính quyền xã, thị trấn với đơn vị xuất khẩu lao động theo yêu cầu thị trường.

Nhờ đó, chỉ riêng năm 2017, toàn huyện có 667 người tham gia xuất khẩu lao động; trong đó, nhiều địa phương có tỷ lệ XKLĐ cao, như: Vĩnh Ninh, Xuân Ninh, Hải Ninh...Với những giải pháp hợp lý và được thực hiện hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Quảng Ninh thời gian qua giảm khá nhanh.

Nếu như năm 2016, Quảng Ninh là huyện có tỷ lệ nghèo gần ngang bằng với mức bình quân của tỉnh (theo phương pháp tiếp cận đa chiều) với 11,77% hộ nghèo thì đến 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8%.

Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện; bộ mặt vùng nông thôn tiếp tục có nhiều đổi mới, tiến bộ; các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là về cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Quảng Ninh vẫn còn nhiều hạn chế: công tác tuyên truyền, phổ biến về giảm nghèo, giải quyết việc làm ở một số xã chưa quyết liệt và kịp thời, nên một bộ phận nhân dân vẫn còn tư tưởng ỷ lại; đời sống của nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển nhìn chung vẫn còn khó khăn; việc làm của một bộ phận người lao động chưa ổn định, thiếu bền vững…

Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, huyện Quảng Ninh chú trọng lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, trong đó, ưu tiên hỗ trợ đầu tư nguồn lực cho các vùng khó khăn, nhất là 2 xã miền núi Trường Sơn và Trường Xuân; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Huyện hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, trang trại thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù theo quy định nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; tập trung đào tạo các nghề gắn với định hướng phát triển dịch vụ, du lịch; thực hiện đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo nhằm cải thiện điều kiện sống và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.

Thanh Hải
 

,