Đề án dạy và học ngoại ngữ: Đạt và vượt chỉ tiêu, mục tiêu

  • 07:28 | Thứ Bảy, 15/03/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 (gọi tắt là Đề án) theo Quyết định số 2080/QĐ-TTg, ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Bình tiếp tục đạt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và dạy học ngoại ngữ nói riêng.
 
Để thực hiện hiệu quả Đề án, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện Quyết định số 2080/QĐ-TTg, ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2658/QĐ-BGDĐT, ngày 23/7/2018 của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) với việc ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND, ngày 21/1/2019 về việc thực hiện Đề án và giao các sở, ban, ngành liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp. Cùng đó, UBND tỉnh thực hiện việc giám sát, chỉ đạo các hoạt động của Đề án thông qua hội nghị thường kỳ (tháng, quý và năm); giao cho Sở GD-ĐT chủ trì tổ chức giám sát, kiểm tra tiến độ, hiệu quả việc thực hiện Đề án.
 
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, được sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh, sở đã kịp thời xây dựng, cụ thể hóa những nội dung của Đề án thành các chương trình, kế hoạch chi tiết để thực hiện, hướng dẫn tổ chức cho các phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục (CSGD) thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Qua đó, tiếp tục tổ chức tốt phong trào học tiếng Anh, xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong trường phổ thông bảo đảm theo quy định và lộ trình của Bộ GD-ĐT.
 
Năm học 2024-2025, 100% CSGD phổ thông triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm thuộc Chương trình GDPT 2018 (mục tiêu Đề án 100%); trên 80% CSGD tiểu học triển khai chương trình tiếng Anh tự chọn cho học sinh lớp 1 và 2; 58% CSGD mầm non triển khai chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo; 100% CSGD nghề nghiệp triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành, nghề đào tạo (mục tiêu Đề án 50%).
Một tiết dạy và học tiếng Anh tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Lệ Thủy).
Một tiết dạy và học tiếng Anh tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Lệ Thủy).
Nhờ đó, 100% học sinh phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12 được học chương trình tiếng Anh thuộc Chương trình GDPT 2018; trên 80% học sinh lớp 1 và 2 được học chương trình tiếng Anh tự chọn. Như vậy, tất cả các lĩnh vực giáo dục mầm non, phổ thông, nghề nghiệp của tỉnh đều đạt và vượt chỉ tiêu, mục tiêu đề ra của Đề án; năng lực sử dụng ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên được nâng cao, bảo đảm nhu cầu học tập và làm việc.
 
Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Lê Thủy Thạch cho biết: “Để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, mục tiêu đề ra của Đề án, UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh đã chỉ đạo các CSGD mầm non, phổ thông, nghề nghiệp và đại học thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và đúng lộ trình các chương trình, tài liệu, học liệu dạy và học do Bộ GD-ĐT ban hành. Các sở, ngành, đơn vị đã thể hiện sự chủ động, sáng tạo trong việc chỉ đạo các CSGD triển khai các chủ trương, chính sách, kế hoạch của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh. Đặc biệt, các CSGD đều nghiêm túc tổ chức thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên".
 
UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp, CSGD quan tâm và nhân dân tích cực ủng hộ trong việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, học liệu nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường điều kiện để dạy và học ngoại ngữ, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học và ngành nghề đào tạo. Mặt khác, công tác tuyên truyền được thực hiện khá hiệu quả đã góp phần nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân và học sinh các cấp học về vai trò của ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng ngày càng cao.
 
Thầy giáo Nguyễn Tuấn Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Lâm Trạch (Bố Trạch) cho hay: “Tuân thủ sự chỉ đạo và hướng dẫn của Phòng GD-ĐT huyện Bố Trạch, nhà trường đã chủ động triển khai kịp thời, bảo đảm lộ trình quy định của Bộ GD-ĐT về thực hiện chương trình dạy học, cũng như sách giáo khoa ngoại ngữ (tiếng Anh); quan tâm thực hiện việc đổi mới trong kiểm tra, đánh giá về dạy và học ngoại ngữ tại trường”.
 
“Việc tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ cơ bản bảo đảm về chất lượng, đáp ứng yêu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và phù hợp với các quy định hiện hành. Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ, năng lực sư phạm cho giáo viên ngoại ngữ được quan tâm và thực hiện hiệu quả”, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Đồng Hới Hồ Thanh Hải cho biết.
 
Đến nay, trên 90% giáo viên, giảng viên ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh tham gia và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm do Bộ GD-ĐT và Đề án tổ chức; 96,1% giáo viên ngoại ngữ phổ thông và 100% giảng viên ngoại ngữ đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ theo quy định. Từ đó bảo đảm tốt tiêu chuẩn cho việc dạy học các chương trình ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD-ĐT.
 
Để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về việc nâng cao chất lượng dạy và học; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học; thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá các môn ngoại ngữ; xây dựng một số đơn vị điển hình về nâng cao chất lượng dạy học; bổ sung một số chính sách để nâng cao chất lượng dạy học; đẩy mạnh xã hội hóa trong dạy học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ...
Đức Thành

tin liên quan

Bố Trạch: Nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi

(QBĐT) - Công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi là việc làm thường xuyên được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bố Trạch quan tâm thực hiện. 

Gương sáng "Học sinh 3 tốt"

(QBĐT) - Mỗi tấm gương đạt danh hiệu "Học sinh 3 tốt" đều mang trong mình một câu chuyện truyền cảm hứng, cũng như khẳng định hình ảnh thế hệ học sinh năng động, trách nhiệm và không ngừng vươn lên. 

Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 6 phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh

(QBĐT) - Ngày 26/2, UBND tỉnh có Quyết định số 490/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 6 phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm học 2025-2026.