Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường

  • 17:15 | Thứ Hai, 22/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 22/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. 
 
Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành, đoàn thể liên quan. 
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Ngày 1/6/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Chỉ thị nêu rõ: Văn hoá học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức-trí-thể-mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.
 
Trong những năm qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hóa, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, nhà trường và xã hội quan tâm. Công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần đào tạo nên những thể hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội.
 
Chỉ thị cũng nêu ra những bất cập, hạn chế, như: Một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử... Một số địa phương, công tác xây dựng văn hóa học đường chưa được các cấp, ngành quan tâm đúng mức; nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa học đường ở một số nơi còn thiếu hấp dẫn...
 
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ để bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện… Đối với ngành GD-ĐT, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về xây dựng văn hóa trong trường học, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh, sinh viên và xây dựng xã hội học tập; rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác giáo dục văn hóa học đường bảo đảm bám sát định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018…
 
Tại hội nghị, các đại biểu trình bày nhiều tham luận và thảo luận nhằm đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường.
 
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Bộ GD-ĐT trong việc tăng cường biện biện pháp nhằm xây dựng văn hóa học đường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên chưa cao, chưa phát huy tốt các vai trò đoàn thể trường học, nội dung giáo dục lối sống văn hóa chưa được đổi mới, bệnh thành tích trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để.
 
Để triển khai tốt các nội dung của Chỉ thị 08, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, ngành GD-ĐT cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng văn hóa học đường, tăng cường lan tỏa gương người tốt, việc tốt trong học sinh, sinh viên, phê phán những hành vi sai trái về đạo đức, lối sống...
 
Cùng đó, ngành GD-ĐT gắn xây dựng văn hóa học đường với đổi mới giáo dục, phát huy vai trò của nhà trường trong triển khai các hoạt động; chú trọng việc xây dựng bộ tiêu chí văn hóa học đường và huy động nguồn lực đầu tư thiết chế, thư viện.. phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn cho học sinh, sinh viên.
 
Nh. V

tin liên quan

Hỗ trợ thí sinh chưa đăng ký được nguyện vọng xét tuyển đại học 2022

Ngày 21/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin sẽ hỗ trợ thí sinh chưa đăng ký được nguyện vọng đại học 2022 sau khi đã đóng cửa hệ thống đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng đại học vào 17 giờ ngày 20/8. 

Nhẹ bước dưới mái trường quê hương…

(QBĐT) - Từng là một nhà giáo dạy Sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành sự quan tâm lớn cho ngành Giáo dục-Đào tạo. Với Đại tướng, con người luôn đóng vai trò quan trọng nhất, ở vị trí trung tâm, chính vì vậy, giáo dục-đào tạo phải được quan tâm đúng tầm, tương xứng. 

Hàng trăm nghìn thí sinh vẫn chưa nhập nguyện vọng trước giờ đóng cửa hệ thống xét tuyển

Theo thông tin từ Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến 17 giờ ngày 19/8, cả nước có trên 941.500 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển.