.

Quảng Trạch: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

.
14:33, Thứ Tư, 26/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự quan tâm chăm lo của nhân dân và sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành, sự nghiệp giáo dục-đào tạo huyện Quảng Trạch đã gặt hái được những kết quả khả quan, hoàn thành vượt mức nhiều mục tiêu, kế hoạch đề ra.
 
Sau khi chia tách địa giới hành chính để thành lập thị xã Ba Đồn, ngành giáo dục-đào tạo huyện Quảng Trạch gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
 
Cụ thể, công tác quản lý giáo dục còn nặng về hành chính, sự vụ, ít chú trọng tính kế hoạch, chạy theo phong trào, thiếu giải pháp chỉ đạo theo chiều sâu. Việc điều hành có mặt còn lỏng lẻo, đôi lúc thiếu kỷ cương, hiệu quả thấp. Sự phối hợp với một số phòng, ban thiếu thường xuyên, ít đồng bộ. Vấn đề tham mưu tăng trưởng cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Quá trình đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá chưa mạnh, chưa thực sự đi vào chiều sâu...
 
Số trường đạt chuẩn quốc gia ở huyện Quảng Trạch sau chia tách huyện là 24/59 trường, chiếm 40,6%. Như vậy, so với toàn tỉnh thì tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của huyện tương đối thấp. Đó là những tồn tại, hạn chế mà Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Trạch đã chỉ ra ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020.
 
Để từng bước khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo ở địa phương, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Trạch lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện ủy Quảng Trạch đã ban hành Chương trình hành động số 07-CTr/HU ngày 18-4-2016 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, lấy đổi mới công tác quản lý giáo dục làm khâu đột phá”. Một trong những mục tiêu trọng tâm mà chương trình hành động xác định là phấn đấu mỗi năm xây dựng mỗi cấp học có từ 1-2 trường đạt chuẩn quốc gia; đến năm 2020, toàn huyện dự kiến có 48 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 81,3%...
Chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Quảng Trạch ngày càng được nâng cao.
Chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Quảng Trạch ngày càng được nâng cao.
Xác định công tác tư tưởng, nhận thức là khâu then chốt, tạo cơ sở cho việc đổi mới, ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện Quảng Trạch đã tổ chức quán triệt sâu rộng các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ tới 100% cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn. Huyện tập trung chỉ đạo đột phá về quy chế đánh giá, xếp hạng các trường và cán bộ quản lý trường học; tổ chức khảo sát năng lực cán bộ quản lý trường học 122/139 đồng chí; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Phòng Giáo dục và Đào tạo, bố trí cán bộ, chuyên viên có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn vững vàng để đảm nhận các vị trí công việc có hiệu quả...
 
Nhằm triển khai thực hiện tốt các mục tiêu nghị quyết đề ra, từ đầu năm 2016 đến cuối tháng 8-2018, huyện đã tổ chức 34 cuộc kiểm tra, đánh giá, nhận xét các đơn vị trường học đóng trên địa bàn. Sau các đợt kiểm tra, chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn ở các trường học đã có sự chuyển biến rõ, không có đơn vị nào vi phạm quy chế chuyên môn.
 
Tại các đơn vị trường học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện quan tâm chỉ đạo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, gương mẫu về trách nhiệm nghề nghiệp, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sáng tạo đổi mới trong công tác, coi trọng tính hiệu quả và xem đây là giải pháp then chốt bảo đảm sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục.
 
Mặt khác, huyện Quảng Trạch thường xuyên quan tâm đổi mới công tác quy hoạch, bổ nhiệm, tuyển dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện tốt khâu nhận xét, đánh giá cán bộ, coi trọng năng lực thực tiễn về công tác quản lý và thành tích chuyên môn của cán bộ, giáo viên; kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ đi đôi với cơ chế sàng lọc, bảo đảm tính cân đối, hợp lý nhằm đáp ứng đủ số lượng cán bộ quản lý cho từng giai đoạn, phù hợp với quy mô trường lớp...
 
Đồng chí Đậu Minh Ngọc, Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch cho biết: Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 07-CTr/HU, ngành giáo dục-đào tạo huyện Quảng Trạch đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan.
 
Chất lượng giáo dục đào tạo cơ bản được duy trì. Phương pháp dạy học mang tính đặc trưng, đặc thù ở từng cấp học, môn học đã có sự đổi mới. Tinh thần trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương trong thi hành chức trách, nhiệm vụ của của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành, nhất là người đứng đầu được nâng lên đáng kể... 
 
Hiện nay, huyện Quảng Trạch đã có 18/18 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; 18/18 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 12/18 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 32 trường (tỷ lệ 54,2%), tăng 13,6% so với thời điểm mới chia tách huyện.
Tiêu biểu, trong năm học 2016-2017, cấp học mầm non của huyện Quảng Trạch được xếp thứ nhì toàn tỉnh (tăng 3 bậc so với trước khi thực hiện chương trình), cấp tiểu học được xếp thứ 3 toàn tỉnh (tăng 2 bậc so với trước khi thực hiện chương trình), cấp THCS xếp thứ 6 toàn tỉnh (duy trì thứ hạng so với trước khi thực hiện chương trình). Riêng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá 16/16 lĩnh vực hoàn thành xuất sắc (tăng 6 lĩnh vực so với trước khi thực hiện chương trình)...
 
Để việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đạt kết quả tích cực, thời gian qua, đối với giáo dục mầm non, huyện Quảng Trạch đã thực hiện sáng tạo, hiệu quả các nội dung của chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.
 
Đối với giáo dục tiểu học, ngành giáo dục-đào tạo huyện luôn tăng cường các hoạt động thực hành vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Chú trọng giáo dục đạo đức, giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội cho học sinh như: “Phương pháp bàn tay nặn bột”, “Phương pháp khăn trải bàn”, mô hình trường học mới (VNEN)...
 
Đối với giáo dục THCS, toàn huyện tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục-đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Huyện còn quan tâm xác định rõ và công khai các mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng trường và coi đó là cam kết bảo đảm chất lượng, là căn cứ để giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục; chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học trong các trường học và mạng lưới chuyên môn cấp cụm, huyện...
 
Văn Minh
,