Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chân dung một liệt sỹ anh hùng trên mặt trận Tây Nam

  • 16:36 | Thứ Ba, 27/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày ông hy sinh cách nay đã 40 năm, ông ngã xuống như bao người lính khác trong chiến đấu. Nhưng, chân dung, tính cách và năng lực chỉ huy của ông đã in đậm trong ký ức những người lính cả một tiểu đoàn, trung đoàn từng chiến đấu 5 năm trên chiến trường Tây Nam. Ông là liệt sỹ, trung tá Võ Sĩ Lực, quê ở Dương Thủy, Lệ Thủy.
 
 Một ngày cuối mùa xuân năm 2021, tôi tình cờ được tiếp hai cặp vợ chồng cựu chiến binh (CCB) từ Hà Nội vào Lệ Thủy giỗ thủ trưởng cũ và ghé thăm Đồng Hới. Chuyện đưa cả người thân vượt đường xa giỗ thủ trưởng cũ sau 40 năm cũng không phải là phổ biến.
 
Vì, một đời quân ngũ, người lính trải nhiều đơn vị và một đơn vị có nhiều thủ trường từ tiểu đội đến tiểu đoàn. Đây lại là một thủ trưởng cấp trung đoàn, về cấp bậc, chức vụ rất xa với người lính bình thường. Và, lần giỗ này, không chỉ những CCB từ Hà Nội vào mà còn khá nhiều người từ các tỉnh miền Trung, miền Nam. Đây quả là một hiện tượng đặc biệt.
 
Và hiện tượng này được giải mã khi tôi (cũng tình cờ) mượn được cuốn “Mùa chinh chiến ấy”, tác giả là nhà văn Đoàn Tuấn. Đọc sách, bất ngờ gặp danh tính tiểu đoàn trưởng Võ Sĩ Lực được tác giả khắc họa bằng giọng văn hết sức trân trọng. Tác giả là một CCB từng chiến đấu dưới quyền chỉ huy của trung tá Võ Sĩ Lực khi ông còn là tiểu đoàn trưởng. Cuốn sách viết bằng thể ký, dạng "hồi ức chiến binh" không một phần trăm hư cấu nào, cho phép chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tính chân thật của tư liệu.
 
Tôi xin lược trích vào bài viết này những đoạn viết về nhân vật của chúng ta để độc giả có thể tự hào về một người con Quảng Bình, chưa hoặc không bao giờ được phong danh hiệu cao quý, nhưng thật sự là một hình mẫu anh hùng trong ký ức đồng đội.
Trung tá Võ Sỹ Lực, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 29, Sư đoàn 307 anh hùng.
Trung tá Võ Sỹ Lực, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 29, Sư đoàn 307 anh hùng.
Trong tiểu mục "Trận đành đồi 328" (trang 30), tác giả viết: “Ông Lực đúng là tướng chỉ huy. Cao đến 1m80. Mắt có hai đồng thau, nhìn vào ai như muốn nuốt chửng người ta. Nhưng tôi lại khoái cái nhìn ấy. Nó như xuyên thấu tâm can người đối diện. Ông có giọng nói âm vang, chắc nịch của người Quảng Bình. Tôi có cảm tình với ông từ dạo ở biên giới. Giữa rừng nhiều mìn như vậy, mà sáng nào ông cũng dậy sớm tập thể dục, tập chạy. Nhìn bóng ông thấp thoáng giữa cây rừng đầy thương tích tôi cảm thấy yên tâm khi có ông chỉ huy…”
 
Trong tiểu mục “Đêm vượt sông Mê Kông”, nhà văn bắt đầu có cách gọi Tiểu đoàn trưởng bằng từ "bọ" thân mật như cha con: “Chúng tôi đuổi địch đến sông Mê Kông thì dừng lại. Trời tối. Gió mát rượi. Chưa sang được sông, lính tráng ngả ba lô nằm trên bờ. Anh em tranh thủ múc nước đầy bi đông. Bọ Lực lại bắt đào hầm, đề phòng pháo địch từ bên kia bắn sang. Ông ra lệnh thật gay gắt. Cái giọng Quảng Bình của người đàn ông sắt thép cao đến mét tám, đi lại oai vệ bên sông, đầy uy lực…" (trang 52).
 
Rồi ở đoạn tiếp sau, tác giả bắt đầu đánh giá và so sánh toàn diện năng lực chỉ huy chiến đấu: “... Còn kiểu sĩ quan có sẵn khí chất và cốt cách của vị tướng, như tiểu đoàn trưởng Võ Sĩ Lực chẳng hạn, thì lính tráng hoàn toàn yên tâm và tin chắc rằng, ta sẽ thắng. Loại sĩ quan này cực hiếm." (trang 152)
 
Và cuối cùng, tác giả dành hẳn một tiểu mục mang tên “Đại bàng yên nghỉ” để kể về tình huống hy sinh của người chỉ huy kính yêu trong đội quân “Phụ tử chi binh” cùng nhau chiến đấu gần năm năm trên mặt trận bảo vệ biên giới Tây nam và làm nghĩa vụ quốc tế:
 
“... Đại bàng yên nghỉ. Người có cấp bậc cao nhất của trung đoàn hy sinh tại Anlong veng là phó trung đoàn trưởng Võ Sĩ Lực. Nhưng dạo đó, chúng tôi chưa có trung đoàn tưởng nên ông Lực là cấp chỉ huy cao nhất. Ông Lực hy sinh là một tổn thất rất lớn của trung đoàn và sư đoàn tôi.
 
Ông là tiểu đoàn trưởng D8 chúng tôi. Rồi, từ tiểu đoàn trưởng lên thẳng phó trung đoàn trưởng, bỏ qua hai chức quan trọng là tham mưu phó và tham mưu trưởng trung đoàn. Ông lên chức nhanh như vậy, nhưng không ai thắc mắc. Bởi tất cả đều công nhận, ông là vị tướng tài. Khi lên trung đoàn, các ông tham mưu kỳ cựu trong trung đoàn như ông Ngõa, ông Chất, anh Đình… đều nghe lệnh ông răm rắp. Bởi vì, dù ông kia đi lính trước ông Lực, tuổi quân có thể hơn, nhưng đứng bên ông Lực, hầu như ai cũng cảm thấy thua một cái đầu. Không phải vì ông cao lớn hơn, mà vì, phong cách chỉ huy mạnh mẽ và thuyết phục. Không ai giải thích nổi một cách rõ ràng. Chỉ đơn giản cảm nhận được bằng trực giác, như một điều rất tự nhiên.
 
Đặc biệt, ông Lực có phẩm chất khiêm nhường, không bao giờ kiêu căng. Nhưng đi đánh nhau, có ông chỉ huy là lính tráng cầm chắc phần thắng trong tay. Bởi vì, từ con người ông, tỏa ra cái uy của vị dũng tướng. Từ thằng binh nhất non gan đến những anh lính kỳ cựu, có ông bên cạnh, đều cảm thấy vững tin. Một khi tâm lý ổn định, lính tráng chiến đấu rất dũng cảm. Khi ông Lực lên trung đoàn, ông Phú “râu”, người Nghệ An, lên làm tiểu đoàn trưởng. Ông Phú “râu” cũng rất dũng cảm, cũng có oai chỉ huy, nhưng không thể bằng ông Lực. Dưới thời ông Phú “râu”, bọn tôi đánh trận thắng trận thua, chứ không thắng rền rền như thời ông Lực.
 
Ông Lực người Lệ Thủy, Quảng Bình. Ông cao phải đến mét tám. Dáng ông cực chắc, cực khỏe mạnh. Tôi cứ hình dung, ông như cái dây chảo, dẻo dai, bền chặt không bao giờ đứt.-Đặc điểm bền bỉ của con người Quảng Bình.Tôi đã nhìn nhiều lần vào mắt ông, thấy hai đồng tử luôn chuyển động., Như hai nòng xoáy., Xuyên suốt tâm can người đối diện. Ai yếu bóng vía thường không chịu nổi. Chả thế, bọn lính "tự thương" gặp ông, chưa hỏi, chỉ cần nhìn vào mắt ông, đã tự động khai ra và tự nguyện xin về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Nếu để phải hỏi đến thì dù vết thương tinh vi đến đâu cũng không thể nào qua được cặp mắt của ông.
 
Ông ghét bọn lính yếu hèn. Yêu quý và thích những người dũng cảm. Chẳng cần phải anh hùng hay tỏ vẻ này nọ, chỉ cần bình tĩnh trong chiến đấu là được rồi. Lính thông tin được ông quý và tin cậy vì anh em nối dây giữa tầm đạn, đâu vào đấy. Anh em gọi điện liên lạc chuẩn xác,. Nhiều lúc thay chỉ huy, chỉnh pháo rất đĩnh đạc. Tôi thấy ông hay đùa với lính thông tin. Anh em cũng quý trọng ông, đùa lại thân tình. Ở bên ông, cảm thấy được cái không khí ấm cúng của một gia đình.
 
 Khi hành quân, ông luôn đi đầu, kéo theo cả đội hình mấy trăm người đi, không ai rớt lại, dù giữa mùa mưa nước dâng ngập đầu hay giữa mùa khô khát bỏng họng. Đấy là một điều khôngđơn giản. Nhưng với ông Lực, những cuộc hành quân ấy nhẹ như không. Chính ông đã lôi bọn tôi từ Gia Lai-Kon Tum sang Preah Vihear (Campuchia) bằng đường bộ, đi bằng xe “căng hải” mà không gặp trở ngại gì.
 
Khi vào lính, ông học Trường sỹ quan hậu cần., Nhưng có biệt tài chỉ huy đánh trận nên được chuyển sang làm sỹ quan quân sự. Bản đồ, địa bàn, ông rành hơn cả trinh sát; Tranh luận về tọa độ, bình địa…, trinh sát từ sư đoàn đến trung đoàn đều chịu thua. Có nghiệp vụ quản lý hậu cần nên mọi chuyện tương cà mắm muối, bộ phận hậu cần tiểu đoàn đều nhờ ông chỉ bảo nghiệp vụ luôn. Tôi thường nghe anh Dược, anh Ngôn, anh Do, anh Lũy nói về ông với giọng bái phục: “Chẳng có gì qua mắt bọ Lực được đâu!”
 
Hồi mới vào đơn vị, tôi bị ông “phán" vì là “lính Hà Nội”. Nhưng sau thời gian chiến đấu, ông Lực rất quý tôi. Những lần đánh nhau vừa xong, tôi đưa sổ điện thoại ông viết. Trong khói lửa của đạn pháo, ông viết điện nhanh, gọn, rất chính xác. Tôi cũng vừa đi vừa cầm điện, đọc mật mã một cách vui thú, đầy hứng khởi. Bởi ông dùng hầu hết những thuật ngữ quân sự. Mà những thuật ngữ này được quy thành mật mã. Tôi nhớ rất nhanh. Chứ không như nhiều sỹ quan khác, viết điện thì dài dòng, chuyển mãi, cũng chẳng biết họ viết gì. Cách viết điện của ông Lực cũng rất đặc biệt. Ông luôn nhìn đồng hồ trên tay, ghi rõ giờ phút, ngày tháng viết điện. Chứ nhiều người khác cứ viết tùm lum, bọn tôi rất mệt. Nên nhiều khi, tôi đưa sổ cho họ viết chỉ là cái cớ, còn nội dung thì đã có trong đầu mình…"
 
… Và đây là tình huống hy sinh của trung tá Võ Sĩ Lực, vẫn là của một người luôn dẫn đầu đoàn quân: “Hôm đó, đoàn công tác của ông Lực lên D8. Đang gần đến nơi thì trinh sát trung đoàn phát hiện bãi mìn, cách D8 khoảng hơn một kilômét. Trinh sát không dám đi nữa. Lúc ấy tầm 4 rưỡi đến 5 giờ chiều. Ông Lực lệnh cho trinh sát gỡ mìn, mở đường đi. Nhưng trinh sát chỉ gỡ được vài quả mìn rất chậm chạp. Đang mùa mưa, đất mịn, rất khó phát hiện dấu vết mìn. Phần vì đã thấy D8 trước mặt, phần vì muốn đến sớm trước khi trời tối, ông Lực nói anh em tập họp lại, đi theo. Ông bước lên, dẫn đầu đoàn quân, cắt rừng mà đi. Nhưng, vừa đi được khoảng năm chục mét, một tiếng nổ ầm vang. Chính vị chỉ huy trung đoàn Võ Sĩ Lực vấp mìn.”
 
“Chúng tôi làm một cái nhà, giữa bãi tráng, đặt ông Lực vào đó. Buổi trưa, tôi và Thuận, hai thằng lang thang ra chăm sóc thủ trưởng. Bọn tôi đi khắp rừng, tìm những chùm hoa dại, đặt lên thi hài ông.Mùa khô, hoa thật hiếm, nhưng chúng tôi cũng tìm được khá nhiều. Ít ra, có được ít hoa rừng phủ, thủ trưởng nằm cũng đỡ trơ trọi. Bọn tôi gắng kiếm nén nhang nhưng không đâu có. Tôi làm biên bản kiểm nghiệm di vật tử sĩ cho thủ trưởng Võ Sĩ Lực. Chiếc ba lô của ông đã cũ sờn. Bao nắng mưa, bụi bậm, khói súng đã thấm vào đây. Tôi cứ nghĩ, chắc thủ trưởng mình phải đầy đủ lắm. Nhưng khi mở ba lô, chẳng có gì. Bộ quần áo cũ. Đồ lót cũng cũ. Bàn chải, thuốc đánh răng, khăn mặt, đôi tất… Quyển sổ tay, chiếc bút máy, địa bàn, mấy lá thư gia đình. Một khẩu súng K59. Gia tài người lính có gì đáng giá đâu! Tờ biên bản nhẹ tênh như ba lô tử sĩ. Nhưng sao tình cảm của chúng tôi đối với ông Lực sâu nặng đến vậy?
 
Tầm chiều, chiếc trực thăng HU-1A hạ cánh xuống tiểu đoàn, đưa thủ trưởng Võ Sĩ Lực về trung đoàn. Cả tiểu đoàn ra tiễn ông. Chưa bao giờ quân số tiểu đoàn tập trung tại bãi tráng đông thế. Ông đã ra đi từ tiểu đoàn 8. Khi chết, ông về tiểu đoàn 8 để chết. Chúng tôi đã đi cùng ông suốt mấy ngàn cây số. Từ những ngày chốt giữ biên giới Tây Nam tới những ngày vào tận biên giới Căm Pu Chia - Thái lan… Là tiểu đoàn trưởng của tiểu đoàn chủ công, ông đã thổi vào chúng tôi, mỗi người lính, tinh thần chiến đấu dũng cảm, khí phách của người lính trận, tác phong của người lính luôn đi đầu, lối sống của người lính đích thực là lính. Chỉ cần nhìn dáng ông đi dẫn đầu đoàn quân, lừng lững giữa rừng, là anh em D8 có điểm tựa tinh thần, có ý chí đi tiếp. Giờ đang hành quân mà gặp voi dữ thì ai dám bình tĩnh vác B40 bắn voi cứu cả tiểu đoàn đây? Chuyện như hôm qua thôi mà bây giờ đã lùi vào miền quá khứ xa xôi.
 
Máy bay đưa ông Lực về trung đoàn. Không có quan tài, anh em đục một chiếc thùng phuy, gò lại. Lau sạch những vết dầu, đổ rất nhiều chè khô lót, đặt ông Lực vào, đậy nắp lại. Chiếc trực thăng lại cất cánh, đưa ông về Măng Yang, hậu cứ trung đoàn. Ông sinh ở Quảng Bình, chết chôn ở Gia Lai. Con đại bàng yên nghỉ trên dải Trường Sơn, tại Nghĩa trang Đức Lập, nơi bao đồng đội của ông ngã xuống trong kháng chiến chống Mỹ và cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc."
 
Nguyễn Thế Tường