Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Thượng tướng phong trào Cần Vương Nguyễn Phạm Tuân

  • 08:17 | Chủ Nhật, 18/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nguyễn Phạm Tuân sinh năm Nhâm Dần (1842) mất năm Đinh Hợi (1887), tự là Tử Trai, sau đổi là Dưỡng Tăng, hiệu Minh Phong, quê ở làng Kiên Bính, tổng Võ Xá, phủ Quảng Ninh (nay là thành phố Đồng Hới, Quảng Bình). Ông là một trong những sĩ phu đầu tiên hưởng ứng phong trào Cần Vương; là tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu quả cảm, khí phách hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
 
Nguyễn Phạm Tuân sinh ra trong một gia đình nho học, nhiều đời cha con cùng thi đỗ đồng khoa và là công thần nhà Lê. Theo một số nguồn tư liệu, Nguyễn Phạm Tuân vốn xưa thuộc dòng họ Phạm, chính quê thôn Văn Thượng, xã Lực Canh, tổng Xuân Canh, huyện Đông Anh, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc ngoại thành Hà Nội), vì phạm tội phải trốn vào Thuận Hóa đổi ra họ Nguyễn để khỏi bị truy lùng. Đến đời thân sinh của  Nguyễn Phạm Tuân mới dùng chữ “Phạm” làm tên lót cho con cháu, để nhắc lại gốc tích của dòng họ. Do đó, ông mới được đặt tên là Nguyễn Phạm Tuân.
 
Thân sinh Nguyễn Phạm Tuân là ông Nguyễn Đăng Đạo, dạy học ở Quốc tử giám (Huế) dưới thời vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, sau được bổ ra làm quan Tri huyện Phong Đăng (Quảng Trị) và qua đời khi Nguyễn Phạm Tuân mới lên 6 tuổi.
Tác giả bài viết dâng hương tại phần mộ Nguyễn Phạm Tuân.
Tác giả bài viết dâng hương tại phần mộ Nguyễn Phạm Tuân.
Sau khi thân sinh ông qua đời, gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn. Vì vậy, Nguyễn Phạm Tuân bước vào nghiệp khoa cử khá muộn. Nhưng vốn là người thông minh, ham học và học rất giỏi nên Nguyễn Phạm Tuân được chọn vào trường tỉnh. Năm Quý Dậu (1873), Nguyễn Phạm Tuân đỗ Cử nhân, đứng thứ 19. Năm Đinh Sửu (1877), trong kỳ thi Hội, bài làm của ông được chọn vào phúc hạch nhưng không đỗ tiến sĩ. Sau đó, năm 1878, ông được bổ nhiệm làm Hành tẩu Bộ Lễ.
 
Năm 1878, trong nước xảy ra tình trạng nhiều nơi bị đói kém, được triều đình tín nhiệm giao phụ trách công việc cứu đói, ông đã cho thực hiện nhiều biện pháp chống đói hiệu quả, triều đình khen thưởng và thăng hàm Biên tu, được cử làm Huấn đạo huyện Bố Trạch, rồi Tri huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Năm Giáp Thân (1884), ông được thăng chức lên làm Tri phủ huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).
 
Với tấm lòng yêu nước, thương dân, ông xót xa trước cảnh triều đình ngày càng rối ren, thực dân Pháp  lần lượt đánh chiếm gần hết Bắc Kỳ và chiếm cả Thuận An... Giữa năm 1885, nghe tin kinh đô Huế lọt vào tay giặc,  Nguyễn Phạm Tuân quyết định bỏ ấn, từ quan, đưa gia đình về quê hương Đồng Hới.
 
Xót xa về nỗi đau mất nước và sự nhu nhược của triều đình, Nguyễn Phạm Tuân quyết định quyên sinh nhưng không thành. Từ đó, ông cùng với các sĩ phu đứng ra chiêu mộ nghĩa quân, tập hợp binh lính, tìm gặp vua Hàm Nghi, xin đi theo đánh Pháp. Tháng 10-1885, Nguyễn Phạm Tuân gặp vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết, được nhà vua phong chức Tán tương Quân vụ quân thứ Quảng Bình. Ông chọn xóm Thác Đài, làng Cổ Liêm (huyện Minh Hóa) làm sở chỉ huy, trung tâm lãnh đạo phong trào Cần Vương.
 
Từ đây, phong trào Cần Vương ở tỉnh Quảng Bình được nhen nhóm và phát triển khá rầm rộ dưới sự lãnh đạo của ông cùng các văn thân, sĩ phu yêu nước. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Phạm Tuân, nghĩa quân liên tiếp đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch, tiêu diệt tên quan hai Camus của Pháp tại Khe Ve; bắn trọng thương tên quan ba Hugo, khiến hắn về đến Vinh thì chết; đánh lùi đội quân do thiếu tá Pelletier chỉ huy, diệt nhiều lính Pháp...
 
Năm 1886, Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn sang Trung Quốc cầu viện, đã trao toàn quyền quân đội và nội chính cho Nguyễn Phạm Tuân với chức Thượng tướng, cùng Đề đốc Lê Trực và hai con trai của Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chống Pháp. Ông là người giữ ấn tín của vua Hàm Nghi và có vai trò to lớn trong việc chỉ huy nghĩa quân đánh trả các cuộc càn quét của  quân Pháp. Nghĩa quân của ông chiến đấu rất dũng cảm và đã lập được nhiều chiến công, có lần đã đột nhập thành Quảng Bình giết Bố chánh Nguyễn Đình Dương tại Đồng Hới.
 
Tháng 2-1886, quân Pháp và tay sai chia làm ba mũi, tấn công vào căn cứ, hòng bắt sống vua Hàm Nghi và tiêu diệt nghĩa quân tại khu vực sơn phòng Hà Tĩnh. Nhưng khi vừa đến Khe Ve, chúng đã bị nghĩa quân Cần Vương chặn đánh quyết liệt, gây cho địch nhiều tổn thất, buộc chúng phải bỏ dở cuộc hành quân, rút về Đồng Hới.
 
Tháng 3-1887, chúng tiếp tục tấn công vào làng Cổ Liêm, nghĩa quân chống cự quyết liệt nhưng do lực lượng ta quá mỏng, để tính việc chống Pháp lâu dài, ông đem sáu chục nghĩa quân vượt núi ra Hà Tĩnh, cùng các lực lượng ở đây phối hợp, tìm cơ sở để vua Hàm Nghi di chuyển ra Bắc. Không may, trên đường Nguyễn Phạm Tuân bị ốm nên tạm rút về Cổ Liêm để chữa trị.
 
 Đêm 8-4-1887, một toán quân Pháp được thám báo dẫn đường vượt núi rừng, ập đến chỗ ông đang điều trị. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt, Nguyễn Phạm Tuân bị thương và bị bắt cùng với Tôn Thất Trọng (con trai Tôn Thất Thuyết). Sau khi lục soát, thu được cả ấn của vua Hàm Nghi tại chỗ trú của ông, ngày 9-4-1887. chúng đưa ông về đồn Minh Cầm (Tuyên Hóa).
 
Sau những lần tra trấn không có kết quả, thực dân Pháp lại dùng tiền bạc và danh vọng dụ dỗ, mua chuộc ông. Tên đại úy Mouteaux khuyên ông: “Ngài nên cố ăn uống cho chóng khỏi bệnh, nước đại Pháp sẽ hết sức trọng dụng ngài, mong ngài đừng sợ”.
 
Nguyễn Phạm Tuân nổi giận thét lớn: “Tao bình sinh trọng cương trường, ghét đạo tặc, nói cho mày biết, con mà chết vì cha, tôi mà chết vì vua, có gì phải sợ”. Chúng hỏi về nơi ở của vua Hàm Nghi, Nguyễn Phạm Tuân nhất định không hé răng. Chúng mời Nguyễn Phạm Tuân uống trà, sau khi vờ uống hết chén trà, ông đập vỡ chén dùng mảnh sành cứa vào cổ tự vẫn sáng ngày 10-4-1887.
 
Không thực hiện được ý đồ, tên đại úy Mouteaux tức tối hạ lệnh cắt thủ cấp của ông gửi lên thượng cấp đưa về Pháp, còn thân thể ông chúng cho ném xuống dòng sông Gianh và cấm người dân không được chôn cất. Bất chấp sự đe dọa của giặc, bà con sống ven sông đã tìm kiếm và vớt xác ông, mai táng ở làng Kim Thanh. Mãi tới đêm 26-4 năm Giáp Ngọ 1954, cháu chắt ông đã kín đáo cải táng và di chuyển ông về chôn cất ở vùng núi phía bắc Mũi Vích, nay là thôn Phúc Kiều, xã Quảng Tùng (Quảng Trạch). Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976, xã có chủ trương quy tập lăng mộ để tăng diện tích canh tác, các hậu duệ của ông lần nữa lại di dời phần mộ. Hiện nay, nơi yên nghỉ của nhà chí sỹ yêu nước Nguyễn Phạm Tuân ở động cát phía đông xóm Nam Lộc, thôn Di Lộc, xã Quảng Tùng (Quảng Trạch).
 
Thực hiện chương trình hoạt động nhiệm kỳ 2020-2025, vừa qua, Ban Chấp hành Chi hội Văn học-Nghệ thuật Ba Đồn-Quảng Trạch đã phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và UBND xã Quảng Tùng tổ chức tìm hiểu thông tin thực địa và phát hiện mộ chí Nguyễn Phạm Tuân nằm song song mộ chí bà Lê Thị Tán, vợ ông, quê quán ở Di Luân-Roòn. Dù có người chăm sóc, khói hương nhưng phần mộ còn đơn sơ, thậm chí xuống cấp, bia mộ không rõ ràng do ảnh hưởng của thời gian.
 
Trước thông tinn trên, ngày 24-6-2021 lãnh đạo UBND và Phòng VHTT huyện Quảng Trạch đã kiểm tra, xác minh thực địa. Ngày 2-7-2021, UBND huyện Quảng Trạch đã có Công văn số 803-CV/UBND gửi Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình, đề xuất “Khảo sát dấu hiệu di tích phần mộ danh tướng Nguyễn Phạm Tuân ờ khu mộ gia tộc họ Nguyễn, xã Quảng Tùng, Quảng Trạch”.
 
Ngày 9-7-2021, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã phối hợp với Phòng VHTT huyện Quảng Trạch, UBND xã Quảng Tùng và đại diện gia đình tổ chức khảo sát thực địa nhằm có những đánh giá khoa học ban đầu về tính lịch sử, đi tới một kết luận có tính pháp lý, làm cơ sở lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích xứng đáng với công lao của Nguyễn Phạm Tuân.
 
Thiết nghĩ cùng với việc đặt tên cho các con đường mang tên Nguyễn Phạm Tuân tại TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn và một số nơi khác đã được Nhà nước quan tâm, việc đầu tư tu bổ phần mộ của ông, tiến hành công nhận di tích lịch sử xếp hạng, tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu và du khách lui tới viếng thăm, tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp, tinh thần chiến đấu kiên cường trước kẻ thù và sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Phạm Tuân rất có ý nghĩa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hiện nay cũng như lâu dài.
 
Nguyễn Tiến Nên