Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Tiếng hò khoan từ ngôi làng An Xá…

  • 08:36 | Chủ Nhật, 25/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm tháng thanh xuân, chàng trai họ Võ ấy mang theo tiếng hò khoan Lệ Thủy của mẹ trong tâm trí rời ngôi nhà nhỏ bên dòng Kiến Giang để theo nghiệp nước… Quay trở lại mái nhà xưa khi mái tóc đã nhuốm màu thời gian, người xưa đã khuất, cảnh xưa cũng lắm đổi thay, nhưng điệu hò khoan ngày nào vẫn không hề thay đổi, vẫn là nỗi nhớ thương khôn nguôi trong lòng vị tướng của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Và như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã căn dặn, hò khoan là linh hồn của người Lệ Thủy, đã là người xứ Lệ thì phải biết hò khoan…
 
Bài 1: “Là người Lệ Thủy, thì phải biết hò khoan…”
 
Hò khoan Lệ Thủy và bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang luôn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc nhớ mỗi khi chia sẻ về quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình. Bởi vậy, lần nào về thăm quê, dù bận rộn việc nước đến đâu, Đại tướng cũng dành thời gian lắng đọng với điệu hò xứ Lệ để được trở lại tuổi thơ ngày nào êm đềm bên dòng sông Kiến.
 
Hò khoan là máu, là thịt…
 
Một buổi trưa hè tháng bảy nắng cháy, từng đợt gió Lào khô khốc bỏng rát, ngồi bên hiên nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở xã An Xá, huyện Lệ Thủy, lặng nghe cụ Võ Đại Hàm (người trông coi nhà lưu niệm Đại tướng) chia sẻ về tình yêu của Đại tướng với hò khoan Lệ Thủy.
 
Để rồi thấu hiểu, dù đi xa đã lâu, nhưng vẹn nguyên trong tâm trí của Đại tướng vẫn luôn neo lại hình bóng quê hương và hiện thân rõ nét nhất chính là từng điệu hò, điệu xố của hò khoan Lệ Thủy. Như sinh thời Đại tướng từng tâm sự: “Tôi đi khắp đất nước, đi khắp mọi chiến trường nhưng không phải vì thế mà tình cảm quê hương phai nhạt… Quê hương, gia đình đã có thể hun đúc nên nhân cách và quyết định con đường đi của tôi”.
 
Ngay từ thuở ấu thơ, Đại tướng lớn lên qua từng câu hò, chuyện kể của mẹ-cụ bà Trần Thị Kiên. Ông ngoại của Đại tướng từng theo nghĩa quân Cần Vương, làm đến chức Đề đốc và bà ngoại từng đi tiếp vận cho nghĩa quân Cần Vương chống Pháp ở chiến khu Phan Đình Phùng trong rừng sâu huyện Tuyên Hóa.
 
Nếu những câu chuyện về nghĩa quân Cần Vương hun đúc cho cậu bé Giáp tình yêu đất nước, tinh thần tranh đấu vì độc lập tự do ngay từ thuở thiếu thời, thì những bài hò khoan của mẹ như dòng nước sông Kiến Giang mát dịu, khiến tình yêu quê hương như thêm được dung dưỡng, bền lâu… Và cũng từ điệu hò khoan, cậu bé Giáp càng thêm yêu mảnh đất con người nơi vùng quê nghèo mà hiếu học, kiên trung.
 
Theo cụ Võ Đại Hàm, nhiều lần Đại tướng về thăm quê, chính quyền địa phương, bà con làng xóm đã tổ chức hát hò khoan vào buổi tối ngay tại khoảnh sân trước ngôi nhà nhỏ của gia đình Đại tướng bên dòng Kiến Giang. Trời về khuya gió mát, vị tướng già mái đầu bạc ngồi bên bậc cửa hiên nhà, quây quần xung quanh là gia đình và đông đảo bà con, miệng cười xố theo những làn điệu hò khoan và cả bài hò giã gạo truyền thống, tay vỗ theo nhịp của từng điệu xố, câu hò, đôi mắt sáng lấp lánh niềm vui, hạnh phúc… Những hình ảnh đó sẽ luôn tồn tại mãi trong tâm khảm của người dân Lệ Thủy.
Đại tướng Võ Nguyên Giáo về thăm quê nhà quan ống kính của nhà báo Trần Hồng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáo về thăm quê nhà quan ống kính của nhà báo Trần Hồng.
Ông Trần Đức Triển, nguyên Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy thời kỳ 1981-1989 bồi hồi nhớ lại, ông vinh dự 2 lần được giao trọng trách đón Đại tướng về thăm quê. Đó là những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ trước, cuộc sống nhân dân còn nhiều khó khăn, vất vả, mỗi lần về, Đại tướng đều nghiên cứu, tìm hiểu về phát triển kinh tế địa phương, đời sống của bà con và dặn dò không được bảo thủ, không được chủ quan, không được thỏa mãn và phải đoàn kết một lòng. Sau buổi làm việc, Đại tướng cười nói: “Bây chừ xong việc rồi, cho tôi nghe hò khoan Lệ Thủy!”. Buổi tối, Đại tướng ghé nhà, nghe hò khoan Lệ Thủy và nghỉ lại một đêm tại ngôi nhà thân yêu của mình.
 
Gìn giữ di sản quê hương cho thế hệ mai sau
 
Cách đây nhiều năm, mỗi lần về quê và nghe điệu hò khoan, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có cách nhìn đi trước tương lai khi luôn dặn dò cán bộ lãnh đạo, các nghệ nhân và bà con gìn giữ hò khoan Lệ Thủy cho thế hệ mai sau.
 
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lý (nghệ danh Hải Lý, Phong Thủy, Lệ Thủy) bồi hồi nhớ lại những lần vinh dự biểu diễn hò khoan khi Đại tướng về thăm quê. Đại tướng say mê nghe và xố theo từng điệu hò khoan. Khi buổi biểu diễn kết thúc, Đại tướng lên sân khấu vừa ân cần bắt tay từng nghệ sỹ vừa dặn dò: “Các o, các chú hát hay lắm, phải phát huy hơn nữa và gìn giữ, duy trì hò khoan Lệ Thủy nghe…!”. Nhiều năm trôi qua, nhưng từng lời dặn của Đại tướng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí và trở thành động lực để bà nỗ lực bảo tồn hò khoan Lệ Thủy cho thế hệ sau.
 
Còn đối với nghệ nhân ưu tú Trần Thị Hới (nghệ danh Hồng Hới, Phong Thủy, Lệ Thủy), những lời dặn dò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần nghệ nhân vinh dự được biểu diễn cho Đại tướng năm 1996 vẫn còn vẹn nguyên. Đêm đó, Đại tướng nghe hò khoan ngay tại ngôi nhà của mình ở làng An Xá.
 
Đêm đã về khuya, nhưng Đại tướng vẫn say mê từng câu hò, điệu hát, từng nhịp chày giã gạo… Đặc biệt, Đại tướng xố “không trật một nhịp nào”!. Giọng Đại tướng đầm ấm thân thương, dặn dò các anh chị em nghệ nhân và bà con, người Lệ Thủy là phải biết hò khoan, phải yêu hò khoan như máu thịt của mình, phải gìn giữ và phát huy hò khoan Lệ Thủy, di sản quý báu của cha ông để lại.
 
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Điệp (Thanh Thủy, Lệ Thủy) thì không thể nào quên những lần vinh dự biểu diễn khi Đại tướng về thăm quê. Là anh trai của nghệ nhân ưu tú Hải Lý, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống đam mê hò khoan Lệ Thủy và dân ca Bình Trị Thiên, ông thành thạo trống, đàn nguyệt, đàn nhị. Trong lần biểu diễn vào năm 1986 cho Đại tướng xem tại quê nhà Lệ Thủy, ông nhớ mãi hình ảnh Đại tướng ân cần bắt tay từng nghệ nhân biểu diễn và dặn dò: “Là người Lệ Thủy thì phải biết hò khoan, giống như là người Quảng Bình thì phải biết bài hát Quảng Bình quê ta ơi…”.
 
Ông Trần Đức Triển, nguyên Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy nhớ lại, lần nào về thăm quê, bên cạnh quan tâm đến tình hình sản xuất, đời sống của bà con, Đại tướng đều bày tỏ tình yêu với điệu hò quê hương và luôn dặn dò người dân Lệ Thủy phải biết giữ gìn vốn quý này. Và những lời dặn dò của Đại tướng chính là động lực to lớn để các thế hệ nghệ nhân nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể hò khoan Lệ Thủy, xem đây như việc thực hiện một lời hứa với vị Đại tướng của nhân dân.
 
Ông Trần Đức Triển, nguyên Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy xúc động nhớ lại, trong lần về thăm quê ngay sau khi chính quyền địa phương phục dựng lại ngôi nhà cũ của Đại tướng, Đại tướng rất vui, nhưng dặn dò, có 3 chi tiết vẫn chưa đúng lắm, đó là cửa chính phải bằng phên lá kè, nền không lát bằng xi măng mà là nền đất, vách ngăn bằng ván chứ không phải xây bằng gạch… Vậy là ký ức về căn nhà nhỏ năm xưa vẫn in dấu trong ký ức và Đại tướng không bỏ sót một chi tiết nhỏ nào…
 
Mai Nhân
 
Bài 2: Nhớ lời dặn Đại tướng để “tiếp lửa” hò khoan