Đoàn ĐBQH tỉnh: Đóng góp nhiều nội dung quan trọng tại kỳ họp

  • 06:13 | Thứ Bảy, 19/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Sau 21 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã bế mạc. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã hoàn thành tốt nội dung chương trình. Báo Quảng Bình lược ghi một số ý kiến ấn tượng của các đại biểu tại kỳ họp, được cử tri và các cơ quan truyền thông đánh giá cao, Ban soạn thảo tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện các dự án luật.

Đoàn ĐBQH tỉnh tích cực tham gia và hoàn thành tốt câc nội dung kỳ họp
Đoàn ĐBQH tỉnh tích cực tham gia và hoàn thành tốt các nội dung kỳ họp

Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Vũ Đại Thắng khẳng định: Nội dung Luật đất đai (sửa đổi) rất căn bản, toàn diện, sẽ tạo điều kiện biến đất đai trở thành nguồn lực thực sự, hỗ trợ cho quá trình phát triển. Với tầm quan trọng và quy mô tác động của Luật, nếu nội dung tốt và triển khai tốt sẽ tạo động lực, nếu không tốt sẽ là trở ngại rất lớn trong giai đoạn tới.

Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tạo sự công bằng trong quá trình phát triển giữa các vùng miền, giữa đô thị, nông thôn, đặc biệt là phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Các quy định về đấu thầu trong Luật cần bảo đảm tôn trọng quyền sở hữu của công dân và các tổ chức liên quan. Các điều khoản của Luật phải đáp ứng yêu cầu điều tiết hiệu quả thị trường sử dụng đất. Phương án thu tiền cho thuê đất cần được cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm nguồn thu bền vững cho các thế hệ tương lai. Việc xây dựng các khu tái định cư phải bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu đời sống để người dân đồng thuận với các chính sách thu hồi đất…

Về Luật Giá, đồng chí Vũ Đại Thắng đồng tình với các nội dung và nhấn mạnh: Việc Ban soạn thảo bổ sung các hoạt động liên quan đến chi tiêu an ninh-quốc phòng và sách giáo khoa là cần thiết vì những mặt hàng này đáp ứng yêu cầu thực tế, cấp bách, cần có cơ chế kiểm soát. Bên cạnh đó, qua thực tiễn, đặc biệt là hai năm phòng, chống dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, việc mua sắm hàng hóa phòng, chống dịch trong tình trạng khẩn cấp cần phải đưa vào Luật để kiểm soát. Nếu được quy định cụ thể trong Luật, chúng ta sẽ tránh được những vi phạm như thời gian qua, sẽ góp phần bảo vệ được những cán bộ công tâm, khách quan, chống dịch vì mục tiêu chung là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng nhân dân!

Tham gia thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu vấn đề: Nếu như năm 2019, Việt Nam rúng động vì thảm kịch 39 người chết trong container tại Anh, gióng lên hồi chuông về tình trạng mua bán người, nô lệ thời hiện đại, thì trong năm nay, có hơn 1.000 lao động được giải cứu trong các casino ở Cam-pu-chia. Việc này cho thấy thảm kịch "người rơm" diễn biến ngày càng phức tạp.

Những ý kiến của đại biểu được tiếp thu, chắt lọc từ các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cử tri tỉnh nhà kết hợp nghiên cứu thực tiễn
Những ý kiến của đại biểu được tiếp thu, chắt lọc từ các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cử tri tỉnh nhà kết hợp nghiên cứu thực tiễn

Đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là người lao động “khát” việc làm, nhất là sau cơn đại dịch. Vì vậy, cùng với việc Chính phủ cần có giải pháp đánh giá cụ thể tình hình, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp để ngăn chặn tình trạng ”người rơm” thì cần tạo sự thông thoáng trong quá trình tiếp cận các nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch, giải quyết “cơn khát” việc làm của người lao động, cũng đồng thời giải quyết "gốc rễ" của vấn đề “người rơm”.

Cũng liên quan đến tình hình kinh tế-xã hội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đã chỉ ra những bất cập, vướng mắc và chậm trễ trong việc thực hiện Nghị định 31, ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Sau một thời gian triển khai, đến nay, cả nước chỉ có gần 600 khách hàng được tiếp cận chương trình, trong đó, tỉnh Quảng Bình chỉ có 1 doanh nghiệp với khoản vay 500 triệu đồng, đây là con số quá thấp so với kỳ vọng đặt ra. Đại biểu đã nêu 5 giải pháp cụ thể mà Chính phủ cần nghiên cứu tháo gỡ để giải quyết được “cơn khát vốn” của các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất.  

Đối với dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đã thảo luận về các biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình và bảo vệ người bị bạo lực gia đình. Sau khi phân tích kỹ các nội dung, đại biểu cho rằng, cần phải quy định rất thận trọng, nhất là trong điều kiện chúng ta đang đề cao việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tránh việc sơ hở, lạm dụng trong các quy định của pháp luật. Thảo luận về các biện pháp, điều kiện cấm tiếp xúc, về biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình… trong dự thảo luật, đại biểu đã đề nghị Ban soạn thảo chỉnh lý, làm rõ, thay đổi thứ tự, cân nhắc, mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật để bao quát các trường hợp.

Trong phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sau khi nêu các “đại án” và những con số thất thoát, đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, hầu hết các chủ trương ban đầu đưa ra cơ bản hợp lý, đúng hướng, tuy nhiên khi thực hiện còn mang yếu tố chủ quan và nhiều lý do khác dẫn đến kém hiệu quả, thậm chí để lại hậu quả lâu dài, nhất là lãng phí về tài sản đầu tư, nguồn lực và niềm tin trong nhân dân.

Ý kiến cũng nhấn mạnh, trong thực thi chính sách, tình trạng “đầu voi đuôi chuột” thường dẫn đến sự lãng phí, khó khăn và khó xử cho rất nhiều người dân đáng ra phải là đối tượng được hưởng lợi. Chính vì thế, để khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ giữa chính sách và nguồn lực, cần có sự nghiên cứu đầy đủ, đánh giá tác động của chính sách trước khi ban hành và triển khai. Nếu chính sách không khả thi, cần “dũng cảm” không bắt đầu, còn nếu bắt đầu, phải triển khai cho tới nơi, tới chốn, có như thế mới hạn chế được sự lãng phí.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ĐBQH tỉnh đã tham gia 24 lượt thảo luận tại tổ, 8 lượt thảo luận trực tiếp tại hội trường, 3 lượt chất vấn và 2 lượt tranh luận. Những ý kiến thảo luận, tranh luận, chất vấn của đại biểu xuất phát từ việc tiếp thu, chắt lọc các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cử tri tỉnh nhà kết hợp nghiên cứu thực tiễn, từ đó đề xuất các giải pháp khả thi, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Thảo luận về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Nguyễn Tiến Nam đã chỉ ra nội dung chưa phù hợp với thực tế. Đó là quy định khi thiên tai xảy ra, địa phương phải chờ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải công bố quyết định tình huống khẩn cấp về thiên tai và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với hệ thống đường Quốc lộ và đường cao tốc để cơ quan quản lý đường bộ thực hiện biện pháp ngăn chặn và khắc phục hậu quả.

Đại biểu nhấn mạnh, công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai đòi hỏi phải kịp thời, cấp thiết; nhiều tình huống thiên tai diễn ra bất ngờ, không được dự báo trước, việc đợi cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn ở địa phương ban hành quyết định sẽ không bảo đảm tính kịp thời trong việc ngăn chặn hậu quả và khắc phục hậu quả. Theo đó, đại biểu đề nghị rà soát, đánh giá sự thống nhất, tính phù hợp của các quy định có nội dung liên quan đến phòng thủ dân sự, bao gồm cả lĩnh vực giao thông vận tải để quy định thống nhất ngay trong Luật theo hướng phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với toàn bộ hệ thống đường bộ trên địa bàn cấp tỉnh (bao gồm Quốc lộ, đường cao tốc, đường địa phương).

Nội dung thảo luận của đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã nêu bật tầm quan trọng của đất đai đối với giáo dục-đào tạo (GD-ĐT). Nhấn mạnh quan điểm đầu tư cho GD-ĐT là đầu tư phát triển, ý kiến cho rằng không chỉ đầu tư về nguồn lực tài chính và nguồn lực con người mà cần đầu tư về chính sách, trong đó chính sách đất đai đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Các ý kiến của đại biểu đã chú trọng đến động lực và quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, hướng đến việc nâng cao chất lượng GD-ĐT và tránh tạo gánh nặng cho người học.    

Ngọc Mai

tin liên quan

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc song phương bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 2022

Nhân dịp tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 tại Bangkok, Thái Lan, trong hai ngày 17 và 18/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC gồm: Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Chile, Australia, Pháp, Canada và Peru.
 

Viết tiếp những trang sử vẻ vang trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

(QBĐT) - Trải qua 92 năm xây dựng và phát triển, ở mỗi thời kỳ, giai đoạn cách mạng với hình thức, tên gọi khác nhau cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ, MTTQVN luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh "cầu nối" giữa nhân dân với Đảng và chính quyền.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp song phương Ngoại trưởng hai nước Mỹ và Nhật Bản

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, nhân dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2022, chiều 17/11, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã lần lượt có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nhật Bản Hayashi Yoshimasa tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Queen Sirikit ở thủ đô Bangkok, Thái Lan.