Vấn đề kiểm soát quyền lực trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Gắn liền với quyền lực được trao, kiểm soát quyền lực là vấn đề cực kỳ quan trọng để bảo đảm quyền lực được thực hiện đầy đủ, không bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích, dẫn đến hậu quả tiêu cực, thậm chí liên quan đến lợi ích sống còn của quốc gia, dân tộc, sự tồn vong của một chế độ. Chính vì vậy, trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” nội dung kiểm soát quyền lực được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt chú trọng, đề cập nhiều lần.
Vấn đề kiểm soát quyền lực được Ðảng ta chú trọng gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, đặc biệt là nhiệm kỳ Ðại hội XI, XII, XIII. Ðại hội XIII của Ðảng đã đặt ra yêu cầu: “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”. Ðiều này thể hiện quyết tâm chính trị của Ðảng nhằm xây dựng, phát triển một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lạm quyền, lộng quyền, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực.
Kế thừa những quan điểm, tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Ðảng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đề cập, có tư tưởng, quan điểm mới về công tác kiểm soát quyền lực, có thể khái quát ở những phương diện sau đây:
Về tha hóa quyền lực, trong tác phẩm, tác giả đã chỉ ra những biểu hiện của tha hóa quyền lực. Theo đó, “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí, tiêu cực còn có những diễn biến phức tạp, khó lường; những khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên có nguy cơ gia tăng về số lượng và nghiêm trọng hơn về mức độ, tính chất, quy mô và tinh vi trong cách vi phạm.
Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, ở đâu có quyền lực, ở đó có tha hóa quyền lực. Tha hóa quyền lực là hiện tượng sử dụng quyền lực không đúng với chức năng, thẩm quyền được giao và diễn ra theo cả hai hướng:
Tình trạng “lạm quyền”, “lộng quyền”: là hành vi lợi dụng quyền lực được trao, làm và quyết định những việc vượt quá thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao. Ðó là tình trạng “vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm... lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, luật pháp, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Hay như “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán; không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình... Ðể nội bộ mất đoàn kết... lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính”, “cua cậy càng, cá cậy vây”...
Tình trạng không làm hết, không “tròn vai” quyền lực được trao: đó là hiện tượng không làm hết chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được trao. Cụ thể là bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định vào đường lối quan điểm của Ðảng, cơ hội chính trị, xu nịnh, chạy chọt, thiếu chính kiến, “mũ ni che tai”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; thiếu tu dưỡng, rèn luyện; không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, ý thức kỷ luật kém, không chấp hành kỷ luật tổ chức, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “quyền anh, quyền tôi”...
Cả “lộng quyền”, “lạm quyền”, làm không hết, không “tròn vai” quyền lực được trao đều có thể để lại những hậu quả là làm sai, làm trái, làm không hết chức trách nhiệm vụ, gây hậu quả với tính chất, mức độ khác nhau. Bằng những biểu hiện cụ thể, Tổng Bí thư đã chỉ rõ sự tha hóa quyền lực về “lạm quyền”, “lộng quyền”, tình trạng làm không hết quyền lực được trao một cách chi tiết, dễ hiểu, dễ nhớ. Cán bộ, đảng viên, người đọc có dễ dàng nhận diện, hệ thống, trên cơ sở đó phê bình, tự phê bình, “tự soi, tự sửa”, tự tu dưỡng, rèn luyện; đồng thời cơ quan chức năng có thể phát hiện, xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.
Về sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực. Xã hội muốn tồn tại, phát triển đều phải được quản lý bằng hệ thống luật pháp, chuẩn mực đạo đức xã hội, nhất là trong điều kiện nước ta xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Tác phẩm chỉ rõ: “Chúng ta ai cũng biết, một gia đình muốn êm ấm, hòa thuận, hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp (nếp nhà): “Trên kính dưới nhường”, tôn ti trật tự, không thể vô lễ, vô phép, “cá mè một lứa”, “thượng hạ bằng đẳng”... Một làng, một xã, một dòng họ cũng có hương ước, quy ước, lệ làng; một cơ quan, một công sở phải có “nội quy”; một tổ chức, đoàn thể phải có “quy chế”, có “điều lệ”... Một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, sự khuyên nhủ, càng phải có kỷ cương, phép nước, phải có pháp luật nghiêm minh để bảo vệ cái tốt, cái đúng; răn đe, trừng trị những cái xấu, cái sai, có hại cho dân cho nước, tức là phải có sự quản lý bằng cơ chế, pháp luật, phải có phép nước.
Quyền lực không được kiểm soát, tình trạng tha hóa quyền lực rất dễ dẫn đến quyết định, việc làm không đúng nguyên tắc, quy định, để lại hậu quả tai hại. Tổ chức càng lớn, chức vụ càng cao nếu xảy ra tha hóa quyền lực thì hậu quả, tác động càng rộng, tính chất càng nghiêm trọng, thậm chí là liên quan đến lợi ích sống còn của quốc gia, dân tộc, sự tồn vong của một chế độ.
Mặt khác, tình trạng “lộng quyền”, “lạm quyền”, làm không đúng quy định, thực hiện không hết chức năng của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, xảy ra hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí... làm suy giảm vai trò lãnh đạo của Ðảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, niềm tin của nhân dân đối với hệ thống chính trị, chế độ xã hội.
Như vậy, quyền lực là vấn đề không thể thiếu để duy trì trật tự xã hội, bảo đảm lợi ích chung. Quyền lực cũng có xu hướng bị lạm dụng để vun vén lợi ích cá nhân, có quyền rất dễ bị cám dỗ, tha hóa, lạm quyền, lộng quyền; vì thế cần phải kiểm soát, cơ chế bảo đảm, chế tài xử lý để xã hội thực sự công bằng, thể hiện thượng tôn pháp luật. Kiểm soát quyền lực chính trị là cần thiết, tất yếu khách quan đối với bất cứ thể chế chính trị nào.
- Về cơ chế, giải pháp kiểm soát quyền lực. Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định, xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới giá trị tiến bộ, nhân văn dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội, hài hòa với lợi ích chính đáng của con người. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là “Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ”. Phải chăng cơ chế kiểm soát quyền lực được vận hành theo cơ chế, mô hình chung đó. Kiểm soát quyền lực để loại bỏ những nguy cơ, những hành vi, những việc làm sai trái của các chủ thể, bảo đảm quyền lực được sử dụng và thực hiện đúng theo quy định, Hiến pháp và pháp luật.
Ðảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Ðối với kiểm soát quyền lực, Ðảng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối, quy định để kiểm soát quyền lực trong Ðảng; đồng thời để trên cơ sở đó, Nhà nước thể chế hóa, cụ thể hóa thành pháp luật. Ðảng thực hiện chức năng lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên trong cơ quan nhà nước để ngăn chặn, xử lý hiện tượng tổ chức, cán bộ, đảng viên vi phạm.
Nhà nước được tổ chức quyền lực theo nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị-xã hội thực hiện giám sát và phản biện mang tính xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Nhân dân thực hiện vai trò làm chủ, thực hiện dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là ở cơ sở, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; người đứng đầu ở nhiều cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Cơ chế kiểm soát quyền lực luôn bảo đảm sự phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Ðảng với thanh tra, kiểm toán nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, hạn chế sự chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong lãnh đạo, quản lý, đề xuất bổ sung, sửa đổi các văn bản có liên quan cho phù hợp. Sự phối hợp đó góp phần thực hiện có hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực.
Ðể kiểm soát quyền lực, trong tác phẩm, Tổng Bí thư xác định nhiều giải pháp cụ thể để kiểm soát quyền lực. Ðáng chú ý là: (1) Xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương, “người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu”. Tăng cường xây dựng Ðảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức để Ðảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”. (2) Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiệu lực, hiệu quả, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, khoa học; xây dựng được thể chế đầy đủ, chặt chẽ, làm căn cứ để thực hiện ngăn chặn tha hóa quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Người có chức, có quyền không thể tham nhũng được nếu có các quy định pháp lý chặt chẽ, đầy đủ, công khai, minh bạch và được kiểm tra, giám sát thường xuyên; phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”. (3) Thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. (4) Xử lý, kỷ luật nghiêm minh những sai phạm, công tác phát hiện và xử lý phải được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trung tướng, PGS, TS TRẦN VI DÂN
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân
Theo Nhân Dân
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.