(QBĐT) - Thời gian qua, Hội Nông dân xã Tây Trạch (Bố Trạch) đã tích cực tuyên truyền, vận động, đồng hành cùng hội viên thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên.
Hội Nông dân xã Tây Trạch hiện có 1.278 hội viên tham gia sinh hoạt ở 9 chi hội. Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên, nông dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khơi dậy truyền thống yêu nước và tinh thần tự lực tự cường trong lao động, hội đã tổ chức học tập, nâng cao trình độ tay nghề, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, giúp các hộ nông dân thực hiện hiệu quả phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG).
Xác định phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm, Hội Nông dân xã đã phát động phong trào đến từng hội viên, động viên, khuyến khích các mô hình làm ăn có hiệu quả.
Trong giai đoạn 2017-2021, số lượng hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân SXKDG các cấp tăng 30%, có 800 hộ đăng ký, chiếm 62% so với tổng số hộ nông dân trong xã. Riêng năm 2021, toàn xã đã có 683 hộ đạt nông dân SXKDG các cấp. Phong trào đã góp phần hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu như cây sắn, cao su, hồ tiêu, lạc… để liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Đã có nhiều tấm gương nông dân không cam chịu đói nghèo quyết tâm vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy lợi thế của địa phương để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả.
Giai đoạn 1996-1999, khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, gia đình anh Nguyễn Xuân Tứ (SN 1973), chị Dương Thị Manh (SN 1974), thôn Cồn, xã Tây Trạch đã mạnh dạn nhận 6ha đất đồi để làm mô hình kinh tế tổng hợp VAC. Ban đầu, cũng như bao người dân ở trong xã, anh chị trồng cây cao su, nhưng đến mùa bão, cao su thường gãy đổ, nguồn vốn không thu lại được mà nợ còn chồng nợ.
Với quyết tâm thoát nghèo, anh chị đã đầu tư chuyển đổi một phần diện tích trồng cây cao su sang trồng các cây khác như cây sắn, cây tiêu, các loại rau màu. Bên cạnh đó, với nguồn đất đai vườn đồi có sẵn, nhận thấy việc phát triển trồng cỏ để chăn nuôi sẽ đem lại thu nhập cao, anh chị đã bàn bạc và mạnh dạn chuyển đổi hơn 5 sào đất đồi sang trồng cỏ để chăn nuôi thêm bò lai sinh sản.
Nhờ chịu thương, chịu khó, cùng với sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả gia đình, cuộc sống gia đình anh chị ngày một khấm khá hơn, trở thành một trong những hộ điển hình SXKDG tiêu biểu của địa phương. Đến nay, gia đình anh chị có 1,5ha tiêu, 3ha sắn, 1ha cây cao su, 6 con bò lai sinh sản, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chị Dương Thị Manh cho biết: Có được thành quả ngày hôm nay là cả một sự cố gắng rất lớn của gia đình và sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Hội Nông dân xã và các cấp, các ngành.
Bên cạnh mô hình của gia đình anh Tứ, chị Manh còn có các điển hình như ông Dương Ngọc Chiến (thôn Sỏi) với xưởng chế biến gỗ thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, hộ gia đình chị Hoàng Thị Tuấn (thôn 1 Võ Thuận) với mô hình nuôi lợn, số lượng 100 con/lứa, mỗi năm 2 lứa cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm….
Ông Hoàng Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bố Trạch cho biết: Hội Nông dân xã Tây Trạch là một trong những cơ sở hội vững mạnh của huyện, vai trò của Hội Nông dân xã được thể hiện rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu cây trồng vùng gò đồi, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, đẩy mạnh công tác giảm nghèo ở địa phương.
Để hỗ trợ nguồn vốn cho hội viên, Hội Nông dân xã đã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội để tín chấp cho hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay hội có 4 tổ tiết kiệm-vay vốn với 148 thành viên, tổng dư nợ 3 tỷ đồng. Cùng với hỗ trợ vay vốn, từ năm 2017 đến 2021, Hội Nông dân xã đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 50 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 2.500 lượt hội viên tham gia, tổ chức 12 lớp dạy nghề tại chỗ cho 380 lượt hội viên. Hội còn tạo điều kiện, kinh phí cho cán bộ, hội viên nông dân được tham quan học tập nhiều mô hình nông nghiệp ngoài tỉnh nhằm giúp cán bộ, hội viên áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.
Cùng với tích cực phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã còn vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Từ khi phát động phong trào xây dựng nông thôn mới đến nay, Hội Nông dân xã đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân toàn xã hiến đất, đóng góp trên 15 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công.
Ông Nguyễn Hữu Duẩn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Trạch cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, hội sẽ đẩy mạnh việc vận động hội viên, nông dân tích cực thi đua phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp-nông thôn. Đồng thời, hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân khai thác tiềm năng, lợi thế gia đình, địa phương, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; trong đó tập trung vào mũi nhọn khai thác kinh tế gò đồi, phát triển đa cây, đa con nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích…
Mô hình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung đã góp phần quan trọng thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân, hai Bộ Quốc phòng và lực lượng bảo vệ biên giới hai nước.
(QBĐT) - Đảng bộ huyện Quảng Ninh luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác học tập, quán triệt, tích cực đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
(QBĐT) - Nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, phục vụ nhân dân, huyện Bố Trạch đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính.