Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

  • 08:53 | Thứ Bảy, 16/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Chiều 15/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm cấp cao với Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ, lãnh đạo Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) Narendra Modi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: TTXVN)
Trong bầu không khí thân mật và hữu nghị kỷ niệm 50 năm hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972-7/1/2022), hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ.
 
Thủ tướng Narendra Modi đánh giá cao ý nghĩa của cuộc điện đàm cấp cao với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúc mừng thành công của Việt Nam trong phát triển đất nước, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế; chúc mừng Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được tiếp tục bầu lại; chúc Tổng Bí thư mạnh khỏe nhân ngày sinh nhật 14/4 vừa qua.
 
Ngài Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, đặc biệt là chính sách “Hành động hướng Đông” và bày tỏ tình cảm tốt đẹp đối với đất nước và nhân dân Việt Nam.
 
Thủ tướng Narendra Modi thông tin với Tổng Bí thư về tình hình Ấn Độ gần đây, trong đó có việc phục hồi kinh tế, xây dựng chuỗi cung ứng để đáp ứng yêu cầu trong nước và hướng tới tích hợp với chuỗi cung ứng toàn cầu.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng những thành tựu của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ giành được dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, trong đó có việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và thắng lợi gần đây của BJP trong các cuộc bầu cử viện lập pháp các bang. Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò và những đóng góp quan trọng của Ấn Độ trong khu vực và trên thế giới; khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Ấn Độ được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp và phát triển, sự gắn bó sâu sắc về lịch sử và văn hóa, cùng những lợi ích chung trên nhiều vấn đề quốc tế quan trọng là cơ sở cho sự hợp tác và ủng hộ hiệu quả lẫn nhau.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với Thủ tướng Narendra Modi về một số nét lớn về tình hình kinh tế-chính trị của Việt Nam, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và đường lối đối ngoại được Đại hội XIII của Đảng đề ra; nhấn mạnh Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ cả trong khuôn khổ song phương cũng như trên các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế.
 
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước trong ứng phó dịch Covid-19. Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị và tiếp xúc cấp cao và trên các kênh, thúc đẩy quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng chính trị ở Ấn Độ, trong đó có BJP; giao các cơ quan hai nước đẩy mạnh phối hợp để triển khai các chương trình biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương trên các lĩnh vực hợp tác trụ cột, trong đó khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư nhằm tạo điều kiện cho hai nước phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh; tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả hợp tác quốc phòng an ninh; tạo điều kiện đẩy mạnh hợp tác du lịch cũng như các dự án hợp tác trao đổi văn hóa và bảo tồn, trùng tu cụm di sản; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước trong các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế… vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở châu Á cũng như trên thế giới.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình phức tạp hiện nay, hai nước cần tăng cường phối hợp để qua quan hệ của mỗi nước với các đối tác và tại các cơ chế đa phương, như Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế hợp tác khu vực khác, cùng đóng góp giữ gìn hòa bình, an ninh, đề cao luật pháp quốc tế, thúc đẩy hợp tác, bảo vệ lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển. 
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: TTXVN)
Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi và chia sẻ lập trường về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về Biển Đông, hai bên nhất trí về sự cần thiết của việc giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của các quốc gia và quyền tự do hàng không, hàng hải.
 
Về tình hình ở Ukraine, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực; mong muốn các bên liên quan thúc đẩy đối thoại, đàm phán để chấm dứt chiến sự, lập lại hòa bình trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của các bên, phù hợp với luật pháp quốc tế, bảo đảm an toàn của người dân, giải quyết các vấn đề nhân đạo.
 
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm lại Việt Nam vào thời gian thích hợp. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã vui vẻ nhận lời.
 
Theo Nhân Dân
 

tin liên quan

Lan tỏa phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"

(QBĐT) - Những năm qua, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, đẩy mạnh phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)" là một trong những nội dung được Mặt trận các cấp phối hợp với chính quyền cùng cấp, các ban, ngành, đoàn thể thực hiện hiệu quả. 

TX. Ba Đồn và Quảng Ninh: Triển khai nhiệm vụ quý II

(QBĐT) - Sáng 15/4, Ban Chấp hành Đảng bộ TX. Ba Đồn khóa XXV tổ chức phiên họp thường kỳ lần thứ 8 để đánh giá tình hình kinh tế-xã hội (KTXH); an ninh quốc phòng; công tác xây dựng Đảng quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2022.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

Ngày 15/4, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.