Lan tỏa phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"

  • 06:22 | Thứ Bảy, 16/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)” là một trong những nội dung được Mặt trận các cấp trong tỉnh phối hợp với chính quyền cùng cấp, các ban, ngành, đoàn thể thực hiện hiệu quả. Thông qua đổi mới công tác tuyên truyền, nhân rộng những điểm sáng chấp hành pháp luật phù hợp với thực tiễn đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, bảo đảm ổn định tình hình an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội (ATXH) ở địa phương, cơ sở.
 
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo Mặt trận các cấp chủ động phối hợp với Công an, ban, ngành, đoàn thể cùng cấp tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và tôn giáo tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, bảo đảm ANTT, ATXH ở địa bàn dân cư. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được Mặt trận các cấp triển khai phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế tại cộng đồng dân cư (CĐDC).
 
Một trong những giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong CĐDC là Mặt trận các cấp đã và đang phối hợp duy trì hoạt động 1.515 “Nhóm nòng cốt” tuyên truyền pháp luật ở khu dân cư (KDC), 322 “Điểm sáng chấp hành pháp luật”, 1.234 tổ hòa giải với 8.242 hòa giải viên.
 
Trên địa bàn tỉnh hiện có 6.131 tổ quần chúng bảo vệ ANTT đang hoạt động hiệu quả, trong đó: 100 ban ANTT thôn, bản, tổ dân phố (TDP); 487 đội xung kích; 4.450 tổ an ninh nhân dân; 22 ban bảo vệ dân phố; 815 nhóm liên gia tự quản; 234 tổ “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”; 221 tổ, đội bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường với 1.323 người; 103 mô hình về tuyên truyền, vận động nhân dân bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS.
Hệ thống camera giám sát anh ninh tại phường Ba Đồn (TX. Ba Đồn))
Hệ thống camera giám sát an ninh tại phường Ba Đồn (TX. Ba Đồn).

Các nhóm nòng cốt, tổ, câu lạc bộ… hoạt động theo nguyên tắc tự quản, dưới sự điều hành của cấp ủy thôn, bản, TDP. Mỗi nhóm, tổ có từ 7 đến 10 thành viên, hầu hết là những người gương mẫu, am hiểu về pháp luật, có uy tín trong CĐDC, được nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức vụ quan trọng, như: Trưởng thôn, tổ trưởng TDP, trưởng ban công tác Mặt trận, chi hội trưởng, chi hội phó các tổ chức, đoàn thể.

Đối với những khu vực tập trung đông ĐBDTTS, đồng bào có đạo, các nhóm thu hút đội ngũ già làng, người tiêu biểu trong CĐDC để họ phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, cùng với nhóm nòng cốt thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, tạo nếp sống tự quản theo pháp luật trong từng CĐDC.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Trần Quang Minh cho biết thêm: “Riêng trong năm 2021, Mặt trận các cấp đã phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mới 25 mô hình cấp tỉnh liên quan đến ANTT. Các mô hình đang phát huy hiệu quả, như: Công an xã-hội đồng mục vụ giáo xứ về bảo đảm ANTT tại xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn),  “Liên kết bảo đảm ANTT Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình”, “KDC không có thanh niên mắc tệ nạn xã hội” (xã Vạn Ninh, Quảng Ninh), “Cụm dân cư an toàn về ANTT, không có người sử dụng xung điện, chất độc, chất cấm khai thác thủy sản” (xã Lộc Thủy, Lệ Thủy), “Zalo kết nối bình yên” (TP. Đồng Hới), “Chung tay đẩy lùi tệ nạn ma túy” (xã Lâm Hóa, Tuyên Hóa), “4 an toàn, 3 tự quản” của Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp …”.

Ban công tác Mặt trận thôn 4 Lộc Đại (xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới) triển khai ký kết thực hiện các nội dung xây dựng mô hình KDC nông thôn mới kiểu mẫu.
Ban công tác Mặt trận thôn 4 Lộc Đại (xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới) triển khai ký kết thực hiện các nội dung xây dựng mô hình KDC nông thôn mới kiểu mẫu.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh tiếp tục phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tuyên truyền, vận động nhân dân cách phòng, chống các loại tội phạm, hoạt động khai thác trái phép lâm sản, săn bắt động vật trong danh sách cấm của Nhà nước, buôn bán ma túy, pháo nổ; các nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, các văn bản pháp lý về quản lý, bảo vệ biên giới giữa Việt Nam và Lào đã ký kết…

Hai bên đã phối hợp duy trì mô hình điểm về thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” tại 28 xã, phường biên giới; xây dựng, nhân rộng các mô hình về giữ gìn ANTT, ATXH ở địa bàn biên giới, như: “Tổ tàu thuyền an toàn hỗ trợ nhau trong sản xuất và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, “Tổ tuần tra nhân dân”, “Thôn, bản biên giới không có tội phạm ma túy”, mô hình “Ánh sáng vùng biên”…
 
Đến nay, hai bên đã phối hợp duy trì hoạt động 56 tập thể/1.504 hộ tham gia tự quản đường biên và 61 mốc quốc giới; 119 tổ/829 tàu thuyền an toàn trên biển; 380 tổ/2.221 hộ tham gia tự quản về ANTT thôn, bản, TDP; 25 tổ/147 tàu và 1 tổ/36 hộ tham gia tự quản bến bãi khu vực cửa khẩu. Thông qua hoạt động, các mô hình tự quản trong CĐDC đã cung cấp 156 tin, trong đó có 125 tin giá trị phục vụ công tác quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh các loại tội phạm.
 
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Trần Quang Minh nhấn mạnh: “Điều đáng ghi nhận là các mô hình điểm thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” đã thu hút sự vào cuộc trong lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của mọi lực lượng trong xã hội và sự hưởng ứng tham gia bằng những việc làm thiết thực của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, tạo nên phong trào chấp hành pháp luật sâu rộng trong từng gia đình, KDC, từng bước ngăn chặn và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội”.
 
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh duy trì 98 mô hình thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”, 100% KDC, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường xây dựng, củng cố ban chỉ đạo ANTT và đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”. Kết quả, toàn tỉnh có 1.084/1.142 KDC, 109/128 xã, 14/15 phường, 7/8 thị trấn, 288/296 cơ quan, doanh nghiệp được công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” năm 2021”.
 
Hiền Chi

tin liên quan

Tỏa sáng phẩm chất người lính…

(QBĐT) - Thượng tá Trần Đình Thắng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Lệ Thủy luôn nỗ lực thực hiện trách nhiệm của người lính Cụ Hồ trong thời bình. 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp, đối thoại với dân

(QBĐT) - Hôm nay, ngày 15/4, tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh, các đồng chí: Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì phiên tiếp và đối thoại với dân định kỳ tháng 4/2022.

TX. Ba Đồn và Quảng Ninh: Triển khai nhiệm vụ quý II

(QBĐT) - Sáng 15/4, Ban Chấp hành Đảng bộ TX. Ba Đồn khóa XXV tổ chức phiên họp thường kỳ lần thứ 8 để đánh giá tình hình kinh tế-xã hội (KTXH); an ninh quốc phòng; công tác xây dựng Đảng quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2022.