.

"Thân cò" dòng Loan

Thứ Bảy, 24/09/2022, 07:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Khi con nước thủy triều rút xuống, dòng sông Loan lộ ra những bãi đá ngầm và những cồn cát trải dài. Bao đời nay, những bãi sông này là chốn mưu sinh của những người phụ nữ nghèo ở địa phương. Giữa lòng sông bao la, hình ảnh những tấm lưng gầy cong mình cạy từng con hàu, cào từng con si si tựa như những "thân cò" lặn lội bắt tép nuôi con…

 

 

9 giờ sáng, cái “nắng tháng 8 rám trái bưởi” vẫn không thể ngăn được bước chân “đi mà như chạy” của một nhóm phụ nữ về phía những bãi bồi sông Loan, đoạn qua xã Quảng Châu (Quảng Trạch). Họ là những người làm nghề cạy hàu, cào si si (một loài hến), mò sò, bắt cua… trên dòng sông Loan. Bao đời nay, dòng sông Loan đã “ban phát” cho người dân quanh vùng nguồn lợi thủy sản dồi dào. Tuy nhiên, nguồn lợi ấy không phải tự nhiên mà có được. Để mưu sinh trang trải cuộc sống gia đình, người dân nơi đây cũng phải đổ rất nhiều mồ hôi.

 

 

Trong rất nhiều nghề đánh bắt thủy sản trên sông Loan, những người phụ nữ nghèo thường chọn nghề cạy hàu, cào si si trên các bãi đá ngầm và bãi bồi để mưu sinh. Bởi công việc này không phải tốn tiền đầu tư ngư lưới cụ mà chỉ đòi hỏi sự chịu khó, nhẫn nại. Lịch trình làm việc của nghề cạy hàu, cào si si gắn liền với chu kỳ con nước thủy triều. Con nước ròng (thủy triều xuống) lúc buổi sáng sớm, nhưng cũng có lúc buổi trưa đứng bóng và thậm chí là lúc nửa đêm. Vậy nhưng, dù là thời gian nào thì khi con nước ròng, họ đều đã có mặt. Cuộc mưu sinh của họ vì thế vất vả, nhọc nhằn như thân cò, thân vạc.

 

Những ngày cuối tháng (âm lịch), con nước thủy triều trên sông Loan sẽ rút xuống lúc 9 giờ sáng và sẽ lên lại lúc 12 giờ trưa, nên những người phụ nữ làm nghề cạy hàu, cào si si ở Quảng Châu chỉ có khoảng 3 tiếng đồng hồ giữa buổi trưa “tháng 8 nắng rám trái bưởi” để “kiếm gạo” nuôi con.  

 

Mặt trời đã đứng bóng, nhưng chị Đàm Thị Hiền (SN 1987), thôn Trung Minh, xã Quảng Châu mới chỉ cào được chừng 5 lon si si đựng trong cái thùng sơn nhỏ. “Chừng này bán chắc chưa được 100 nghìn đồng, phải ráng thêm chút nữa”, chị Hiền tỏ vẻ chưa hài lòng và tiếp tục cặm cụi cào.

 

Giữa lòng sông rộng, bóng chị Hiền nhỏ nhoi như cây nấm dưới nắng trưa. Mỗi lần cào được một con si si trong lớp bùn, chị Hiền lại nở nụ cười làm khuôn mặt khắc khổ, rám nắng của chị bỗng trở nên tươi tắn hơn. Giây phút ấy, chị chợt nghĩ đến những đứa con, đến người cha già ở nhà sẽ có được bữa cơm tươm tất, đủ đầy hơn.

 

 

Trong nhóm người phụ nữ làm nghề cạy hàu, cào si si trên dòng sông Loan mà chúng tôi gặp, ngoài chị Hiền, còn có chị Đàm Thị Hảo (SN 1976), thôn Tiền Tiến là hai người có hoàn cảnh khó khăn hơn cả. Chị Hảo có 4 đứa con, trong đó có 1 đứa bị câm điếc bẩm sinh. Trong khi đó, chị Hiền có 3 đứa con, nhưng cũng có 1 đứa con bị khuyết tật. Ngoài ra, vợ chồng chị còn nuôi bố chồng năm nay đã 88 tuổi, thường xuyên đau ốm. Hai “phận nghèo” đồng cảm nên lúc nào xuống sông mưu sinh, 2 chị cũng rủ nhau đi để tiện đỡ đần.

 

 

 

 

Theo người dân địa phương, trước khi chuyển hướng đổ ra biển, đoạn sông Loan đi qua các xã Quảng Tùng, Quảng Phú bắt gặp dòng nước mặt từ biển Đông theo thủy triều dâng lên. Sự giao hòa giữa dòng nước tinh khiết từ mạch nguồn Hoành Sơn và vị mặn mòi của nước biển tạo thành nơi cư ngụ của nhiều loại sản vật nước lợ, như: Hàu, sò, ốc, tôm, cua, cá. Đặc biệt, đoạn sông này còn có loài sò huyết, một loại sản vật thượng hạng, tương truyền được dùng để tiến vua.

 

Với nguồn thủy sản dồi dào, bao đời nay, khúc sông Loan này là chốn mưu sinh của nhiều người dân ven sông. Vậy nhưng, những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu và các kiểu đánh bắt “tận diệt”, nguồn lợi thủy sản đang cạn dần.

 

 

Hơn 30 năm làm nghề đánh bắt các loại thủy sản trên sông Loan, tuy không giàu có gì nhưng cuộc sống của gia đình bà Hồ Thị Tịnh (xã Quảng Châu) cũng ổn định. Ngoài việc cạy hàu, cào si si, bắt sò huyết, bà Tịnh cũng đã đầu tư được một giàn rớ để đánh bắt cá, tôm.

 

Bà Tịnh cho biết, trước đây mỗi ngày đánh bắt, gia đình bà cũng thu được cả chục kg cá tôm các loại, có ngày may mắn, bắt được cá to, bán được tiền triệu. Nhưng bây giờ, có khi làm cả ngày, cả đêm cũng chỉ kiếm được trên dưới trăm nghìn đồng, không đủ cho gia đình chợ búa, chi tiêu trong ngày.

 

 

Nguồn lợi thủy sản trên sông Loan ngày càng cạn kiệt, nên những người làm nghề từ chỗ “sống khỏe” với nghề, dần trở nên chật vật. Nhiều người đành phải chuyển nghề, vì không thể kiếm đủ tiền để nuôi sống gia đình.

 

 

Bà Đàm Thị Hồng Hợi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Châu cho biết, những người làm nghề đánh bắt hải sản trên sông Loan hiện nay đa phần là chị em phụ nữ. Đặc biệt là các nghề cạy hàu, cào si si… thì đa số chị em đều thuộc diện hộ nghèo.

Bởi lẽ, những chị em này đều lớn tuổi, thiếu vốn, không có chuyên môn, sức khỏe yếu, ngại chuyển đổi nghề nên họ vẫn tiếp tục bám trụ với nghề, với mong muốn kiếm thêm đôi đồng, phụ cùng với chồng trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học…

 

 

Nội dung: PHAN PHƯƠNG

Thiết kế & Đồ họa: XUÂN HOÀNG

 

 

 

 

 

07:14, Thứ Bảy, 24/09/2022 (GMT+7)