Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

  • 07:50 | Thứ Tư, 03/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, công tác đào tạo nghề ở tỉnh Quảng Bình luôn được các cấp, ngành quan tâm triển khai. Tuy nhiên, hiện nay, việc thu hút, tuyển dụng lao động có trình độ tay nghề cao của các doanh nghiệp vẫn đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, việc thực hiện các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là yêu cầu cấp thiết, có tính chiến lược trước mắt và lâu dài của tỉnh.
 
Cần cải thiện chất lượng nguồn lao động
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có nhiều chương trình, dự án động lực, trọng điểm được khởi động, nhất là việc hình thành nhiều nhà máy, công trình, khu dịch vụ du lịch… Với đà phát triển đó, dự báo thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực sẽ đòi hỏi cả về số lượng và chất lượng. Bởi, đây được xem là một trong những nhân tố quan trọng, là lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
 
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, để đáp ứng nguồn nhân lực, nhất là lao động có trình độ kỹ thuật cao phục vụ cho các dự án, công tác đào tạo phải đi trước một bước nếu không thì sẽ xảy ra tình trạng thừa lao động phổ thông song lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề trong định hướng phát triển.
 Công tác đào tạo nghề của các cơ sở GDNN cần tập trung vào các ngành nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh.
Công tác đào tạo nghề của các cơ sở GDNN cần tập trung vào các ngành nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết, năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tuyển sinh được trên 19.100 người (đạt 123% kế hoạch năm), gồm: cao đẳng 137 người (đạt 27,4% kế hoạch), trung cấp 1.578 người (đạt 78,9% kế hoạch), sơ cấp và dưới 3 tháng hơn 17.400 người (đạt 134% kế hoạch).
 
Từ đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên là 25,7%. Thực tế cho thấy, so với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong hiện tại và thời gian tới, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động. Điều này cũng gây không ít lo ngại về chất lượng nguồn lao động hiện nay.
 
Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH) cho rằng, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp gây thiếu hụt đội ngũ lao động chất lượng cao nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động do nguồn nhân lực chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Đơn cử, toàn tỉnh có hơn 6.000 lao động trực tiếp và gần 12.000 lao động gián tiếp trong ngành du lịch nhưng có trên 30% lao động chưa đáp ứng được nhu cầu công việc.
 
Bên cạnh đó, do ngành du lịch có một số vị trí lao động giản đơn, mang tính đặc thù, như: bộ phận buồng, tạp vụ, bảo vệ… nên tỷ lệ lao động tốt nghiệp THPT và chưa tốt nghiệp THPT chiếm hơn 50% tổng số lao động của ngành. Để nâng cao chất lượng hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, ngành “công nghiệp không khói” Quảng Bình vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho "bài toán" nhân lực để hướng đến sự chuyên nghiệp...
 
Ngoài ra, khoảng cách giữa cơ sở GDNN và nhu cầu của thị trường lao động chưa được “rút ngắn”, vì vậy, nhiều cơ sở đào tạo nghề chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp. Nguyên nhân là do chương trình, giáo trình đào tạo một số nghề nội dung còn mang nặng lý thuyết, chưa thường xuyên cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng mới theo yêu cầu của thị trường lao động và công nghệ sản xuất mới của doanh nghiệp.
 
Mặt khác, công tác phối hợp với doanh nghiệp trong việc xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình đào tạo chưa chặt chẽ và chưa chú trọng nội dung kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp. Do vậy, học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp hạn chế khả năng hòa nhập, thích ứng với thay đổi trong môi trường lao động mới. Các kỹ năng thực hành, ý thức, tác phong làm việc, kỷ luật lao động cũng là những thách thức không nhỏ đối với lực lượng lao động của tỉnh ta...
 
Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu doanh nghiệp
 
Xác định phát triển nguồn nhân lực, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó, lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 30%, tỷ lệ lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế có trình độ từ trung cấp trở lên đạt 30%. 
Đổi mới hoạt động tư vấn, hướng nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu lao động cho doanh nghiệp.
Đổi mới hoạt động tư vấn, hướng nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu lao động cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đạt từ 75-80% và lao động qua đào tạo nghề chiếm 60% tổng số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng...
 
Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp thị trường lao động và tăng năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư của tỉnh trong thời kỳ mới, theo ông Nguyễn Trường Sơn, trước hết, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.
 
Xây dựng các sản phẩm tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng để đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cung ứng cho doanh nghiệp bảo đảm số lượng cũng như chất lượng. Hiện nay, tỷ lệ phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở GDNN ngày càng giảm.
 
Cụ thể, năm học 2015-2016: 9,7%, năm 2016-2017: 7,5%, năm 2017-2018: 7,1%, năm 2018-2019: 5,3%, trong khi đó, theo Quyết định 522/QĐ-TTg, đến năm 2020, phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và theo Kế hoạch 936/KH-UBND ngày 14-6-2019, đến năm 2020, phấn đấu ít nhất 15% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp...
 
Cùng với đó, công tác quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở dạy nghề hoàn thiện theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn. Qua đó, bảo đảm hợp lý về số lượng, chất lượng nhân lực, về ngành nghề đào tạo và trình độ đào tạo, phân bố hợp lý giữa các địa phương trong tỉnh để phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các huyện, thị xã, thành phố và của cả tỉnh. Các cơ sở GDNN cần đổi mới, nâng cao chất lượng, năng lực đào tạo nghề gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động. 
 
Bà Đinh Thị Ngọc Lan chia sẻ, vấn đề gắn kết với doanh nghiệp được xác định là khâu đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề của các cơ sở GDNN. Vì vậy, trong thời gian tới, nhà trường và doanh nghiệp cần tăng cường cơ chế phối hợp chặt chẽ theo hướng liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng và đẩy mạnh hình thức vừa làm, vừa học của người lao động trong các doanh nghiệp.
 
Đáng chú ý, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cần tập trung vào các ngành nghề đào tạo phục vụ phát triển công nghiệp, điện năng, xây dựng, công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, dệt may, điện tử, du lịch, nông nghiệp chất lượng cao…; đồng thời, điều chỉnh cơ cấu đào tạo công nhân có trình độ trung cấp, cao đẳng kỹ thuật và đào tạo các ngành nghề đáp ứng nhu cầu lao động cho các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới…
 
Thùy Lâm