Trọn vẹn niềm tin với Đảng

  • 09:22 | Chủ Nhật, 24/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trời hửng nắng đông. Ông lão ngồi tựa cửa nhìn xa xăm ra giữa khoảng không gian rực rỡ nắng. Trong ánh mắt già nua vẫn lấp lánh niềm tự hào. Trọn một thế kỷ sống và cống hiến là chừng ấy thời gian ông chứng kiến những thăng trầm của đất nước, của quê hương và của Đảng quang vinh.
 
103 tuổi đời, 72 năm tuổi Đảng, cụ ông Trương Lan (thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) đã trọn vẹn cuộc đời mình theo Đảng, theo cách mạng.  
 
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, trí nhớ của ông đôi chút không còn rành mạch, tai cũng đã lãng đi nhiều phần. Nhưng lạ lùng, hễ nhắc về quãng thời gian mà như những người con của ông vẫn gọi là “những năm tháng rực rỡ của cha” là ông lại tường tận như thể quá khứ chỉ mới ngày hôm qua.
 
Những năm tháng ấy có tận cùng nỗi đau mất mát, có gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất đỗi tự hào. Vậy nên, khi nhắc lại, có lúc ông trầm ngâm nhìn vào khoảng không gian vời vợi, có lúc ánh mắt lại ngân ngấn nước, những nếp nhăn xô lệch trên gương mặt già nua, lại cũng có lúc ông cười hào hứng như một đứa trẻ.
Cụ Trương Lan, 103 tuổi đời và 72 năm tuổi Đảng.
Cụ Trương Lan, 103 tuổi đời và 72 năm tuổi Đảng.
Vừa kể chuyện quá khứ, ông cụ vừa bảo con cháu lấy giúp mình bộ quân phục. Đôi bàn chân đã yếu, lưng đã còng nhưng ông vẫn tự mình mặc lên người bộ quân phục mà ông nâng niu suốt nhiều năm qua. Khoác lên mình màu áo ấy, ông như được trẻ lại và ký ức như thể chưa bao giờ bị quên lãng bởi sự khắc nghiệt của tuổi tác cùng thời gian.
 
Ông cụ kể chuyện cho người đối diện mà như thể đang tự đối thoại với chính mình. Buồn vui đều hiển hiện rõ trên gương mặt đã chằng chịt vết đồi mồi. Sinh ra ở xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, thời điểm năm 1945, ông tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Một thời gian sau đó, năm 1947, vợ và con của ông bị giặc giết hại.
 
Ném ánh nhìn trầm đục ra giữa khoảng không gian vời vợi, giọng ông run rẩy nhớ lại như thể nỗi đau mới vừa đi qua: “Tụi Pháp hắn vô tận làng, giết hết cả nhà rồi thêm mấy người làng nữa. Đứa con mới được vài tuổi”. Đứng ngay cạnh, người con trai thứ của ông cụ trầm ngâm: “Ông có thể quên nhiều thứ nhưng lạ là những chuyện đó thì ông nhớ mồn một. Hễ có dịp là ông lại kể cho con cháu nghe.
 
Sau khi vợ và con bị giết, mấy năm sau, ông cụ đi bước nữa và lấy mẹ của mấy anh em tụi tôi bây giờ”. Hóa ra, có những nỗi đau một khi đã ăn sâu vào tiềm thức thì dẫu thời gian hay tuổi tác vẫn khó lòng xóa nhòa.
 
Câu chuyện quá khứ vẫn cứ thế trôi đi theo nhịp kể lúc chậm rãi, lúc vội vã của ông cụ. Nén lại nỗi đau mất vợ, con, ông tiếp tục tham gia cách mạng tại địa phương. Càng mất mát, càng là động lực để ông phấn đấu theo lý tưởng cách mạng. Tháng 5-1949, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. “Hồi nớ, tôi được kết nạp Đảng ở Chi bộ Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Phải phấn đấu nhiều mới được kết nạp Đảng nên ai được kết nạp là vui mừng lắm”, ông cụ tự hào nhớ lại, gương mặt giãn ra như thể niềm vui mới vừa “chạm ngõ”.
 
Rồi ông kể chuyện được đi Lào trong những ngày là cán bộ tham gia vào đội tiếp tế vận tải lương thực tỉnh Quảng Bình. Đó là những ngày gian khó nhưng rất đáng để tự hào mỗi khi nhớ lại. Những ngày tháng đó, ông và những người đồng đội của mình phải luồn rừng, lội suối, ngược sang Lào gùi gạo, lương thực và vũ khí về cho bộ đội ta kháng chiến.Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ông Trương Lan trở về quê ở xã An Ninh làm cán bộ Hội Nông dân xã. Ông bảo, những năm chiến tranh ác liệt, ai cũng tự nhắc nhở bản thân phải nỗ lực để xứng đáng là một đảng viên thời chiến, vừa gương mẫu lao động, vừa góp phần xây dựng hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.
 
Những năm đầu chống Mỹ, ông mang vợ con ngược ra Bắc, rồi dừng lại tại Nông trường Việt Trung để làm kinh tế và rồi gắn bó cùng mảnh đất này từ đó đến nay cũng tròn nửa thế kỷ. Những người con, người cháu của ông cũng lần lượt lớn lên và lập nghiệp nơi vùng đất bạt ngàn cao su này. Với họ, niềm tự hào về cha vẫn không hề phai nhạt cũng như mảnh đất mỡ màu này vẫn mãi chở che bao thế hệ gia đình họ đi qua bao bão giông cuộc đời.
 
Ngồi sát bên cha mình, ông Trương Văn Hòa bảo rằng với anh em ông, cha ông-cụ Trương Lan-đã truyền cho họ một nguồn cảm hứng sống đặc biệt và niềm tin son sắt của một người suốt cuộc đời tin vào lý tưởng cách mạng, tin vào Đảng. “Cha tôi không phải là lãnh đạo. Ông chỉ là một người lính, hoạt động cách mạng rồi sau này là một công nhân cao su bình thường nhưng dù làm gì, ở đâu, ông cũng dạy con cháu về lòng trung hiếu, về niềm tin với lý tưởng. Làm gì ông cũng hết lòng, trung thực, thẳng thắn, đúng nghĩa của một đảng viên lâu năm”, ông Hòa kể.
 
Ngày đứa cháu nội đỗ vào Trường trung cấp An ninh, ông Trương Lan mừng lắm. Trước ngày cháu lên đường nhập học, ông cứ nắm chặt tay dặn dò: “Phải học thật tốt, cố gắng rèn luyện để sau này trở thành một chiến sỹ công an phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước”.
 
Giờ, đứa cháu nội của ông đã là một chiến sỹ công an công tác tại Công an huyện Bố Trạch. Cũng từ tấm gương và những bài học sâu sắc của ông, những người con, người cháu đều đã trưởng thành. Nhiều người trong số họ lại tiếp tục theo bước ông, cha mình, vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Những khi mệt mỏi hay khó khăn, họ lại nghĩ về ông với niềm tự hào và ông cũng chính là động lực để họ vươn lên.
 
103 tuổi, bước chân đã run rẩy và đôi bàn tay cũng chẳng còn nhanh nhẹn nữa nhưng những sinh hoạt cá nhân ông vẫn tự phục vụ và vẫn giúp con cháu những công việc gia đình nhẹ nhàng. Hơn một thế kỷ sống trọn vẹn với cuộc đời, đi qua những thăng trầm, thấm cả những đau thương lẫn nỗi tự hào nhưng người đảng viên 72 năm tuổi Đảng này vẫn vẹn nguyên niềm tin yêu với Đảng.
 
Niềm tin ấy là ngọn lửa ấm được ông nâng niu, gìn giữ để truyền lại cho những thế hệ con cháu hôm nay. Niềm tin ấy sẽ vẫn mãi rực rỡ như màu xanh áo lính ông đã và vẫn mãi tự hào khoác lên mình.
 
Ghi chép của Diệu Hương