Chuyện tiếp nhận cứu trợ vùng lũ

  • 10:25 | Thứ Tư, 25/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong và sau những trận lũ tháng 10 vừa qua, người dân huyện Lệ Thủy đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ mọi miền đất nước. Những món quà cứu trợ đã từng bước giúp bà con vùng lũ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, việc cứu trợ và tiếp nhận cứu trợ vẫn còn những khó khăn, bất cập…
 
Trận lũ lịch sử năm nay đã vượt qua đỉnh lũ lịch sử năm 1979 khoảng 1m, khiến cho trên 24.000 hộ dân huyện Lệ Thủy không kịp trở tay. Nhiều nhà dân bị ngập sâu, tài sản tích cóp của bà con bị cuốn trôi hoặc nhấn chìm theo dòng nước lũ. Trước cảnh hàng trăm nghìn người dân đang đối mặt với nguy cơ đói rét, đồng bào cả nước đã hướng về Lệ Thủy, nhất là người dân trong huyện, tỉnh và các tỉnh lân cận đã mang lương thực, thực phẩm, nước uống đến hỗ trợ bà con vùng lũ kịp thời.
 
Ngay trong lũ, hàng trăm nghìn suất ăn miễn phí của bà con trong tỉnh đã được chuyển đến người dân vùng lũ và các lực lượng làm nhiệm vụ. Trong khi đó, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN huyện đã đồng sức, đồng lòng đứng ra kêu gọi, kết nối các đoàn cứu trợ.
 
Theo đó, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo tiếp nhận và điều phối hàng cứu trợ do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy làm trưởng ban. Các điểm tiếp nhận hàng hóa được bố trí tại ngã ba Cam Liên xã Cam Thủy và trên Quốc lộ 9C đoạn qua xã Mai Thủy do các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy làm tổ trưởng. Trong 4 ngày lũ dâng cao (từ ngày 18 đến ngày 22-10), hàng trăm đoàn xe chở hàng cứu trợ đến với người dân huyện Lệ Thủy đã được tiếp nhận, bố trí phương tiện vận chuyển để hàng hóa đến tận tay bà con.
Từng đoàn xe chở hàng cứu trợ về huyện Lệ Thủy.
Từng đoàn xe chở hàng cứu trợ về huyện Lệ Thủy.
Ngay sau khi lũ rút, huyện Lệ Thủy tiếp tục kêu gọi, kết nối các đoàn cứu trợ về với bà con. Ông Nguyễn Phúc Lương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Thời điểm đó, anh chị em cán bộ Mặt trận chúng tôi đã làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm để tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ cho bà con. Nhờ đó, người dân vùng lũ đã từng bước vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất”.
 
Tính đến thời điểm này, Ủy ban MTTQVN huyện Lệ Thủy đã tiếp nhận, phân phối khoảng 700 đoàn cứu trợ, tổng giá trị trên 100 tỷ đồng, trong đó khoảng 20 tỷ đồng tiền mặt. Ngoài việc cứu trợ lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân, các đoàn cứu trợ còn có những chia sẻ thiệt hại đối với trường học bằng việc ủng hộ tiền để tu sửa cơ sở vật chất, mua trang thiết bị dạy và học, tặng quần áo, sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh; hỗ trợ bà con về sinh kế để phát triển sản xuất, tu sửa nhà cửa, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh…
 
Đa số hàng hóa, tiền cứu trợ đã được Mặt trận kết nối đưa về các xã, rồi từ xã về thôn bình xét, lập danh sách và trao phiếu nhận quà.
 
Ông Võ Văn Thông, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Sơn Thủy chia sẻ: “Có thời điểm nhiều đoàn cứu trợ về, anh em cán bộ xã, thôn chúng tôi không kịp trở tay. Nhưng với lương tâm và trách nhiệm của mình, chúng tôi đã nỗ lực phân bổ, bình xét quà cho bà con đúng đối tượng. Giờ thấy cuộc sống bà con trong xã cũng đã tạm ổn đó là niềm vui lớn nhất của những người tiếp nhận hàng cứu trợ như chúng tôi”.
 
Tính từ đầu mùa lũ đến nay, xã Sơn Thủy đã tiếp nhận 190 đoàn về trao quà, hỗ trợ cho bà con. Ngoài ra, có khoảng 70 đoàn là do con em địa phương đóng góp, kêu gọi, kết nối và trực tiếp về các thôn để trao quà. Trong đó, một số đoàn hỗ trợ cây, con giống, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, phòng chống dịch bệnh…
 
Theo ông Nguyễn Phúc Lương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Lệ Thủy, công tác tiếp nhận cứu trợ của huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Một số đoàn cứu trợ liên hệ, xin danh sách và hứa hẹn mang hàng cứu trợ về cho bà con nhưng cuối cùng không đến. Cán bộ làm công tác Mặt trận ít, trong khi đoàn cứu trợ về nhiều, nhất là sau đợt lũ nên gặp khó khăn trong công tác điều phối, dẫn đoàn. Một số đoàn đi cứu trợ mang tính chất tự phát, tự thuê phương tiện để vận chuyển hàng hóa vào cho bà con mà không thông qua chính quyền. Bản chất của công việc là rất tốt, nhưng trong điều kiện nước lũ đang ngập sâu, đoàn cứu trợ không quen đường sá, địa hình nên khi gặp sóng to, gió lớn dễ bị lật thuyền, đò nguy hiểm.
 
Trong lũ, gạo, mỳ tôm, lương khô, nhu yếu phẩm, quần áo cũ…là rất cần thiết, nhưng sau khi lũ rút cả tuần, nhiều đoàn cứu trợ vẫn chở những vật dụng này để cứu trợ khiến nhiều hộ dân “ngập” mỳ tôm, gạo, quần áo cũ. Hiện một số hộ dân vùng lũ đang có vài chục thùng mỳ tôm, vài tạ gạo. Nếu không ăn kịp, các mặt hàng này sẽ hết hạn sử dụng hoặc hư hỏng. Thay vào đó, thiết nghĩ các đoàn cứu trợ nên hỗ trợ bằng tiền mặt để bà con tự mua sắm các vật dụng cần thiết trong nhà; hỗ trợ cây con, giống, phương tiện cứu hộ, cứu nạn hoặc sửa chữa, xây dựng lại trường học, nhà dân, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, tính toán sinh kế lâu dài...
 
Việt Hà