Cuộc sống trên "rốn lũ" Tân Hóa

  • 14:51 | Thứ Sáu, 09/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tính đến 15 giờ ngày 9-10, toàn xã Tân Hóa (Minh Hóa) đã có trên 550 ngôi nhà bị ngập sâu từ 1,5 đến 2,5m. Vậy nhưng, ở vùng “rốn lũ” này cuộc sống thường nhật vẫn cứ diễn ra an toàn. Người dân Tân Hóa bảo rằng, họ vững vàng “sống chung với lũ” là nhờ nhà phao tránh lũ và áp dụng phương châm  “4 tại chỗ” một cách nhuần nhuyễn.
Hơn 550 ngôi nhà ở Tân Hóa ngập sâu trong lũ.
Hơn 550 ngôi nhà ở Tân Hóa ngập sâu trong lũ.
Xã Tân Hóa nằm trong lòng chảo, bao quanh là núi đá, nơi được xem là “túi đựng nước”, vùng “rốn lũ” của huyện miền núi Minh Hóa, nên năm nào cũng vậy, Tân Hóa là xã bị ngập đầu tiên. Trước trận lũ lịch sử năm 2010, cứ đến mùa lũ, người dân xã Tân Hóa phải lên núi dựng lều, căng bạt chạy lũ, tài sản xe máy, tivi, tủ lạnh, heo gà, trâu bò vận chuyển không kịp đều bị cuốn theo dòng nước bạc. 
 
“Trong cái khó ló cái khôn”, sau trận lũ lịch sử 2010, người dân xã Tân Hóa đã có sáng kiến làm nhà phao để “sống chung với lũ.” Nhà bè được làm trên khoảng 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng kết lại, khi nước dâng cao, nhờ các thùng phi rỗng này mà nhà nổi theo nước.
Cuộc sống thường nhật ở Tân Hóa vẫn diễn ra an toàn nhờ những nhà phao tránh lũ.
Cuộc sống thường nhật ở Tân Hóa vẫn diễn ra an toàn nhờ những nhà phao tránh lũ.
Để làm một căn nhà bè rộng chừng 15-20m2, bà con đầu tư từ 30-35 triệu đồng, khi nước lũ về, đây là nơi cư trú cho cả gia đình từ 8-10 người và còn chứa thêm các vật dụng thiết yếu, như: tivi, xe máy, lương thực... Để giữ thăng bằng và cố định vị trí nổi cho cả ngôi nhà, người dân sáng tạo thêm hai cột định vị gắn vào hai góc ngôi nhà...
 
Chúng tôi theo đoàn lãnh đạo huyện Minh Hóa đi thị sát tình hình ở Tân Hóa. Trong mưa lũ trắng trời nhưng cuộc sống của người dân vẫn diễn ra an toàn, vững chãi. Trên những ngôi nhà phao, bếp lửa vẫn đỏ cho 3 bữa cơm hàng ngày của các gia đình. Từ nhà phao này đến nhà phao khác, bà con vẫn dễ dàng đi lại bằng thuyền nhỏ để trao đổi công việc khi cần thiết. Nhiều hộ kinh doanh ở Tân Hóa cũng đã làm nhà phao và chuẩn bị hàng hóa, thực phẩm thiết yếu để phục vụ cho những người có nhu cầu trong những ngày mưa lũ.
Những bếp lửa vẫn đỏ cho 3 bữa cơm hàng ngày trên những nhà phao tránh lũ.
Những bếp lửa vẫn đỏ cho 3 bữa cơm hàng ngày trên những nhà phao tránh lũ.
Ông Đinh Văn Hòa ở thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa chia sẻ: “Khi mưa to, chúng tôi đã lùa trâu, bò lên tránh lụt trong các lán tạm dựng bên vách núi đá vôi. Ở đó có sẵn rơm khô và chuối dự trữ cho gia súc ăn trong những ngày mưa lũ. Còn lại các vật dụng có giá trị và cần thiết, lương thực, thực phẩm, nước uống được chúng tôi đưa lên nhà phao, cả bốn người trong gia đình đều lên đó tránh lũ an toàn. Nhà phao trở thành phương tiện cứu cánh hiệu quả cho người dân vùng ngập lụt Tân Hóa”.
 
Ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết: “Từ ngày 6-10, trước tình mưa lũ diễn biến phức tạp,  chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn người dân chủ động đưa hơn 2.000 con trâu, bò lên vùng cao để tránh lũ. Các tài sản lớn trong nhà không thể đưa được lên nhà nổi thì kê kích lên cao và buộc cẩn thận để phòng tránh bị trôi, hư hỏng. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, mặc dù Tân Hóa đã có trên 550 ngôi nhà bị ngập sâu nhưng không có thiệt hại về người và tài sản có giá trị. Tất cả là nhờ nhà bè và kinh nghiệm “sống chung với lũ” của người dân.”
Từ nhà phao này đến nhà phao khác, người dân Tân Hóa vẫn dễ dàng đi lại bằng thuyền nhỏ để trao đổi công việc khi cần thiết.
Từ nhà phao này đến nhà phao khác, người dân Tân Hóa vẫn dễ dàng đi lại bằng thuyền nhỏ để trao đổi công việc khi cần thiết.
Theo ông Duẫn, những năm qua, ngoài những hộ khá giả tự đầu tư, các hộ khó khăn hơn được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giúp đỡ để làm nhà phao tránh lũ. Đặc biệt, năm 2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình hỗ trợ Tân Hóa 58 nhà phao. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các hộ dân ở vùng ngập lũ của xã Tân Hóa đều đã có nhà phao để “sống chung với lũ”. 
 
Tuy vậy, trong những ngày mưa lũ, huyện Minh Hóa vẫn không hề chủ quan. Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Minh Hóa đã chỉ đạo các lực lượng công an, quân đội của huyện trực 24/24 ở vùng xung yếu để kịp thời ứng cứu nhân dân,  đặc biệt là đưa bệnh nhân, sản phụ đi bệnh viện khi có yêu cầu. 
Lực lượng công an, quân đội túc trực 24/24 ở vùng xung yếu để kịp thời ứng cứu nhân dân khi cần thiết.
Lực lượng công an, quân đội túc trực 24/24 ở vùng xung yếu để kịp thời ứng cứu nhân dân khi cần thiết.
Thượng tá Lưu Đức Chinh, Chính trị viên Ban chỉ huy Quân sự huyện Minh Hóa cho biết, từ ngày 7-10, đơn vị đã cử hơn 10 đồng chí cùng với phương tiện ca-nô, xuồng máy túc trực ở 2 xã “rốn lũ” Tân Hóa và Minh Hóa để kịp thời giúp đỡ nhân dân. Trong 3 ngày qua, cùng với lực lượng công an, dân quân các xã, đơn vị đã đưa hàng trăm người dân từ vùng ngập lũ sâu đến nơi an toàn và nhiều bệnh nhân, sản phụ đi khám chữa bệnh, sinh con ở bệnh viện.  
 
Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Minh Hóa, tính đến 15 giờ ngày 9-10, toàn huyện có hơn 600 ngôi nhà bị ngập lũ, trong đó xã Tân Hóa có trên 550 nhà. Tại các xã biên giới như Trọng Hóa, Dân Hóa, Thượng Hóa và Hóa Sơn tình hình mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp. Hầu hết các tuyến đường vào các xã này bị ngập sâu, làm gần 1.000 hộ dân bị chia cắt, cô lập. 
 
Ở xã Dân Hóa có một phụ nữ bị thương do điện giật khi cột điện bị đổ, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa. Cũng tại xã Dân Hóa, lúc 21 giờ 45 phút ngày 8-10, trong lúc mưa lớn, 1 chiếc xe đầu kéo lưu thông trên quốc lộ 12A đã bị lật, tài xế tên Cao Văn Cường (quê ở Hương Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh) bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu. 
 
Đến 15 giờ ngày 9-10, trên địa bàn huyện Minh Hóa vẫn tiếp tục có mưa lớn,  học sinh vẫn đang được cho nghỉ học để  bảo đảm an toàn. Công tác ứng phó và khắc phục hậu quả lũ lụt vẫn được thực hiện nghiêm túc theo phương châm “4 tại chỗ”. Tại các vùng xung yếu, huyện bố trí các lực lượng  túc trực 24/24 giờ để xử lý các tình huống xấu, ứng cứu kịp thời khi cần thiết.
 
Ghi chép của Phan Phương