HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương:

"Ngôi nhà" thứ 2 của người lao động

  • 08:12 | Thứ Hai, 14/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau gần 12 năm thành lập, HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương (huyện Quảng Trạch) đã dần khẳng định được thương hiệu và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Với nhiều người lao động, HTX là ngôi nhà thứ 2, giúp họ vươn lên thoát nghèo và thực hiện ước mơ của mình.
 
Xây dựng thương hiệu mây xiên Quảng Phương
 
Năm 2004, chính quyền xã Quảng Phương đã phối hợp với các tổ chức mở lớp học nghề mây tre đan cho người dân trong xã. Lớp học đã thu hút đông đảo bà con tham gia. “Từ lớp học, tôi bắt đầu cảm thấy đam mê với nghề đan lát truyền thống này. Đến năm 2006, Sở Công Thương có về xã mở thêm lớp mây đan xiên thì tôi càng có quyết tâm phát triển nghề truyền thống này hơn”, bà Phan Thị Thủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương tâm sự.
 
Mong muốn thành lập một cơ sở mây xiên làm ra những sản phẩm tinh xảo của bà trở thành hiện thực khi năm 2008, HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương ra đời. Là nghề có thể tận dụng thời gian làm việc lúc nông nhàn và không kể độ tuổi nên HTX đã thu hút nhiều lao động trong vùng tham gia. Việc thành lập HTX vừa giải quyết việc làm cho nhiều lao động, vừa góp phần phát triển kinh tế nên chính quyền địa phương rất khuyến khích và tạo điều kiện. Tuy nhiên, hành trình xây dựng thương hiệu mây xiên Quảng Phương của bà lại gặp vô vàn những khó khăn, thử thách.
Bà Phan Thị Thủy giới thiệu các sản phẩm của HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương.
Bà Phan Thị Thủy giới thiệu các sản phẩm của HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương.
Những năm đầu mới thành lập, việc tìm đầu ra cũng như nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm thực sự là một bài toán khó. Do không tìm được đầu ra nên một số lao động địa phương đã bỏ nghề. Để giữ nghề, bà Phan Thị Thủy đã một mình lặn lội nhiều chuyến kết nối đầu ra và nguồn nguyên liệu. Sau nhiều chuyến ngược xuôi, cuối cùng bà cũng tìm được nguồn cung cấp nguyên liệu và đầu ra ổn định cho HTX. Hiện nay, ngoài thị trường trong tỉnh, sản phẩm mây xiên Quảng Phương đã xuất hiện ở các tỉnh: Nghệ An, Huế, Quảng Trị và TP. Đà Nẵng... Bên cạnh đó, để mở rộng thị trường, HTX đã quảng bá sản phẩm qua các phương tiện, như: website, Facebook, Zalo, tham gia các hội chợ...
 
Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm và tăng số lượng đầu ra, HTX đã kết nối với các địa phương trong tỉnh tổ chức các lớp đào tạo nghề mây xiên cho người dân nông thôn. Từ những lớp đào tạo này, HTX đã thu nạp thêm các thành viên và số lượng sản phẩm làm ra hàng năm cũng tăng lên.
 
Năm 2015, HTX đã sản xuất trên 20.000 sản phẩm các loại từ mây xiên, doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng. Đến năm 2017, HTX đã sản xuất trên 25.000 sản phẩm các loại, doanh thu đạt 2,1 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2019, doanh thu của HTX đạt trên 3,1 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 400 triệu đồng.
 
Tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn
 
Quảng Phương là một xã thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vào thời gian nông nhàn, nhiều lao động nông thôn không có việc làm thêm để tăng thu nhập. HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương ra đời đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều nông dân trong vùng, qua đó giúp nhiều hộ thoát nghèo, phát triển kinh tế.
 
Bà Ngô Thị Họa (SN 1962), thôn Đông Dương, xã Quảng Phương cho biết: “Trước đây, kinh tế gia đình tôi phụ thuộc vào mấy sào ruộng, thu nhập mỗi năm không được là bao. Nhiều năm liền, gia đình tôi là hộ nghèo của xã. Năm 2008, khi trở thành hội viên của HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương, ngoài làm nông, thời gian rảnh rỗi tôi tập trung đan các sản phẩm mây xiên và nhập lại cho HTX, nhờ đó, thu nhập của gia đình ngày càng ổn định. Sau gần 7 năm, từ hộ nghèo, cận nghèo, gia đình tôi đã thoát nghèo và hiện nay kinh tế đã khá hơn trước”.
 
Không chỉ giúp người lao động nông thôn có việc làm, tăng thu nhập, HTX đã phối hợp với các các cơ quan chuyên môn đào tạo nghề cho các đối tượng là người khuyết tật ở các địa phương khác, giúp họ có việc làm để vươn lên trong cuộc sống.
 
Bà Cao Thị Mến (SN 1967), Tổ trưởng Tổ hợp tác đan lát mây xiên Mỹ Trạch, thôn 2, Mỹ Trạch, Bố Trạch xúc động chia sẻ: “Lúc 6 tuổi, do không may bị tai nạn bom mìn nên tôi bị liệt 2 chân. Với người khuyết tật như tôi, để tìm được việc làm là một chuyện rất khó. Tuy nhiên, năm 2010, may mắn được tham gia lớp học nghề mây xiên do HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương mở, tôi đã thành thạo nghề và đan được nhiều sản phẩm tinh xảo. Các sản phẩm của tôi được mọi người đánh giá cao. Để giúp những lao động địa phương trong vùng có thêm việc làm lúc nhàn rỗi, tôi đã mở lại các lớp dạy nghề mây xiên để đào tạo cho bà con. Được sự động viên của người thân và chính quyền xã, tôi mạnh dạn thành lập Tổ hợp tác đan lát mây xiên Mỹ Trạch. Giờ đây tôi không chỉ tự lập phát triển kinh tế mà còn giúp nhiều hộ gia đình ở địa phương có việc làm và thoát nghèo”.   
Các sản phẩm của HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương
Các sản phẩm của HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương
Có thể nói, sau một thời gian hoạt động, đến nay HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương đã trở thành “ngôi nhà” thứ 2 của người lao động. Ở đây, họ không chỉ làm ra các sản phẩm thủ công tinh xảo từ mây, như: bình đựng nước, túi xách, lẳng hoa, bình hoa, rế đựng ly..., để tăng thu nhập mà còn được giao lưu, nâng cao tay nghề hàng năm.  
 
Hiện nay, HTX có 15 thành viên và 150 lao động vệ tinh. Với mức thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng, nhiều người dân có điều kiện tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.
 
Ghi nhận những kết quả và những đóng góp thời gian qua, năm 2012 và 2020, sản phẩm của HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương đã được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Năm 2014, 2016, 2018 và 2020, sản phẩm HTX được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. HTX đạt danh hiệu HTX điển hình tiên tiến cấp tỉnh 2 năm liền (2011-2012) và nhiều thành tích tiêu biểu khác.
Đ.Nguyệt