Bứt phá ngoạn mục để cán đích nông thôn mới

  • 13:43 | Chủ Nhật, 09/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với xuất phát điểm chỉ 6/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 46% (năm 2010), bức tranh kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn..., thế nhưng, nhờ sự tích cực, bền bỉ chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân, xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn) đã tạo ra sự bứt phá ngoạn mục để cán đích NTM...
 
Gỡ khó thực hiện từng tiêu chí
 
Để tháo gỡ khó khăn, khi bắt tay vào XDNTM, xã Quảng Văn xác định cần phải triển khai thực hiện từng tiêu chí một, không ôm đồm, chạy đua theo bệnh thành tích. Cụ thể, địa phương đã lựa chọn cách "gỡ khó" bằng việc chọn những tiêu chí dễ, cần ít vốn nhằm ưu tiên tập trung làm trước cho phù hợp với thực tiễn, không vượt quá sức dân và nguồn lực đầu tư hiện có...
 
Xác định XDNTM phải bắt đầu từ người dân, ngay từ đầu, xã Quảng Văn đã tập trung tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của chương trình. Cùng với đó, địa phương đã phát động mạnh mẽ nhiều phong trào thi đua rất thiết thực, hiệu quả, như: "Tích cực giúp nhau giảm nghèo, làm ăn kinh tế giỏi", "Nhà sạch, bếp sạch, ngõ sạch", "Tổ tự quản về an ninh trật tự", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Hiến đất, tài sản, ngày công để chung tay XDNTM"...
  Một góc vùng trung tâm xã Quảng Văn hôm nay.
Một góc vùng trung tâm xã Quảng Văn hôm nay.
Ông Trần Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Quảng Văn tâm sự: "Giai đoạn từ 2010-2017, bình quân mỗi năm xã Quảng Văn chỉ chọn ra từ 1-2 tiêu chí để tập trung chỉ đạo, thực hiện. Toàn bộ hệ thống chính trị ở địa phương đã được huy động vào cuộc để cùng với nhân dân tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong từng quý, năm.
 
Kết quả triển khai thực hiện XDNTM hàng năm đều được xã Quảng Văn đưa vào đánh giá, xếp loại thi đua cho từng thôn, tổ chức, đoàn thể và cá nhân nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm và tránh sự trông chờ ỷ lại. Việc làm này góp phần động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân tích cực hơn trong XDNTM, làm cơ sở để nhân rộng những việc làm hay, sáng tạo, hiệu quả, đồng thời rút kinh nghiệm trong thời gian tiếp theo..."
 
Tăng tốc để cán đích NTM
 
Đầu năm 2017, xã Quảng Văn đã tiến hành điều tra, rà soát kỹ lưỡng về những tiêu chí đạt và chưa đạt để lập kế hoạch XDNTM trong thời gian tiếp theo. Thế rồi, một quyết định khá táo bạo được cấp ủy, chính quyền xã Quảng Văn thống nhất đưa ra, đó là sẽ dồn sức tăng tốc cán đích NTM vào cuối 2018...
 
Ông Trần Văn Trọng chia sẻ: Thời điểm đó, xã Quảng Văn đạt 16/19 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt là giao thông, trường học và cơ sở vật chất văn hóa. Qua rà soát, địa phương nhận thấy đây là những tiêu chí rất khó vì phải cần nhiều kinh phí, ước chừng phải cần tới gần 50 tỷ đồng. Để có được nguồn kinh phí lớn này, Quảng Văn gấp rút xin chủ trương thị xã, tỉnh cho hoàn tất các thủ tục pháp lý nhằm quy hoạch một khu đất ở tại thôn Văn Phú đưa ra đấu giá sử dụng đất.
 
Với gần 120 lô đất được đưa ra đấu giá (khoảng 350 triệu đồng/1 lô), xã Quảng Văn đã thu về hàng chục tỷ đồng nhằm tập trung đầu tư XDNTM. Cùng với đó, địa phương đã khéo léo huy động được thêm nhiều nguồn vốn xã hội hóa, sự đóng góp của con em làm ăn xa quê thành đạt nhằm đầu tư xây dựng đình làng Quảng Văn, cổng làng Văn Phú, 5 nhà thờ họ, 4 tổ thu gom rác thải, 100% trục đường được "thắp sáng đường quê"...
 
Nếu như giai đoạn 2011-2015, toàn xã huy động được gần 12 tỷ đồng đầu tư cho NTM thì từ năm 2016 đến nay, Quảng Văn huy động trên 115 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương, tỉnh gần 19 tỷ đồng; ngân sách thị xã khoảng 13 tỷ đồng; ngân sách địa phương trên 45 tỷ đồng; số còn lại là vốn vay tín dụng, vốn lồng ghép và từ nhân dân đóng góp)...
 
Ông Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Văn cho hay: Để được cấp trên công nhận về đích NTM vào cuối năm 2018, những năm qua, xã Quảng Văn đã tập trung thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất. Chính nhờ đó, đời sống kinh tế trong nhân dân đã có sự tăng trưởng, nguồn lực huy động không ngừng tăng lên.
 
Đơn cử, tại thôn Văn Phú có khoảng 800 hộ, 2.800 nhân khẩu (đại đa số là bà con Công giáo) trước đây điều kiện kinh tế rất khó khăn, đất sản xuất nông nghiệp gần như không có, hầu hết người dân sống chủ yếu dựa vào đánh bắt hải sản trên sông. Bằng việc đẩy mạnh khuyến khích người dân tham gia xuất khẩu lao động, tạo điều kiện về vay vốn để đóng mới các tàu công suất lớn vươn khơi đánh bắt..., bức tranh kinh tế ở thôn Văn Phú đã có sự bứt phá rất ngoạn mục.
 
Hiện nay, toàn thôn đã hình thành nên một đội tàu cá công suất lớn 42 chiếc (gồm 8 tàu dịch vụ, 34 tàu khai thác), tạo công ăn việc làm khá ổn định cho khoảng 500 lao động, với mức thu nhập bình quân hàng tháng cao gấp 5-10 lần sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đã giảm xuống còn 2,68%, mức thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/năm...
 
"Những năm gần đây, do ảnh hưởng của sự cố ô nhiễm môi trường biển, dịch bệnh Covid-19, giá cả thị trường thiếu ổn định... nên quá trình làm ăn, sản xuất của người dân bị ảnh hưởng đáng kể. Nhưng xét về lâu dài, với đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ xã Quảng Văn, tin tưởng rằng đời sống nhân dân trên địa bàn sẽ tiếp tục có thêm sự khởi sắc đáng kể...", ông Trần Văn Trọng cho biết thêm.
 
Văn Minh