Mế Bông

  • 14:47 | Thứ Tư, 17/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chính xác mế Bông có họ tên đầy đủ là Hồ Thị Bông (SN 1944) ở bản Cây Sú, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh). Đồng bào Vân Kiều Quảng Bình luôn trọng người già uy tín trong cộng đồng, đàn ông họ trìu mến gọi “bọ” (bố), phụ nữ gọi “mế” (mẹ). Tôi lên công tác tại xã Trường Sơn, ghé bản Cây Sú, mến người phụ nữ Vân Kiều này, gọi bằng mế Bông lúc nào chẳng hay.
 
Ngay từ năm 1991, mế Bông đã là cán bộ phụ nữ xã Trường Sơn. Tính từ đó đến nay, mế làm cán bộ gần 30 năm, trở thành niềm tự hào của dân bản Cây Sú, để lại ấn tượng tốt đẹp cho cán bộ miền xuôi mỗi lần lên công tác tại xã biên giới Trường Sơn.
 
Năm 2010, mế Bông được dân bản Cây Sú tín nhiệm bầu làm trưởng bản. Bốn năm sau đó, mế chuyển sang giữ chức Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận bản cho đến tận bây giờ. Nhắc đến mế Bông, Hồ Văn Tâm, cư dân bản Cây Sú tự hào: “Cuộc đời bà Hồ Thị Bông gói trọn trong một câu “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Luôn lo lắng, trăn trở cùng cái no, cái đói, cơm ăn, áo mặc cho toàn dân bản, không chút tư lợi riêng về mình”.
 Mế Bông chụp ảnh lưu niệm trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình năm 1996.
Mế Bông chụp ảnh lưu niệm trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình năm 1996.
Bản Cây Sú có 41 hộ, 179 khẩu, đều là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Chi bộ bản Cây Sú có 7 đảng viên. Bản nằm sát chân núi cao về phía tả ngạn đầu nguồn sông Long Đại, một thời luôn bị “cách sông, trở đò”, nhất là vào mùa mưa lũ. Mùa mưa lũ, con nước đầu nguồn Long Đại hung dữ dâng cao, chia cách bản dài ngày.
 
Năm 2014, tôi lên bản Cây Sú sau một trận lũ tràn. Đứng trên đường Hồ Chí Minh nhánh phía Tây nhìn xuống sông Long Đại, thấy lũ trẻ con rồng rắn nhau lội sông qua phía bờ Bắc học chữ. Hồi đó cả bản có đến 23 em học sinh từ lớp một đến lớp năm. Buổi sáng, bố mẹ gói vội cho nắm cơm đựng trong túi ni lon, qua sông rồi, lũ trẻ vắt vội áo quần ướt lên các tán cây ven sông phơi, mặc lại áo quần khô rồi vào lớp học. Gặp mế Bông, mế tha thiết: “Con làm sao xin cho bản chiếc đò ngang. Thứ nhất là đưa học sinh của bản qua sông học chữ. Thứ hai, bà con trong bản đau ốm đột xuất chi cũng lên trạm y tế xã cho nhanh. Chứ từ già đến trẻ lội sông nguy hiểm lắm”.
 
Rốt cuộc… cũng xin được một con đò cho bản Cây Sú, do một trường tiểu học ở thủ đô Hà Nội gửi tặng. Ngày đưa đò lên, mế Bông cùng đồng bào xuống tận mép sông Long Đại làm lễ “thông đò”. Con đò ngang thực hiện sứ mệnh đưa đò cho dân bản Cây Sú được một thời gian thì bản Cây Sú có cầu. Một chiếc cầu treo vắt qua đầu nguồn sông Long Đại, kết thúc cảnh “cách sông, trở đò”.
 
Tôi nhớ thời khắc trọng đại của bản là ngày 22-12-2015. Cầu treo Cây Sú nối thôn Hồng Sơn qua bản Cây Sú dài 120m, có vốn đầu tư trên 8,1 tỷ đồng hoàn thành sau gần 10 tháng thi công. Thay mặt bà con trong bản, mế Bông nói ngắn gọn: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến đồng bào. Từ bây giờ, người dân bản Cây Sú phải cố gắng hơn nữa, chăm lo làm ăn, chiến thắng đói nghèo. Một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ kính yêu”.
   Tác giả thăm và trao quà cho mế Bông khi biết tin mế bị bệnh ung thư.
Tác giả thăm và trao quà cho mế Bông khi biết tin mế bị bệnh ung thư.
Mới đây nhất, giữa tháng 5-2020, một trận lốc xoáy kinh hoàng cuốn qua bản Cây Sú. Bản đang yên bình bị thiên tai làm thiệt hại hoàn toàn nhà văn hóa bản, 4 gia đình Hồ Văn Ân, Hồ Văn Hoàn, Hồ Văn Đông, Hồ Văn Tâm có nhà bị tốc mái nặng. Hai anh em Nguyễn Văn Duẫn, Nguyễn Văn Di không quản nguy hiểm ra kè chống nhà văn hóa không may bị tôn bay bị thương vào đầu. Trên cương vị Trưởng ban công tác Mặt trận, mế Hồ Thị Bông “đánh tiếng” qua Ủy ban MTTQVN xã Trường Sơn “xin tiền” giúp các hộ gia đình trong bản lợp lại mái nhà.
 
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQVN xã Trường Sơn, nhóm thiện nguyện “Hành trình kết nối yêu thương Hà Nội-Quảng Bình” đã huy động 19 triệu đồng giúp đỡ đồng bào. Bốn gia đình Hồ Văn Ân, Hồ Văn Hoàn, Hồ Văn Đông, Hồ Văn Tâm có nhà bị hư hỏng nặng và hai anh em Nguyễn Văn Duẫn, Nguyễn Văn Di được hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ. Còn dư 1 triệu đồng, nhóm thiện nguyện quyết định tặng cho mế Bông. Mế Bông “giãy nảy” lên: “Ơ hay… tiền là giúp người khó khăn, chơ nhà mế có nghèo khổ chi mô?”. Nói khó mãi, cuối cùng mế Bông cũng thuận cái bụng.
 
Gần 30 năm “vác tù và hàng tổng”, năm nay đã bước qua tuổi 76, gia tài lớn nhất của mế Hồ Thị Bông là hàng loạt giấy khen, bằng khen được các cấp, sở, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương tặng dán kín tường ngôi nhà sàn nhỏ. Cũng trong ngôi nhà sàn đó, mế Bông bình thản thông báo với tôi: “Vừa rồi mế đi khám ở Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới. Bác sỹ kết luận mế đã bị ung thư gan. Chắc chết sống không còn bấy nhiêu”. Lời bà mế Vân Kiều đầy kiên định sao thấy quặn lòng người nghe.
 
“Mế chỉ tiếc về già, đối mặt với bệnh tật, không còn thời gian để được một lần ra thăm lại thủ đô, thăm lại lăng Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu đã cho đồng bào dân tộc Vân Kiều Quảng Bình, Quảng Trị mãi mãi mang dòng họ của Người.”- mế Hồ Thị Bông nhớ lại- “Ấy là vào năm 1996, mế được tỉnh Quảng Bình cho ra thăm lăng Bác. Được thấy Bác nằm yên nghỉ giấc ngàn thu trong lăng, mế đã khóc rất nhiều… Mế tự hứa với lòng mình khi quay về sẽ cố gắng hơn, nhiều hơn nữa, cống hiến cho quê hương, bản làng, giúp đồng bào mình chiến thắng đói nghèo, định canh định cư xây dựng cuộc sống mới. Và lời hứa đó đã bền vững đi suốt hết cuộc đời của mế”.
 
Tiễn tôi phía đầu cầu thang, mế Bông bắt tay tôi thật chặt. Người phụ nữ Vân Kiều hồn hậu luôn được dân bản trân quý ấy bảo: “Con yên tâm… còn sống ngày nào, mế vẫn là một người có ích cho cộng đồng. Một lòng luôn hướng theo Đảng, Bác Hồ và những điều tốt đẹp nhất”.
 
Ngô Thanh Long