Tăng cường phòng, chống cháy rừng mùa khô

  • 14:13 | Thứ Năm, 21/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện nay, thời tiết đang trong đợt cao điểm hanh khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn Đồng Hới luôn ở mức cao. Nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR và PCCCR) trên địa bàn với phương châm “phòng ngừa là chính, chữa cháy phải kịp thời và có hiệu quả”.
 
Lực lượng Kiểm lâm tổ chức hướng dẫn cho các chủ rừng và người dân đốt dọn thực bì
Lực lượng Kiểm lâm tổ chức hướng dẫn cho các chủ rừng và người dân đốt dọn thực bì
Năm 2019, trên địa bàn TP. Đồng Hới xảy ra 18 điểm lửa và 1 vụ cháy làm thiệt hại 1,52ha rừng. Lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 1 trường hợp về hành vi không thực hiện đúng quy định pháp luật trong sử dụng lửa đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng... Hầu hết các điểm lửa xảy ra đều được chính quyền địa phương, người dân và lực lượng Kiểm lâm phát hiện, huy động, tổ chức lực lượng chữa cháy kịp thời.
 
Đánh giá thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy rừng, như: thời tiết hanh khô kéo dài trên diện rộng; thiếu đường băng cản lửa, phương tiện kỹ thuật chữa cháy chưa bảo đảm; nhận thức của một bộ phận người dân trong lĩnh vực lâm nghiệp vẫn còn hạn chế; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng…
 
TP. Đồng Hới hiện có tổng diện tích tự nhiên 15.587ha, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 5.900ha (chiếm 42% diện tích tự nhiên toàn thành phố), được phân bố trên địa bàn 10 xã, phường, trong đó, diện tích quy hoạch rừng phòng hộ 4.069ha và quy hoạch rừng sản xuất hơn 1.831ha. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian từ tháng 5 đến tháng 9, tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp và bất thường, gây ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ rừng và nguy cơ cháy rừng rất cao, thường xuyên ở mức cảnh báo cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm).
 
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới cho biết, thành phố chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là lĩnh vực BVR và PCCCR đến tận địa bàn khu dân cư. Cụ thể, triển khai Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, ngày 16-11-2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, các văn bản quy phạm pháp luật... cho các cơ quan, đơn vị chủ rừng, chính quyền cơ sở, cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản và người dân để nâng cao ý thức trong thực hiện quy định về BVR và PCCCR; đồng thời, chủ động triển khai các biện pháp PCCCR.
 
Ngay đầu mùa khô, TP. Đồng Hới đã xây dựng kế hoạch tăng cường các biện pháp PCCCR. Các lực lượng tham gia diễn tập các phương án chữa cháy rừng tại các địa bàn khu vực xung yếu, nơi có nguy cơ cháy cao; phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tổ chức huấn luyện thực binh theo phương án đã đề ra, hướng dẫn cho các chủ rừng và người dân các biện pháp, như: đốt dọn thực bì đúng cách, phát đường băng cản lửa ở diện tích rừng có nguy cơ cháy cao, vệ sinh, chăm sóc rừng trồng; đưa vật liệu dễ cháy ra khỏi phạm vi rừng…
 
Thành phố tích cực vận động nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ rừng”, trong đó, chú trọng nêu cao vai trò trách nhiệm, thực hiện đồng bộ các giải pháp PCCCR gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Cùng với đó, các xã, phường điều chỉnh bổ sung phương án PCCCR với phương châm "4 tại chỗ" theo quy định phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị và chú trọng xây dựng lực lượng tại chỗ.
 
Ông Nguyễn Sỹ Doãn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP. Đồng Hới cho biết, trong thời gian cao điểm nắng nóng, lực lượng Kiểm lâm, các chủ rừng và các xã, phường phải thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo cháy rừng và bảo đảm trực 100% quân số; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao và tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết thực hiện các quy định BVR, PCCCR.
 
Lực lượng chức năng cũng chủ động tăng cường phối hợp với các địa phương thành lập các đội phòng cháy, chữa cháy dân phòng tại địa bàn các xã, phường nhằm đáp ứng kịp thời xử lý các tình huống xảy ra cháy tại chỗ.
 
Đến nay, toàn thành phố đã kiện toàn 15 ban chỉ đạo từ thành phố đến cơ sở, 52 tổ, đội BVR-PCCCR ở các thôn, tổ dân phố và chủ rừng với 517 người tham gia làm nòng cốt.
 
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng duy trì công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện phương án PCCCR cấp xã, đơn vị và chủ rừng, bảo đảm các cơ sở chuẩn bị đầy đủ vật tư, dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ và sẵn sàng phối hợp ứng phó, xử lý khi có cháy rừng xảy ra.
 
Công tác theo dõi, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, thông tin tới nhân dân, các chủ rừng, các địa phương trên địa bàn để chủ động biện pháp PCCCR cũng cần thực hiện kịp thời và chính xác. Mặt khác, hoạt động kiểm tra, xử lý những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về BVR và PCCCR phải được thực hiện nghiêm…
 
Theo ông Nguyễn Đức Cường, thành phố xác định phòng, chống cháy rừng là trách nhiệm của chính quyền các cấp, ban, ngành, chủ rừng và toàn dân. Vì vậy, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp BVR, PCCCR là cơ sở để phát triển vốn rừng, bảo đảm môi sinh, môi trường, hạn chế tối đa các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra. 
 
N. L