Khi nông dân thi đua yêu nước

  • 07:24 | Thứ Sáu, 22/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhờ tập trung đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nông dân (ND) toàn tỉnh đã gặt hái được nhiều thành công trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao… Qua các phong trào, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương ND sản xuất, kinh doanh giỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào trồng trọt, chăn nuôi, được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương.
 
 Xe tuần đường sắt do ông Đặng Thanh Lâm sáng chế.
Xe tuần đường sắt do ông Đặng Thanh Lâm sáng chế.
Chị Hoàng Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh cho biết: Để các phong trào thi đua có sức lan tỏa, các cấp Hội ND trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng nhiều phong trào thi đua phù hợp với điều kiện cụ thể của từng tổ chức hội, thu hút sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo ND. Nhờ đó, tạo nên sự thay đổi rõ rệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn và ND.
 
Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi được triển khai nhiều năm liền và đạt những kết quả đáng khích lệ. Hội ND đã từng bước đổi mới nội dung, hình thức truyên truyền, tổ chức nhiều buổi đối thoại trực tiếp với ND để cung cấp thông tin, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ND nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và có sự giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực. Các cấp hội còn phổ biến kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi cho ND, vận động ND ứng dụng các tiến bộ của KHKT vào thực tiễn, giúp ND phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
 
Phong trào thi đua học tập nghiên cứu, ứng dụng KHKT vào sản xuất ngày càng được đẩy mạnh. Từ đó, tư duy sản xuất của ND dần được thay đổi. Nhiều ND được tiếp cận với KHKT để áp dụng vào thực tiễn, nâng cao hiệu quả lao động, vươn lên làm giàu chính đáng. Đi đầu trong phong trào này là ông Đặng Thanh Lâm, sinh năm 1965 quê ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy. Dù không được học qua trường lớp đào tạo kỹ thuật nào nhưng ông luôn tìm tòi, học hỏi và cho ra đời nhiều sáng chế được ứng dụng trong thực tiễn như: cối giã gạo bằng điện năng, cẩu quay 360 độ, cẩu bằng ròng rọc 180 độ, máy trộn tự hành, xe xúc lật 180 độ, máy bắt chuột trong hang, phao dâng nước máy bơm, xe tuần đường sắt, máy cắt duỗi sắt định vị, máy sấy khô nông sản, máy tời cắp lúa, máy gieo lúa 4.1...
 
Từ năm 2013 đến nay, ông luôn tham gia các hội thi sáng tạo KHKT tỉnh Quảng Bình. Kết quả đã đạt 5 giải khuyến khích, 2 giải ba, 1 giải nhì. Với niềm đam mê sáng tạo, ông Đặng Thanh Lâm đã được Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ NN-PTNT, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và đang được cơ quan chức năng đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
 
Xác định phong trào “ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống ND, Hội ND tỉnh luôn chú trọng đến các hoạt động tư vấn, hỗ trợ ND, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, ND thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những loại cây, con giống có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Qua đó, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến có sức lan tỏa trong cộng đồng.
 
Điển hình là ND Nguyễn Văn Bồn, sinh năm 1960, quê ở thôn 2, xã Trung Trạch (Bố Trạch) với mô hình trang trại chăn nuôi. Trên diện tích 6,5ha, ông Bồn đã đầu tư mô hình nuôi 19-20 tấn cá các loại, 20.000 con gà ri, 50 lợn nái ngoại sinh sản, 1.000 lợn thịt thương phẩm và 10 bò cái sinh sản. Trang trại của ông có số vốn đầu tư 5 tỷ đồng, doanh thu bình quân là 7 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Bồn thu lãi từ 600-750 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức lương ổn định từ 4-5 triệuđồng/người/tháng.
 
Cũng từ mô hình chăn nuôi tổng hợp, ông Võ Văn Dương, sinh năm 1965 ở thôn Tú Loan 1, xã Quảng Hưng (huyện Quảng Trạch) đã đầu tư 3 chuồng trại với diện tích 2,500m2 để chăn nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt và vịt, ngan, gà, cá nước ngọt… với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng, mang lại nguồn lợi nhuận 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động có mức lương 5 triệu/người/tháng.
 
Lập nghiệp bằng mô hình trang trại tổng hợp, ND Phạm Văn Tam, sinh năm 1967, ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh thu lãi 950 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, mức lương 5 triệu/người/tháng. Một điển hình khác là ông Lê Viết Sơn, sinh năm 1947 ở xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa với mô hình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan, chế biến nguyên liệu song mây, mua bán các sản phẩm từ mây tre và lâm sản phụ khác. Từ mô hình này, ND Lê Viết Sơn đã thu được 3,119 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
 
Cùng với ông Đặng Thanh Lâm, các ông: Nguyễn Văn Bồn, Võ Văn Dương, Phạm Văn Tam, Lê Viết Sơn đều là những tấm gương sáng trong phong trào thi đua ND làm kinh tế giỏi ở địa phương, được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và được các cấp, ngành trao tặng nhiều danh hiệu thi đua cao quý khác như ND Việt Nam xuất sắc, ND sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương và được cấp trên đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
 
Song song với việc tổ chức, phát động các phong trào thi đua, công tác phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến luôn được Hội ND tỉnh hết sức chú trọng, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, hội viên, ND đối với vị trí, vai trò của công tác thi đua khen thưởng. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Hội ND tỉnh đã tặng bằng khen cho 21 tập thể, 30 cá nhân và nhiều tập thể, cá nhân được đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước tặng thưởng các danh hiệu thi đua cao quý khác. Kết quả đó góp phần cổ vũ, động viên ND hăng say lao động sáng tạo, làm giàu từ việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
 
                                                                                                                     Nh.V