Công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật:

Loay hoay gỡ khó

  • 10:14 | Thứ Bảy, 21/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong những năm qua, ở tỉnh Quảng Bình, công tác dạy nghề cho người lao động nói chung và người khuyết tật (NKT) nói riêng luôn được lãnh đạo tỉnh, các ngành, các địa phương quan tâm thông qua việc ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện dạy nghề cho NKT trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
 
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, Quảng Bình hiện có trên 40.000 NKT, chiếm gần 5% dân số toàn tỉnh. Những năm gần đây, số lượng NKT trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường và các rủi ro như: thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh… trong đó, gần 90% sống ở nông thôn, các xã miền núi rẻo cao, bãi ngang, cồn bãi với điều kiện kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Đa số NKT không thể sống tự lập mà chủ yếu dựa vào gia đình, người thân. Nhiều người không có việc làm, chỉ có khoảng 15% tự tạo được thu nhập. NKT chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quy định của Chính phủ.
Để NKT mặn mà với việc học nghề, cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành, đoàn thể.
Để NKT mặn mà với việc học nghề, cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành, đoàn thể.
Ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Thời gian qua, thực hiện các chủ trương, chính sách trong công tác dạy nghề cho NKT, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng đến NKT và gia đình của họ về chính sách học nghề như: hỗ trợ chi phí học nghề, hỗ trợ tiền ăn, đi lại và không phải đóng chi phí đào tạo... Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, cả tỉnh chỉ có gần 200 NKT tham gia học nghề.
 
Có nhiều nguyên nhân khiến số lượng NKT trên địa bàn tỉnh tham gia học nghề đạt thấp, trước hết là do chưa có cơ chế riêng trong công tác tổ chức đào tạo, trong khi NKT có rất nhiều khó khăn so với người bình thường. Ông Mai Xuân Thu, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cho hay: NKT là đối tượng đặc thù, không như những đối tượng khác. Họ có thể bị khiếm khuyết ở những chức năng khác nhau. Vì vậy, dạy nghề cho NKT không thể áp dụng phương pháp dạy nghề thông thường mà đòi hỏi phải có những phương pháp phù hợp với từng đối tượng. Mặt khác, qua điều tra thực tế có thể thấy số lượng NKT có nhu cầu học nghề còn ít. Thời gian qua, hội đã tích cực phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh mở các lớp dạy nghề cho NKT, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều bất cập. 
 
Một nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đào tạo nghề là việc đi lại của NKT gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế, một NKT đi học phải kèm theo một người đưa đón, trong khi người đưa đón có thể là lao động chính trong gia đình. Nhiều trường hợp, NKT cũng muốn học nghề nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên không thể tham gia. Đơn cử như trường hợp của ông Đinh Minh Lự, thôn Trấu, xã Hồng Hóa (Minh Hóa) có con bị khuyết tật trí tuệ. Gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, hai vợ chồng ông bà đều trên 70 tuổi lại không có phương tiện đi lại nên dù rất muốn cho con đi học nghề nhưng đành bất lực.
 
Hiện nay, cơ sở vật chất chưa bảo đảm cũng là rào cản trong công tác dạy nghề cho NKT. Quảng Bình hiện chưa có trung tâm hoặc cơ sở dạy nghề dành riêng cho NKT. Bên cạnh đó, còn nhiều nguyên nhân khác như: mức hỗ trợ cho người học nghề là còn quá thấp (30.000 đồng/người/ngày); nhiều gia đình NKT là hộ nghèo ở nông thôn, dân trí thấp nên không khuyến khích NKT đi học nghề; nhiều doanh nghiệp không mặn mà tiếp nhận NKT vào làm việc nên việc tìm kiếm việc làm cho NKT sau khi đào tạo gặp rất nhiều khó khăn...
 
Ông Trịnh Đình Dương cho biết thêm: Ðể cải thiện tình trạng trên, tạo ra nhiều cơ hội cho NKT được học nghề, có việc làm, hòa nhập cộng đồng, thời gian tới, trước hết, cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông nâng cao nhận thức đối với gia đình, cộng đồng và xã hội về vai trò, vị thế NKT. Phải xuất phát từ quan điểm NKT không chỉ là đối tượng ưu tiên, mà họ cần được nhìn nhận là một lực lượng lao động có vai trò tích cực đối với xã hội. Vì vậy, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NKT không phải là giúp đỡ, làm từ thiện… mà đáp ứng nhu cầu chính đáng là được làm việc, được có thu nhập ổn định cuộc sống, được xã hội ghi nhận.
 
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện, các tổ chức vì NKT, các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ sở dữ liệu về NKT, phân tích, đánh giá nhu cầu học nghề, việc làm của từng nhóm đối tượng, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả và cần có chính sách mở đối với việc đào tạo nghề cho NKT bằng nhiều hình thức, như: đào tạo theo lớp, theo từng nhóm, tổ, truyền nghề… phù hợp với từng địa phương, từng nghề và điều kiện khó khăn đặc thù của NKT. Từ đó, tạo thuận tiện để NKT có nhu cầu đều được tham gia học nghề và “thành nghề”.
 
Có thể khẳng định, đào tạo nghề cho NKT là việc làm vô cùng cần thiết, mở ra hy vọng về một cuộc sống ổn định cho NKT. Chính vì vậy, tỉnh cần tiếp tục quan tâm hơn nữa, có những sự điều chỉnh hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học và cả các cơ sở dạy nghề cho NKT.
 
Phạm Hà