Nâng cao kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

  • 15:51 | Thứ Ba, 29/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 29-10, Trung tâm nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Bình tổ chức hội thảo-tập huấn "Chia sẻ thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, lập kế hoạch thực hiện dự án tại hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa". Tham dự có đại diện các sở, ban, ngành liên quan và cộng đồng 15 thôn, bản vùng dự án dự kiến hỗ trợ.
Các đại biểu tham dự Hội thảo - Tập huấn.
Các đại biểu tham dự hội thảo-tập huấn.
Hiện nay, thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (TH, HNCHT) vẫn còn tồn tại, trở thành vấn nạn lớn của xã hội, thậm chí có xu hướng gia tăng ở các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
 
TH, HNCHT không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra những hậu quả, hệ lụy rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội, làm suy giảm, suy thoái nòi giống, tăng tỷ lệ bệnh tật, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, dẫn tới đói nghèo, lạc hậu. Ngoài ra, TH, HNCHT còn là lực cản đối với phát triển kinh tế-xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số...
 
Quảng Bình là tỉnh xếp thứ 22 về tỷ lệ hộ nghèo của cả nước. Trên địa bàn tỉnh, có 24 dân tộc cùng sinh sống, người Kinh chiếm khoảng 97%. Người dân tộc thiểu số trên địa bàn đa số thuộc hai nhóm chính là Chứt và Bru-Vân Kiều (gồm những tộc người chính là: Khùa, Mã Liềng, Rục, Sách, Vân Kiều, Mày, Arem, Ma Coong...), sống tập trung ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, miền Tây huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy.
 
Trong những năm qua, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đầu tư phát triển kinh tế-xã hội miền núi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung và hai huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa nói riêng đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
 
Bên cạnh các mặt tích cực đã đạt được, tình trạng TH, HNCHT vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn diễn ra phổ biến tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn và có xu hướng gia tăng tại một số địa bàn.
 
Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2014 đến tháng 7-2017, số vợ chồng đồng bào dân tộc thiểu số TH chiếm 22,46% và HNCHT chiếm 0,85% trong tổng số các cặp kết hôn trên toàn tỉnh. Tỷ lệ TH năm 2015 cao hơn năm 2014 khoảng 2%, năm 2016 giảm xuống tương đương năm 2014 (20,41%) nhưng năm 2017 tăng lên gần 6% so với năm 2014...
 
Các đại biểu đã được cán bộ của Trung tâm nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển trực tiếp báo cáo kết quả khảo sát đầu kỳ dự án các vấn đề về TH, HNCHT, phòng chống bạo lực gia đình tại 15 bản/5 xã thuộc hai huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa; tiến hành phân nhóm để thảo luận về nguyên nhân và giải pháp của TH, HNCHT, bạo lực gia đình; xây dựng kế hoạch và phương pháp triển khai, phối hợp thực hiện dự án tại 5 xã thuộc hai huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa...
 
Được biết, hoạt động này nằm trong kế hoạch của dự án "Nâng cao nhận thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý đối với các vấn đề về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho phụ nữ, trẻ em vị thành niên là người dân tộc thiểu số tại huyện Minh Hoá và Tuyên Hoá"...
 
Văn Minh