Về nơi đường tắc, lũ vây

  • 09:13 | Thứ Tư, 11/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Những ngày sau lũ, tuyến đường nối từ Quốc lộ 12A vào với các bản làng đồng bào dân tộc Khùa, Mày, Trì, Thổ… của xã Trọng Hóa (Minh Hóa) mới tạm thông. Tuy vậy, chúng tôi chỉ đến được các bản Pa Choong, Ra Mai, Cha Cáp và đường chỉ dành cho người đi bộ. Còn sâu hơn, cụm các bản vùng Lòm, sạt lở nặng nề, chưa biết bao giờ mới khắc phục được. Đường tạm thông, những chuyến hàng nghĩa tình đầu tiên từ miền xuôi nhờ đó cũng kịp đến tận tay dân bản.

Gian nan đường về bản

Từ Quốc lộ 12A rẽ xuống ngầm Ka Định để đi vào cụm các bản người Mày, người Khùa ở 8 bản Pa Choong, Ra Mai, Cha Cáp, K.Oóc, Dộ, Si, Tà Vơờng, Lòm… dấu hiệu sạt lở, chia cắt hiện ra rõ mồn một.

Ngay từ sáng sớm, Tập đoàn Trường Thịnh đã huy động xe tải, máy ủi, xe lu… chở đất, gạt đường, giải tỏa các điểm sạt lở để người, phương tiện thông thương, giúp giáo viên cắm bản kịp lên trường chuẩn bị lễ khai giảng muộn năm học mới 2019-2020 diễn ra sáng ngày 9-9-2019. Và quan trọng nhất, những chuyến xe nghĩa tình kịp đưa hàng hóa, lương thực, thực phẩm lên hỗ trợ đồng bào.

Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi đón chúng tôi tại bản Ra Mai và tiếp nhận 100 suất quà ban đầu cho bà con. Bà Thoi cho biết: “Hiện nay, đường thông đến bản Cha Cáp rồi. Vùng Si, Lòm thì chỉ đi bộ do sạt lở nặng tại bản Dộ. Hàng trăm tấn đất đá sập xuống vùi lấp mặt đường. Phải còn lâu lắm xe ô tô vận chuyển hàng hóa cứu trợ mới tiếp cận được”.

Bản Ra Mai có 100 hộ dân, trên 460 khẩu. Trưởng bản Hồ Niên bảo: “Nước lên nhanh, cô lập tất cả các bản từ ngày 2-9. Thời gian bị lũ chia cắt, bà con dựa vào bộ đội biên phòng, chia nhau bát gạo, củ sắn, lọn măng cầm cự”.

Sạt lở nặng tại điểm đường bản Dộ khiến cho các bản vùng Si, Lòm đang còn bị chia cắt.
Sạt lở nặng tại điểm đường bản Dộ khiến cho các bản vùng Si, Lòm đang còn bị chia cắt.

Qua hết đợt lũ tràn, cái bụng Hồ Niên và đồng bào trong bản hết lo khi thấy vợ chồng Hồ Thon, Hồ Thị Năm trở về nhà an toàn. Hồ Niên kể: “Trước lũ khoảng 5 ngày, vợ chồng Thon đi rừng. Nước khe suối lên nhanh nên bị kẹt không về được. Vợ chồng Hồ Thon có ba con nhỏ, chúng chỉ còn biết chạy qua ở nhờ nhà bà nội Hồ Thị Thoong. Cho đến ngày 6-9, khi nước lũ rút, Hồ Thon, Hồ Thị Năm mới về tới bản. Mừng lắm!”.

“Sau khi hết bị lũ vây, lũ chia cắt, 400 hộ đồng bào dân tộc Khùa, Mày, Trì, Thổ… ở 8 bản Pa Choong, Ra Mai, Cha Cáp, K.Oóc, Dộ, Sy, Tà Vơờng, Lòm đang thiếu hụt nghiêm trọng lương thực, thực phẩm. Vì mùa lúa rẫy vừa qua, xã Trọng Hóa gần như mất trắng do khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường”, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Phạm Văn Bắc chia sẻ.

Nước mắt Pa Choong

Hai ngày sau đỉnh lũ, những con suối phía thượng nguồn dòng Gianh trên địa bàn xã Trọng Hóa hạ thấp mình xuống, thôi không còn hung dữ như lúc cuốn người mẹ thảo hiền của 4 đứa con ở bản Pa Choong.

Năm ngày… kể từ lúc Hồ Thị Chăn xuống suối Ta Cô trầm mình bắt con ốc, con cá lo cho cái bụng của 7 con người trong đại gia đình mình, dân bản mới tìm thấy thi thể chị vắt bên lùm cây rừng cạnh suối. Họ đưa người thân của bản về với ma rừng bằng cái lễ ma chay, chôn cất đơn giản.

Chúng tôi về bản Pa Choong, núi rừng nơi miền biên viễn nắng khô khốc. Hồ Thị Thoi đưa tay chỉ một nếp nhà sàn bé nhỏ, ẩm thấp. Lời Thoi thật nhẹ “Nhà của Chăn đó!”. Từ xa, chúng tôi nhác thấy bóng hai người đàn ông ngồi im nơi bậu cửa, ngó mông lung ra phía trước bản. Hai người đàn ông, một già, một trẻ. Người già là Hồ Cóc (SN 1959), bố chồng Hồ Thị Chăn. Người trẻ tên Hồ Linh (SN 1986), cùng tuổi với vợ quá cố, cha bốn đứa trẻ bây giờ không còn mẹ.

Hồ Thị Chăn mất đi, ngôi nhà sàn bé nhỏ, nghèo nàn ở bản Pa Choong còn lại ông Hồ Cóc, bà Hồ Thị Bột (SN 1958) là bố mẹ Hồ Linh. Bốn đứa con mất mẹ gồm Hồ Thị Liên (SN 2005), học lớp 9 lớn tuổi nhất; Hồ Thị Lài (SN 2008), học lớp 6; Hồ Lâm (SN 2009) học lớp 5 và Hồ Thị Luân (SN 2011) học lớp 3.

Khi Hồ Thị Chăn còn sống, những đứa trẻ sống trong đại gia đình ba thế hệ, dù nghèo nhưng luôn đầm ấm, đầy yêu thương. Cả bốn đứa trẻ đều được đến trường học chữ. Nay mẹ mất, ông bà nội già yếu, bệnh tật, gánh nặng đặt hết lên vai người bố. Hồ Linh bảo: “Hai ngày nay, người dưới xuôi lên hỗ trợ gia đình gạo, mì tôm, nước mắm, mì chính… đủ ăn trong khoảng vài tháng. Tiền mặt thì được 33 triệu đồng. Riêng tiền, Linh bàn với người già để dành cho các con học hành. Người lớn mất đi, đau rồi nguôi ngoai, nhưng trẻ nhỏ cần tương lai!”.

Box: Cứ mỗi mùa lũ lụt, đồng bào dân tộc ở các bản thuộc xã Trọng Hóa lại đối mặt với nguy cơ sạt lở, chia cắt. Theo lời ông Phạm Văn Bắc-Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa: “Cần huy động nhân lực, phương tiện thông đường vào các bản Dộ, Si, Lòm một cách sớm nhất có thể  để vận chuyển lương thực vào cứu đói cho bà con”.

Ngô Thanh Long