Cán bộ bảo vệ rừng đồng loạt nghỉ việc: Thực trạng đáng báo động!

  • 07:04 | Thứ Hai, 19/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Hơn một năm trở lại đây, hàng chục cán bộ bảo vệ rừng ở Lâm trường Khe Giữa và Lâm trường Trường Sơn đã đồng loạt nghỉ việc. Tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ rừng, khi hơn 50.000 ha rừng tự nhiên do hai lâm trường này quản lý không đủ người bảo vệ.

Theo nhau nghỉ việc

Trong số những lâm trường có tình trạng cán bộ bảo vệ rừng nghỉ việc thì Lâm trường Khe Giữa và Lâm trường Trường Sơn (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại) là 2 đơn vị có số lượng cán bộ bảo vệ rừng nghỉ việc nhiều nhất. Lâm trường Khe Giữa đóng trên tuyến đường 10, dẫn từ đường Hồ Chí Minh nhánh đông lên giáp biên giới Việt-Lào.

Lâm trường được giao quản lý bảo vệ hơn 24.000 ha rừng tự nhiên. Đây là nơi được đánh giá có mật độ che phủ cao với nhiều khu rừng nguyên sinh và tập trung nhiều loại gỗ quý hiếm.

Ông Ngô Hữu Thành, Giám đốc Lâm trường Khe Giữa cho biết: "Cuối năm 2018, lâm trường có 33 cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng. Nhưng chỉ mới hơn nửa năm nay, số lượng cán bộ bảo vệ rừng đã giảm còn 26. Có 6 cán bộ giữ rừng đã lần lượt xin nghỉ việc và một cán bộ đến tuổi nghỉ hưu. Trong số những cán bộ bảo vệ rừng xin nghỉ việc có người đã làm công tác giữ rừng hơn mười năm, có người chỉ mới một vài năm.

Thậm chí có người đang là trạm trưởng một trạm bảo vệ rừng cũng xin nghỉ việc. Khi nhận được đơn xin nghỉ, Ban Giám đốc Lâm trường đều mời những cán bộ này lên để thuyết phục ở lại. Nhưng cùng lắm họ chỉ gắng làm thêm một thời gian ngắn rồi cũng nghỉ việc”.

Tại Lâm trường Trường Sơn, thực trạng cán bộ bảo vệ rừng nghỉ việc đồng loạt cũng đang là chuyện “đau đầu” của lãnh đạo lâm trường. Lâm trường Trường Sơn được giao bảo vệ gần 32.000 ha rừng, nhưng hiện chỉ có 27 cán bộ bảo vệ rừng.

Ông Châu Ngọc Dương, Giám đốc Lâm trường Trường Sơn cho biết, cán bộ bảo vệ rừng ở lâm trường bắt đầu xu hướng bỏ việc từ đầu 2018. Đến cuối năm 2018 thì đã có 6 người xin nghỉ việc. Đây là việc chưa từng xảy ra từ khi lâm trường được thành lập cho đến nay.

Tình trạng nghỉ việc đồng loạt của cán bộ giữ rừng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý và bảo vệ rừng của các lâm trường. Nghiêm trọng nhất là việc các lâm trường không đủ người bảo vệ rừng. Như ở Lâm trường Khe Giữa, nếu ở thời điểm có 33 cán bộ giữ rừng thì mỗi người bình quân chỉ bảo vệ khoảng hơn 700 ha rừng.

Nhiều cán bộ bảo vệ rừng tại Lâm trường Khe Giữa nghỉ việc khiến những cán bộ còn lại phải gánh thêm một diện tích rừng rất lớn.
Nhiều cán bộ bảo vệ rừng tại Lâm trường Khe Giữa nghỉ việc khiến những cán bộ còn lại phải gánh thêm một diện tích rừng rất lớn.

Nhưng khi 6 người trong số đó nghỉ việc, mỗi cán bộ còn lại sẽ phải gánh thêm khoảng 300 ha nữa. Tổng cộng mỗi người phụ trách đến gần 1.000 ha rừng. Trong khi con số tương tự ở Lâm trường Trường Sơn là 1.200 ha/người.

“Với lâm trường có chức năng bảo vệ diện tích rừng tự nhiên lớn như thế này, thì một người nghỉ việc sẽ để lại một khoảng trống rất lớn. Công tác bảo vệ rừng vì vậy sẽ càng áp lực và khó khăn hơn”, ông Châu Ngọc Dương chia sẻ.

Nghỉ việc vì bị nợ lương?

Theo tìm hiểu của phóng viên, không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây cán bộ bảo vệ rừng tại các lâm trường lại đồng loạt nghỉ việc. Vấn đề này được bắt nguồn từ tình trạng nợ lương dài ngày.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Tổ trưởng Tổ cơ động thuộc Lâm trường Khe Giữa, thời gian qua, việc chi trả tiền lương cho cán bộ bảo vệ rừng vừa thấp vừa rất chậm trễ. Chính lý do này khiến cán bộ bảo vệ rừng của lâm trường đi đến quyết định phải nghỉ việc giữa chừng.

Ông Châu Ngọc Dương, Giám đốc Lâm trường Trường Sơn cũng cho biết, có giai đoạn suốt 6 tháng liền (từ tháng 10-2018 đến tháng 3-2019) cán bộ bảo vệ rừng ở lâm trường không được nhận một đồng tiền lương nào.

Theo ông Dương, tiền trả lương cho công nhân lâu nay nằm ở nguồn tiền hỗ trợ bảo vệ rừng theo Quyết định số 2242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nguồn tiền này do Bộ Tài chính chủ chi. Nhưng khoản tiền này luôn được giải ngân chậm dẫn đến hệ quả các lâm trường nợ lương công nhân.

Dẫn chứng cụ thể từ tiền chi phí hỗ trợ bảo vệ rừng năm 2018 của Lâm trường Trường Sơn, đúng ra số tiền này đã được chi trả xong khi kết thúc năm 2018, nhưng thực tế đến thời điểm hiện tại Bộ Tài chính mới thực hiện chi trả được 70%.

“Vừa rồi mới có thêm 60% trong tổng số chi phí hỗ trợ bảo vệ rừng năm 2019. Chúng tôi phải “linh động” cắt trong số này ra 30% để bù vào số còn thiếu của năm 2018. Nếu sắp tới số tiền còn lại của năm 2019 không được thanh toán kịp thời thì chắc chắn việc nợ lương dài kỳ sẽ lại tiếp tục. Và sẽ không ai bảo đảm được việc cán bộ bảo vệ rừng không tiếp tục nghỉ việc”, ông Dương lo lắng.

Không chỉ chậm chi trả tiền hỗ trợ bảo vệ rừng, mà việc nâng mức hỗ trợ mới theo Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ cho lực lượng bảo vệ rừng cũng đang được thực hiện chậm trễ.

Giám đốc Lâm trường Khe Giữa Ngô Hữu Thành cho biết, Nghị định 156/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 quy định rõ mức hỗ trợ cho cán bộ bảo vệ rừng là 300.000 đồng/ha/năm (mức cũ là 200.000 đồng/ha/năm). Tuy nhiên, cũng đã nửa năm trôi qua mà quy định này vẫn chưa được Bộ Tài chính áp dụng.

Lương thấp, bị nợ lương dài ngày, cán bộ bảo vệ rừng không đủ tiền nuôi sống gia đình nên phải chọn phương án nghỉ việc để tìm công việc khác. Đã đến lúc các cơ quan, ban, ngành liên quan phải tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn này cho lực lượng bảo vệ rừng. Và nói gì thì nói, chỉ khi lực lượng bảo vệ rừng được bảo đảm cuộc sống, thì việc bảo vệ những cánh rừng mới đạt hiệu quả cao nhất.

Lan Chi