.

Để người lao động gắn bó với doanh nghiệp

.
14:46, Thứ Sáu, 12/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta, bên cạnh những doanh nghiệp (DN) có thương hiệu, công nghệ cao, bảo đảm đời sống cho người lao động (NLĐ) thì vẫn còn nhiều DN khó khăn và thực hiện việc chăm lo cho NLĐ chưa thỏa đáng.
 
Vì lẽ đó, sau mỗi dịp nghỉ lễ, tết dài ngày, nhiều DN luôn đứng trước thực trạng thiếu hụt nguồn lao động, nhất là lao động nữ, lao động có tay nghề cao, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, cùng với việc thực hiện các chính sách thu hút NLĐ, các DN cũng cần có các giải pháp căn cơ để "giữ chân" NLĐ…
 
Công ty TNHH Thương mại may Thăng Long (đóng tại tổ dân phố 13, phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới) là đơn vị chuyên gia công hàng xuất khẩu, như: áo da kép, áo lông vũ, áo gòn, áo gió hai lớp, đồ thể thao... phục vụ trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài.
 
Ông Đặng Thăng Long, Giám đốc công ty cho biết, là doanh nghiệp nhỏ, doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động gia công không lớn, nếu cứ thiếu lao động và phải chạy theo để giữ chân họ thì sẽ rất khó phát triển. Vì vậy, xác định doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc cần nhiều lao động, nhất là lao động nữ, đơn vị luôn chú trọng đến yếu tố con người. Cùng với việc thực hiện hiệu quả sản suất, tăng doanh thu, công ty luôn quan tâm đến đời sống, thu nhập và cải thiện môi trường làm việc cho công nhân. Hiện nay, công ty có đội ngũ lao động hơn 350 người, đều là con em trong tỉnh với mức thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng (bao gồm bảo hiểm xã hội).
Doanh nghiệp dùng phúc lợi để thu hút người lao động sẽ góp phần thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Doanh nghiệp dùng phúc lợi để thu hút người lao động sẽ góp phần thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Chị Trần Thị Hướng, công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Thương mại may Thăng Long chia sẻ, chị đã gắn bó với doanh nghiệp gần 6 năm với công việc ổn định và thu nhập bình quân từ 8-8,5 triệu đồng/tháng. Ngoài chi trả lương đúng thời hạn cho công nhân, doanh nghiệp luôn thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ tốt, mọi người yên tâm làm việc. Đáng kể, công nhân được quan tâm hỗ trợ các khoản đời sống, như: tăng phụ cấp, ăn trưa, tăng ca, lương tháng 13, thai sản, thưởng các dịp lễ, tết…
 
Nhờ thực hiện thỏa đáng các chế độ, chính sách cho đội ngũ công nhân nên doanh nghiệp đã thu hút lao động gắn bó lâu dài và không xảy ra tình trạng công nhân bỏ việc. Điều này cũng đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện, Công ty TNHH Thương mại may Thăng Long trang bị 10 chuyền may, 1 chuyền cắt, 1 chuyền là và hệ thống đóng gói sản phẩm... hoạt động hiệu quả.
 
Từ thực tế tại Công ty TNHH Thương mại may Thăng Long đã chứng minh, nếu DN quan tâm đúng mức tới NLĐ, có chính sách phù hợp trong phát triển nguồn lực con người, môi trường làm việc thì NLĐ sẽ gắn bó với DN. Tuy nhiên, thực tế tại tỉnh ta cho thấy, ngoài những DN thực hiện nghiêm túc chính sách với NLĐ, thì hiện vẫn còn nhiều DN chưa quan tâm đến phúc lợi cho NLĐ, điển hình có DN nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) nhiều tỷ đồng.
 
Theo ông Đoàn Xuân Toản, Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, xét ở nghĩa rộng, phúc lợi bao hàm cả tiền lương, điều kiện làm việc của NLĐ và tất cả các quyền lợi khác ngoài lương, như: BHXH, bảo hiểm y tế, tiền thưởng, các khoản trợ cấp, bữa ăn ca, an toàn vệ sinh lao động, du lịch, nghỉ mát, thể dục-thể thao, nhà trẻ, mẫu giáo cho con em của NLĐ…
 
Rõ ràng, việc thực hiện phúc lợi cho NLĐ mang lại nhiều lợi ích cho DN. Cụ thể, NLĐ có động lực làm việc, từ đó dẫn tới tăng năng suất lao động. NLĐ yên tâm và gắn bó với công việc, từ đó giảm biến động lao động, giảm chi phí liên quan đến tuyển dụng, đào tạo lao động mới và thời gian làm quen với công việc. Đồng thời, DN đã thực hiện trách nhiệm an sinh xã hội, đóng góp phát triển bền vững cho địa phương.
 
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 200 đơn vị, DN ngoài khu vực nhà nước, tập hợp gần 12.000 đoàn viên công đoàn với tiền lương bình quân đạt hơn 4,6 triệu đồng/người/tháng. Phần lớn công đoàn ở DN đã bám sát chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật để triển khai thực hiện tốt công tác đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; đồng thời, xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Đến nay, có 146/201 DN, đơn vị xây dựng quy chế phối hợp giữa công đoàn và người sử dụng lao động.
 
Tuy nhiên, ông Đoàn Xuân Toản cũng cho rằng, về phía DN cần quan tâm lâu dài đến đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện làm việc của công nhân tùy theo điều kiện, khả năng chứ không nên để “nước đến chân mới nhảy”. NLĐ cũng cần thay đổi suy nghĩ về việc làm, không nên vì cái lợi trước mắt mà tùy tiện “nhảy việc” khiến chính bản thân mình bị thiệt thòi. Mặt khác, các cấp, ngành và địa phương cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, tạo điều kiện cho DN đầu tư xây nhà ở công nhân và phát triển các công trình phúc lợi khác, góp phần ổn định môi trường sinh hoạt khu công nghiệp, ổn định lực lượng lao động bền vững.
 
Không những vậy, ông Phan Mạnh Hùng, Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương nhấn mạnh thêm, tổ chức công đoàn trong các đơn vị, DN phải thật sự là tổ ấm của mỗi thành viên công đoàn. Điều đó đồng nghĩa với việc công đoàn phải luôn quan tâm chăm lo đời sống, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng cho đoàn viên công đoàn. Cùng với việc cải thiện điều kiện làm việc, công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị, DN trong việc kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời và công bằng các chế độ, chính sách về tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp ốm đau, các chế độ bảo hiểm cho công nhân…
 
Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Lương Bình, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh khẳng định, thời gian tới, các chủ DN, NLĐ, cán bộ công đoàn cần tiếp tục chia sẻ mô hình, kinh nghiệm đã làm tốt để hướng tới việc DN chăm lo tốt hơn cho NLĐ. Đặc biệt, chủ DN cần quan tâm thực hiện giải pháp, dùng phúc lợi để thu hút, gắn bó NLĐ với DN, bởi đây chính là nhu cầu mà NLĐ mong muốn…
 
Thùy Lâm
,