.
"Luôn lao động, sáng tạo, nỗ lực để vươn lên thoát nghèo bền vững"

Tạo sinh kế bền vững từ dự án "Ngân hàng bò"

.
08:15, Thứ Năm, 24/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Dự án “Ngân hàng bò” được Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam triển khai từ năm 2010 với mục tiêu giúp những gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương vươn lên phát triển kinh tế thông qua hình thức trợ giúp bò sinh sản. Đến nay, sau hơn 7 năm thực hiện, “Ngân hàng bò” đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện giúp nhiều hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế theo hướng bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Ông Cao Quang Cảnh, Chủ tịch Hội CTĐ cho biết, dự án “Ngân hàng bò” được các cấp hội triển khai với nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau. Theo đó, Hội CTĐ các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo hội cơ sở tham mưu với chính quyền địa phương bình xét danh hiệu các hộ nghèo có nhân lực lao động và khả năng chăn nuôi để tham gia.

Dự án đem đến cho bà con cơ hội thoát nghèo, giúp người dân phát huy được sức lao động lúc nhàn rỗi và tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên. Vì vậy, “Ngân hàng bò” thực sự mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc về sự sẻ chia, chung tay, góp sức của cả cộng đồng và tạo động lực để giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Điểm đặc biệt của dự án “Ngân hàng bò” không chỉ ở hiệu quả thiết thực do dự án mang lại mà còn ở cách thức duy trì và phát triển. Cụ thể, hộ nghèo hưởng lợi từ dự án phải được bình xét, lựa chọn phù hợp với các tiêu chí dự án đề ra và ký cam kết thực hiện theo quy định.

“Dự án ngân hàng bò” đã hỗ trợ sinh kế, góp phần giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
“Dự án ngân hàng bò” đã hỗ trợ sinh kế, góp phần giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Hộ nghèo được trao tặng một con bò giống, sau khi nuôi, nếu đẻ lứa đầu là bò cái, hộ đó tiếp tục chăm sóc đến khi biết ăn thì chuyển giao cho hộ nghèo khác nuôi. Hộ nuôi ban đầu được hoàn toàn sở hữu bò giống, cứ tiếp tục theo chu trình, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều hộ gia đình nghèo khác được trợ giúp. Trường hợp bò giống đẻ lứa đầu là bò đực, hộ nuôi chăm sóc cho đến khi biết ăn, Hội CTĐ xã sẽ bán và mua một con bò cái trao cho hộ nghèo khác.

Nhờ đó, nếu năm 2010, toàn tỉnh đã hỗ trợ 550 con  bò cái giống cho người nghèo ở các huyện, thị xã, thành phố, thì đến nay, đã tăng lên 980 con với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng. Riêng Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn Vingroup) đã hỗ trợ 200 con với tổng kinh phí 3,6 tỷ đồng.

Từ chương trình, hàng trăm hộ dân đã thoát nghèo bền vững và có hộ phát triển đàn bò lên số lượng lớn thu được hiệu quả kinh tế cao, vươn lên giàu chính đáng. Đáng chú ý, dự án có thêm 430 hộ hưởng lợi mới từ thế hệ thứ 2, qua thế hệ thứ 3 và thứ 4.

Ông Nguyễn Tân Trường, Chủ tịch Hội CTĐ TX. Ba Đồn cho biết: Dự án “Ngân hàng bò” triển khai ở 3 xã, gồm: Quảng Sơn (36 con), Quảng Minh (20 con), Quảng Long (20 con) và đã mang lại hiệu quả trực tiếp trong công tác giảm nghèo của các địa phương. Rõ nét là Quảng Minh, một trong những xã bãi ngang còn nhiều khó khăn được thụ hưởng dự án. Hội CTĐ xã Quảng Minh triển khai mô hình từ đầu năm 2011 với nguồn kinh phí 140 triệu đồng cho 20 hộ nghèo nhận hỗ trợ 20 con bò sinh sản (trung bình 7 triệu đồng/con).

Với việc triển khai thực hiện một cách tích cực, đúng tiêu chí, đối tượng hưởng thụ, dự án đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của người dân, tạo sức bật đối với những hộ nghèo của xã. Đến nay, dự án phát triển thêm 30 con, giúp hơn 40 hộ thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Mậu, ở thôn Cồn Nâm chia sẻ, gia đình bà được hỗ trợ 1 con bò giống, sau hơn một năm, bò mẹ đã sinh được 1 bê con và đã bàn giao cho Hội CTĐ xã theo đúng cam kết để hỗ trợ hộ nghèo khác. Giờ đây, con bò mẹ đã thuộc quyền sở hữu của gia đình bà và sinh thêm được thêm 3 lứa bê con. Nhờ đó, gia đình bà Mậu đã thoát nghèo và còn gây dựng được tài sản có giá trị là đàn bò khỏe mạnh.

Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững tại Minh Hóa, năm 2010, dự án “Ngân hàng bò" triển khai tại 8 xã với tổng số 120 con. Ông Cao Thanh Bình, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Minh Hóa cho hay: Nhờ quá trình thực hiện công khai, minh bạch, theo đúng quy trình và người hưởng lợi đồng tình, ủng hộ nên dự án đã mang lại hiệu quả cao.

Các cấp hội tiến hành họp, bình chọn hộ hưởng lợi theo đúng tiêu chí của dự án. Ban quản lý dự án thống nhất danh sách các hộ và tiến hành niêm yết công khai tại xã và ở các thôn. Trong quá trình chăn nuôi, hàng tháng, hàng quý, ban quản lý và cán bộ thú y thường xuyên đến từng hộ kiểm tra, quan tâm, theo dõi và chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho hộ hưởng lợi.

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp người hưởng lợi không đồng ý giao lứa bê đầu tiên mặc dù đã cam kết. Để giải quyết vấn đề đó, ban quản lý dự án và Hội CTĐ các cấp đã tích cực tuyên truyền, thuyết phục để được sự đồng thuận của các hộ hưởng lợi.

Hiện nay, dự án “Ngân hàng bò" trên địa bàn huyện Minh Hóa đã phát triển lên 365 con, trong đó, nhiều hộ dân có từ 4-5 con. Một số xã trên địa bàn huyện thực hiện hiệu quả dự án và có tỷ lệ hộ hưởng lợi thoát nghèo cao, như: Xuân Hóa, Hóa Hợp, Thanh Hóa…

Có thể nói, dự án “Ngân hàng bò” của Hội CTĐ các cấp thực sự có ý nghĩa thiết thực trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ sinh kế, góp phần giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình và xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững.

Vì vậy, thời gian tới, Hội CTĐ tỉnh tiếp tục vận động, kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để “Ngân hàng bò” ngày một lan tỏa nhằm trao thêm niềm vui, hy vọng cho các hộ nghèo.

Thùy Lâm
 

,