.

Nhân Trạch (Bố Trạch): Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu lao động

.
22:29, Chủ Nhật, 25/03/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Cùng với việc chuyển đổi sinh kế và tạo việc làm, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở xã Nhân Trạch (Bố Trạch) ngày càng được chú trọng. Bởi, đây được xem là hướng đi đột phá để người dân vùng biển có điều kiện tiếp cận với công việc ổn định, có nguồn thu nhập cao, làm giàu cho gia đình và quê hương.
 
Nhân Trạch được biết đến là một trong những địa phương có truyền thống về công tác XKLĐ. Sau sự cố môi trường biển, một số ngành nghề nuôi trồng, đánh bắt, thu mua và chế biến thủy hải sản... bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Chính vì vậy, thời gian qua, cùng với thực hiện công tác kê khai, đền bù thiệt hại sự cố môi trường biển, chính quyền xã Nhân Trạch đã tập trung triển khai quyết liệt những biện pháp trước mắt, như: chuyển đổi sinh kế, giải quyết việc làm, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, XKLĐ được xem là một biện pháp hợp lý, thiết thực và bền vững góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế -xã hội địa phương.
Nhờ xuất khẩu lao động, thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch ngày càng có nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang.
Nhờ xuất khẩu lao động, thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch ngày càng có nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang.
Trên con đường cát trắng trải dài dẫn về làng biển Nhân Trạch, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay nhanh chóng của vùng quê này. Những ngôi nhà cấp bốn được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng khang trang nối tiếp nhau trên các trục đường làng. Từng dãy nhà được quy hoạch lề lối, môi trường sạch sẽ, không khác gì “làng Seoul của Hàn Quốc”, như cách ví von của bà con nơi đây. Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định, cùng với tập trung phát triển kinh tế biển, XKLĐ là một mũi nhọn phát triển kinh tế của xã. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian qua, xã đã tạo điều kiện cho bà con vay vốn XKLĐ. Đến nay, toàn xã có khoảng 1.600 lao động đang làm việc ở các thị trường nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Úc... và dẫn đầu về số lượng XKLĐ của huyện Bố Trạch. Trung bình mỗi năm, từ làng quê này có hơn 150 thanh niên khỏe mạnh, đang độ tuổi lao động đi ra nước ngoài với ước vọng quay về làm giàu cho gia đình và quê hương.
 
Qua tìm hiểu, hầu hết các gia đình trong xã đều có 1 đến 2 người tham gia XKLĐ, thậm chí có gia đình đến 4 người cùng XKLĐ. Điều đáng quý ở xã Nhân Trạch chính là sự đoàn kết, tương trợ nhau trong hoạt động XKLĐ. Người đi lao động trước về hướng dẫn, chỉ đường cho người đi sau. Anh Hoàng Minh Công, ở thôn Nhân Tiến, xã Nhân Trạch nhớ lại, những năm về trước, đời sống người dân xã biển này còn gặp nhiều khó khăn. Ngư dân quanh năm bám biển gần bờ, không có tiền để đóng tàu lớn vươn khơi xa.
 
Mạnh dạn vay vốn để thoát nghèo, anh Công quyết định tham gia XKLĐ. Công việc diễn ra suôn sẻ, anh Công miệt mài làm việc 7 năm ở Hàn Quốc và sau đó tiếp tục 3 năm ở Úc. Chính quãng thời gian hơn 10 năm bôn ba đã giúp anh tích trữ được khoản tiền lớn. Sau khi về nước, anh Công đã thuê thiết kế, xây dựng căn nhà trị giá hơn 5 tỷ đồng. Thành quả anh có được hôm nay là nhờ những đồng tiền từ mồ hôi, công sức lao động chân chính sau bao năm lao động vất vả ở xứ người. Cách đó không xa, gia đình ông Phan Văn Khiển cũng đổi đời nhờ XKLĐ. “Gia đình tôi có 5 người con, trong đó 3 đứa cùng xuất ngoại và nguồn thu từ XKLĐ cũng trên dưới 100 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, gia đình tôi đã làm được nhà cửa khang trang, đời sống kinh tế ổn định...”, ông Khiển vui vẻ chia sẻ.
 Nhiều hộ gia đình ở xã Nhân Trạch đã tái đầu tư phát triển trang trại nuôi thủy sản từ nguồn vốn xuất khẩu lao động.
Nhiều hộ gia đình ở xã Nhân Trạch đã tái đầu tư phát triển trang trại nuôi thủy sản từ nguồn vốn xuất khẩu lao động.
Ông Phạm Mạnh Hùng cho biết thêm, tính trung bình mỗi lao động xuất khẩu có thu nhập khoảng từ 20-40 triệu đồng/tháng, mỗi năm  lao động làm việc ở nước ngoài gửi về địa phương xấp xỉ trên 200 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, xã Nhân Trạch đã thành lập quỹ tín dụng nhằm giúp bà con nhân dân xây dựng, chỉnh trang nhà ở và hỗ trợ cho người thiếu vốn vay để đầu tư tái sản xuất, như: mua sắm ngư cụ, đầu tư máy móc nông nghiệp, phát triển mô hình chăn nuôi..., góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Điển hình như gia đình anh Phạm Hởi, ở thôn Nhân Quang. Trở về sau nhiều năm XKLĐ ở các nước, anh Hởi dùng nguồn vốn dành dụm được để đầu tư phát triển trang trại nuôi thủy sản và tạo việc làm cho thu nhập ổn định cho trên 4 lao động tại địa phương.
 
Có thể khẳng định, hoạt động XKLĐ hiệu quả đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới xã Nhân Trạch. Hiện thu nhập bình quân của người dân Nhân Trạch đạt trên 40 triệu đồng/lao động/năm, tỷ lệ nhà kiên cố, cao tầng đạt trên 90% và không còn nhà ở tạm bợ. Điều đáng nói, khi trở về địa phương, nhiều lao động đã đóng góp một phần tiền kiếm được để chung tay xây dựng quê hương bằng hình thức nâng cấp đường làng, ngõ xóm, các công trình phúc lợi, công cộng...
 
Thành công từ hoạt động XKLĐ của xã Nhân Trạch sẽ là động lực thúc đẩy người dân ở các xã vùng biển trên địa bàn tỉnh mạnh dạn tham gia XKLĐ, nhất là sau sự cố ô nhiễm môi trường biển vào năm 2016. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để XKLĐ đạt hiệu quả cao hơn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, chính quyền xã Nhân Trạch cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức về công tác XKLĐ thông qua các tổ chức hội, đoàn thể. Bên cạnh đó, địa phương cần quan tâm hướng dẫn người dân hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để được vay vốn XKLĐ theo chủ trương của Nhà nước. Đồng thời, xã cũng cần tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu và tuyển lao động tới các thôn, xóm nhằm giúp người dân nắm rõ thông tin về thị trường lao động, doanh nghiệp được phép tuyển dụng và tránh tình trạng lừa đảo XKLĐ.
 
Thùy Lâm
,