.

'Lương hưu cho ngư dân', vì sao chưa hấp dẫn?

.
09:10, Thứ Ba, 27/03/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Với gần 2.000 chiếc tàu đánh bắt ở vùng biển xa cùng lực lượng lao động lên đến 12.000 người có thu nhập ổn định, ngư dân tỉnh ta là đối tượng tiềm năng để phát triển số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Lợi ích đã được nhìn thấy, nhưng “lương hưu cho ngư dân”, vì sao vẫn chưa hấp dẫn?
 
Ngư dân tham gia còn “èo uột”...
 
Bà Phạm Thanh Phúc, Trưởng ban Kinh tế, Hội Nông dân tỉnh cho biết, thực hiện chương trình phối hợp, đầu năm 2017, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với BHXH tỉnh xây dựng thí điểm hệ thống đại lý thu BHXH tự nguyện và BHYT do Hội Nông dân quản lý; đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động. Nhờ đó, nhiều hội viên nông dân, ngư dân đã biết đến BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu lúc về già. Tuy nhiên, hiện tại, số lượng nông dân, đặc biệt là ngư dân, tham gia còn rất khiêm tốn, “èo uột”.
 
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ, BHXH tỉnh cho biết, trước đây, ngư dân thuộc nhóm không có cơ hội hưởng lương hưu vì có những quy định vượt tầm của họ, nhưng kể từ năm 2016, BHXH tự nguyện có sự mở rộng đối tượng tham gia theo hướng không khống chế tuổi trần; đồng thời hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng, đa dạng hóa các phương thức đóng và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng loại hình bảo hiểm này. Khi tham gia BHXH tự nguyện, những người thuộc diện lao động tự do, trong đó có nông dân, ngư dân..., được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân, gia đình để hưởng các chế độ theo quy định, góp phần bảo đảm cuộc sống khi về già.
Ngư dân là đối tượng tiềm năng để phát triển số lượng người tham gia BHXH tự nguyện.
Ngư dân là đối tượng tiềm năng để phát triển số lượng người tham gia BHXH tự nguyện.
Theo ông Tuấn, tỉnh ta hiện có trên 5.166 người tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên, phần lớn trong số này là người lao động có đóng BHXH bắt buộc và đóng thêm để đủ số năm nhận lương hưu; còn số người thực sự tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp, đặc biệt là đối tượng ngư dân hầu như chưa có...
 
Vì sao BHXH tự nguyện chưa “hút” ngư dân?
 
Tham gia BHXH tự nguyện, những người không có hợp đồng lao động, trong đó có ngư dân..., sẽ được hưởng lương hưu, bảo đảm cuộc sống khi về già. Đây là một chính sách an sinh xã hội rất nhân văn của Đảng và Nhà nước, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều người dân, đặc biệt là ngư dân, vẫn chưa hiểu hoặc còn mơ hồ về loại hình bảo hiểm này. Tìm hiểu ở một số xã vùng biển trên địa bàn huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, TP. Đồng Hới..., chúng tôi nhận thấy, mặc dù BHXH tỉnh đã tuyên truyền các chính sách, chế độ của các loại bảo hiểm đến với ngư dân, nhưng mức độ tuyên truyền chưa thật sự sâu rộng, nên phần lớn ngư dân vẫn chưa hiểu và quan tâm tới loại hình bảo hiểm mang tính ưu việt này.
 
Ngư dân Nguyễn Tuấn Anh, chủ một tàu cá đánh bắt xa bờ ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) cho biết, tàu cá của anh có hơn 10 lao động, mỗi tháng đều có thu nhập từ 5 đến 10 triệu đồng. Từ trước đến nay, tàu của anh chỉ mua các loại bảo hiểm, như: thuyền viên, tàu cá, bảo hiểm nhân thọ..., còn loại hình bảo hiểm để được hưởng lương hưu thì anh vẫn chưa nghe thấy.
 
Xã Đức Trạch (Bố Trạch) có 230 tàu cá đánh bắt xa bờ với 1.700 lao động thường xuyên hoạt động. Lực lượng lao động đông và có thu nhập khá cao (từ 10 đến 18 triệu đồng/tháng/người), nhưng hầu hết các chủ tàu và ngư dân ở Đức Trạch vẫn chưa có ai tham gia BHXH tự nguyện. Ông Trương Công Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch (Bố Trạch) cho biết, vừa qua, BHXH huyện Bố Trạch có kế hoạch phối hợp với UBND, Hội Nông dân xã để tổ chức triển khai vận động các chủ tàu, ngư dân tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên, đến hiện tại, công việc vẫn chưa triển khai được. “Nếu BHXH tự nguyện được triển khai ở Đức Trạch, tôi nghĩ sẽ có nhiều chủ tàu và ngư dân tham gia. Bởi lẽ, phần lớn các chủ tàu và ngư dân lao động trên những tàu cá đánh bắt xa bờ hiện nay ở Đức Trạch đều có nguồn thu nhập khá cao và ổn định. Nhiều người cũng mong muốn để dành lại một khoản thu nhập cho cuộc sống khi về già để không phải phụ thuộc vào con cái. Vấn đề còn lại là làm sao để ngư dân thấu hiểu được những lợi ích thiết thực của loại hình BHXH tự nguyện này để tham gia”, ông Hoạt nhận định.
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ BHXH tỉnh chia sẻ, ngành BHXH cũng xác định ngư dân là một đối tượng tiềm năng để phát triển số lượng người tham BHXH tự nguyện. Hiện, BHXH tỉnh đang tích cực phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ là các tổ chức chính trị, xã hội gần gũi nhất với bà con ngư dân để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện. Đồng thời, BHXH tỉnh chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố cử cán bộ có năng lực, trình độ về các xã vùng biển để làm công tác hướng dẫn, tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên, cũng như mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH tự nguyện tại các xã, thôn ở vùng biển để tuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện và hỗ trợ ngư dân các thủ tục tham gia BHXH tự nguyện. “Nếu làm tốt những điều nêu trên, chúng tôi tin rằng, khi nhận thấy những lợi ích thiết thực từ chính sách an sinh xã hội nhân văn này của Đảng và Nhà nước, ngư dân sẽ nhiệt tình tham gia”, ông Tuấn nói.
Những điểm mới cho người tham gia BHXH tự nguyện:
 
Luật BHXH năm 2014 đã mở ra rất nhiều chính sách thuận lợi cho người dân tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, mọi công dân Việt Nam đủ từ 15 tuổi trở lên, nếu không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, đều có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện và pháp luật hiện hành không quy định trần tuổi đóng BHXH tự nguyện. Mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu cũng được hạ từ 22% mức lương cơ sở xuống còn bằng 22% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn; tức là người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng ít nhất 154 nghìn đồng/tháng.
 
Ngày 26-12-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg, trong đó đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH nói chung, trong đó có BHXH tự nguyện. Theo đó, từ ngày 1-1-2018, tất cả những người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH bằng 10% của mức đóng theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn, từ 15.400 đồng/tháng. Trường hợp người lao động thuộc diện cận nghèo thì mức hỗ trợ 25% (tương ứng với 38.500 đồng/tháng); người lao động thuộc diện nghèo thì mức hỗ trợ là 30% (tương ứng 46.200 đồng/tháng).
Phan Phương
,