.

"50 năm vẫn nhớ vị bánh chưng ngày ấy"

.
12:22, Thứ Bảy, 24/02/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ mùa xuân đầu tiên những đứa trẻ K8 ăn cái Tết đầy kỷ niệm tại quê hương thứ hai của mình, nhưng ký ức trong họ vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Và nỗi nhớ lại tràn về đong đầy hoài niệm mỗi khi Tết đến, dẫu ai cũng đã đi qua quá dốc đời người. 
 
Những năm 1966 - 1968, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, tăng cường khủng bố, tàn phá miền Nam. Khu vực Vĩnh Linh và Quảng Bình là nơi bị địch đánh phá ác liệt nhất, trở thành “tọa độ lửa”. Người dân tuyến lửa đã phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom, đạn. Xóm làng bị cày nát bởi sự khốc liệt của chiến tranh. Cuộc sống của nhân dân chuyển hẳn xuống hầm hào, địa đạo. Những lớp học diễn ra trong tiếng bom rơi, đạn nổ.
 
Nhận định chiến tranh còn kéo dài, Trung ương Đảng đã đề ra Kế hoạch (K8), triển khai từ tháng 8-1966, nhằm di dân ra khỏi vùng chiến sự ác liệt, giảm mật độ dân số ở tuyến lửa. Với kế hoạch này, khoảng 3 vạn các em nhỏ (từ 5 đến 15 tuổi) ở vùng chiến tuyến Vĩnh Linh, Quảng Bình cần được sơ tán ra các tỉnh phía Bắc. Mục đích của K8 là gìn giữ lực lượng, bảo đảm cho lực lượng ở lại chiến đấu yên lòng đánh giặc. Trên những cung đường đầy bom đạn, những đôi bàn chân bé nhỏ vẫn ngày đêm mải miết di chuyển, không ít người đã hy sinh và hàng chục em nhỏ mãi mãi không bao giờ trở về.
Ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch Hội Di sản VHVN tỉnh cùng người mẹ nuôi của ông tại xã Định Tăng, Yên Định, Thanh Hóa.
Ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch Hội Di sản VHVN tỉnh cùng người mẹ nuôi của ông tại xã Định Tăng, Yên Định, Thanh Hóa.
Phần lớn các em học sinh K8 Quảng Bình đều được ra sơ tán tại tỉnh Thanh Hóa. Ngày đó, để đến được địa điểm cuối cùng, hầu hết các đoàn đều phải đi mất cả tháng trời. Đến nơi, mỗi gia đình đón một hoặc hai em nhỏ về nhà, chăm sóc và cho các em ăn học như chính con cái trong gia đình mình. Cuộc sống của những học sinh K8 bắt đầu từ đó - một cuộc sống bình yên giữa khói lửa chiến tranh. Đến hôm nay, nửa thế kỷ trôi qua, những học sinh K8 ngày nào giờ người còn, người mất, nhưng có lẽ những tháng ngày gian khó ấy sẽ là ký ức mãi mãi không bao giờ quên. Khó khăn, thử thách thời chiến đã rèn đúc nên những con người biết vươn lên trong nghịch cảnh cuộc đời, tựa như “thép ở ngàn độ lửa”. Để hôm nay, dẫu đang ở vị trí nào trong xã hội, họ vẫn coi đó như một phần ý nghĩa của cuộc đời.
 
Tết Mậu Tuất 2018 năm nay với ông Lê Hùng Phi, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh thật nhiều ý nghĩa. Bởi nó gợi nhớ cho ông về cái Tết của cách đây tròn 50 năm – Tết Mậu Thân 1968 – cái Tết đầu tiên và cũng là duy nhất ông ăn Tết tại quê hương thứ hai của mình – xã Định Tăng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ngày ấy, ông là một trong hơn 3 vạn học sinh Quảng Bình, Vĩnh Linh đi sơ tán theo kế hoạch K8 lịch sử. Ông kể: “Thời điểm ấy, tôi chỉ mới là cậu bé học sinh lớp 4, nên cuộc sống của lần đầu xa nhà chất đầy nỗi nhớ. Sau những ngày được bà con nơi ấy cưu mang, động viên, chia sẻ, những đứa trẻ như chúng tôi cũng tập quen dần với cuộc sống đó. Vậy nên, dù chỉ gắn bó một thời gian ngắn, nhưng tôi có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc với mảnh đất Định Tăng, nhất là gia đình tôi đã sống”.
 
Kỷ niệm mà ông Lê Hùng Phi nhớ nhất là cái Tết năm 1968 khi lần đầu tiên cậu bé lên 10 ăn Tết xa nhà. Nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ cha càng da diết hơn khi Tết đến, xuân về. Vậy nhưng, dẫu giữa những thời khắc chiến tranh, đói khổ, học sinh K8 vẫn đón một cái Tết đậm nghĩa tình, dẫu chỉ đơn giản với bánh chưng, dưa hành. Và dù thiếu thốn đủ bề, những người dân quê nơi ấy vẫn cố gắng bù đắp cho những đứa trẻ như ông ngày đó có được một cái Tết đủ đầy nhất. Ông bảo, mình bắt đầu biết gói bánh chưng là nhờ cái Tết đặc biệt ấy. Và 50 năm qua, cứ hễ mỗi khi Tết đến, xuân về, những khi nâng niu chiếc bánh chưng ngày Tết, ông vẫn không thể quên được vị bánh chưng năm ấy – vị bánh được gói ghém bằng tất cả tình thương, sự sẻ chia của những người dân quê chất phác.
Đón những học sinh K8 ngày trở về.
Đón những học sinh K8 ngày trở về.
Suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, những “đứa con K8” đã được những người cha, người mẹ thứ 2 nuôi nấng, bảo bọc bằng tất cả tình thương yêu. Dẫu cuộc sống còn lắm vất vả nhưng họ đã nhường cơm, sẻ áo, chăm sóc những đứa con nuôi trong bao lần đau ốm hay an ủi, vỗ về mỗi khi nhớ nhà, nhớ quê. Cuộc sống thời chiến vốn đã thiếu thốn, nhưng dẫu thế, nghĩa tình người dân miền Bắc vẫn luôn dành trọn cho những đứa con của miền Nam ruột thịt là thế. Ông Nguyễn Văn Dưỡng, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Bình tại thành phố Hồ Chí Minh, quê ở xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh nhớ lại khoảng thời gian đầy kỷ niệm ấy: “Năm 1968, tôi được một gia đình ở xã Yên Thịnh, huyện Yên Đình, Thanh Hóa nhận nuôi. Tết năm 1969, tôi đón Tết xa quê. Tình yêu thương mà gia đình ấy dành cho đứa con K8 như tôi sâu sắc lắm. Tết năm đó, khi biết tôi nhớ ba mẹ, nhớ Tết quê ở nhà nên dù ở Thanh Hóa họ chỉ gói bánh chưng ăn Tết nhưng vẫn gói riêng cho tôi một cái bánh tét, để tôi hưởng cái hương vị Tết quê hương mình. Ngày đó còn nhỏ, tôi chưa hiểu hết giá trị của hành động ấy nhưng sau này lớn lên, mỗi khi nhớ về kỷ niệm ngày cũ, tôi hiểu, đó không chỉ là sự sẻ chia, mà còn là tình thương như ruột thịt dành cho đứa trẻ xa nhà”. 
 
Sự gắn bó trong chiến tranh, đói khổ vẫn là ký ức đẹp trong mỗi người con K8. Vậy nên, khi trưởng thành, có điều kiện, họ lại trở về thăm nơi chốn ấy như một lần được vỗ về những ký ức tuổi thơ. Và những khi Tết đến, xuân về là một lần họ như được trở về ngày cũ với mùi bánh chưng thơm nồng, với tình người trao gửi thiêng liêng.
 
Diệu Hương
,