Quảng Bình, "Với miền Nam đêm nào cũng thức"

  • 08:59 | Thứ Ba, 29/04/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà thơ Tố Hữu từng có bài thơ Sông Gianh ngắn gọn chỉ có 6 câu, 42 chữ, trong đó 4 câu cuối như sau: “Xe ra tuyến lửa, chật phà/Đạn bom gào rú, máu pha đỏ dòng/Trưa nay, cầu vút qua sông/Chợt nghe ai gọi bên lòng: “Phà ơi!”.”
 
Câu thơ gợi nhớ một thời Quảng Bình đồng nghĩa với “tuyến lửa”. Đó là thời, cả nước tất cả hành quân, tất cả thành chiến sĩ, “đường ra trận mùa này đẹp lắm” (thơ Phạm Tiến Duật). Sông Gianh, phà Gianh trên quốc lộ 1A là một trọng điểm đánh phá của máy bay, tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của đế quốc Mỹ, xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học, trong đó có bài thơ của Tố Hữu.
 
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi có bài thơ Lá đỏ, viết năm 1974 ở rừng Trường Sơn, đã được phổ nhạc thành bài hát cùng tên, trong đó có 4 câu thơ: “Ðoàn quân vẫn đi vội vã/Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa/Chào em, em gái tiền phương/Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn”. Vâng, từ đất lửa Quảng Bình, qua tuyến lửa Quảng Bình, các anh, các chị hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn. Hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.
Người dân Đồng Hới góp đá thi công cầu Dài, năm 1973.      Ảnh: Tư liệu
Người dân Đồng Hới góp đá thi công cầu Dài, năm 1973. Ảnh: Tư liệu
Từ năm 1965-1975, Quảng Bình hứng bom rơi đạn nổ. Những tháng đầu năm 1965, Quảng Bình không ngày nào là không có tiếng máy bay Mỹ gầm rú và tiếng bom rơi, đạn nổ. “Đường vào Nam cứ thay đổi dần. Chiến tranh như dầu loang. Những ngôi nhà đổ nát, những chiếc cầu bị đánh sập, những cột điện nghiêng ngả, oằn xuống. Duy chỉ có bầu trời là nguyên vẹn” (Xẻ dọc Trường Sơn-Hồi ký của Nguyễn Hải Thoại).
 
Cứ thế, suốt hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, cán bộ và nhân dân quê hương “Hai giỏi” kiên cường “Địch phá ta sửa ta đi”, “Địch lại phá, ta lại sửa ta đi”. Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
 
Những năm tháng ấy, trên các tuyến đường giao thông huyết mạch không chỉ có bộ đội mà còn có lực lượng thanh niên xung phong (TNXP). Tỉnh Quảng Bình đã huy động hàng nghìn thanh niên vào lực lượng TNXP chống Mỹ bổ sung cho ngành Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Bình để bảo đảm giao thông.
 
Cả nước nói chung, tuyến lửa Quảng Bình nói riêng thực sự sôi động. “Bộ đội dân quân, trùng trùng điệp điệp/Chào nhau không kịp nhớ mặt/Dô hò nón vẫy theo/Hàng ngũ ta đi dài như tiếng hát” (Đường ra mặt trận, thơ Chính Hữu). Theo hồi ký của ông Lại Văn Ly, nguyên Trưởng ty GTVT Quảng Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBHC tỉnh Quảng Bình, hồi ấy, Quảng Bình có phương châm: “Xe chưa qua nhà không tiếc”, “Đường chưa thông, không tiếc máu tiếc công”.
 
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, một nhà thơ quê Lệ Thủy, Quảng Bình từng viết: “Họ lặng thầm thách thức với thời gian/Bằng chính trái tim kiên tâm người thợ/Họ kéo lên bờ những lá buồm mục nát/Mảnh tàu chìm và cả những mảnh bom” (Con tàu vét).
 
Trên tuyến đường 12A, đường “Hai mươi Quyết Thắng”, bến phà Gianh, Nhật Lệ... nhiều tấm gương bộ đội, TNXP hy sinh anh dũng. “Tên con đường là tên em gửi lại/Cái chết em xanh khoảng-trời-con-gái/Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em/Gương mặt em, bạn bè tôi không biết/Nên mỗi người có gương mặt em riêng!” (Khoảng trời, hố bom). Bài thơ này Lâm Thị Mỹ Dạ sáng tác năm 1972 trên đường Trường Sơn, sau Chiến dịch Thành cổ, Quảng Trị.
Hiếm có nơi nào nhiều nghĩa trang TNXP như trên đất Quảng Bình, trong đó có địa danh Hang TNXP từ lâu đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước. “Nơi đá hóa địa danh lịch sử/Dọc đường mòn bao phế tích hằn sâu/Những bia mộ không một dòng địa chỉ/Như chấm than lơ lửng mãi trên đầu.” (Hang tám cô, thơ Lê Đức Nghinh)...
 
Các nhà văn nổi danh quê Quảng Bình như Hữu Phương, Nguyễn Thế Tường, Hoàng Thái Sơn, Hoàng Bình Trọng... có nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng, cảm hứng chủ đạo về tình yêu đất nước nói chung, quê hương Quảng Bình nói riêng.
 
Nhà thơ Trường Sơn, Phạm Tiến Duật từng là người lính lái xe nối liền các binh trạm trên tuyến đường Trường Sơn. Ông có nhiều bài thơ nổi tiếng, đã được phổ nhạc, trong đó có bài Trường Sơn đông, Trường Sơn tây, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Cô gái Thanh niên xung phong, Lửa đèn... “Ðông sang Tây không phải đường như/Ðường chuyển đạn và đường chuyển gạo/Ðông Trường Sơn, cô gái “ba sẵn sàng” xanh áo/Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh” (Trường Sơn đông, Trường Sơn tây). “Không có kính, rồi xe không có đèn/Không có mui xe, thùng xe có xước/Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/Chỉ cần trong xe có một trái tim” (Bài thơ về tiểu đội xe không kính).
 
Đường ra trận không chỉ có bộ đội và chuỗi cung ứng hậu cần (lương thực, đạn dược, vũ khí...); trên đất Quảng Bình còn có hàng vạn TNXP, dân công hỏa tuyến. Xuân Hoài trong bài thơ Trên đèo Mụ Giạ, đồng cảm khó khăn gian khổ của nữ TNXP: “Khe Ve, La Trọng: Đồn sơn cước/Một Bãi Dinh nằm nhớ ngã ba/Mụ Giạ chon von mây trắng phủ/Rét mùa đông đọng giá Lao-qua”.
 
Cuộc sống chiến đấu của họ rất khẩn trương: “Sớm mai vốc nước bên bờ suối/Hơi mát chưa tan lòng bàn tay/Kẻng gác đã dồn tin báo động:/Súng trường trên đá khoác vai ngay!”. Phương châm hành động thời đó: “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. “Như cả nước/Với miền Nam/Đêm nào cũng thức...” (Ngọn đèn đứng gác, thơ Chính Hữu).
 
Ngày 10/3/1975 tiếng súng mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã nổ ở Buôn Mê Thuột. Những tuyến đường Bắc-Nam, trên bộ, dưới biển, trên không... đã mở rộng vươn dài theo đà chiến thắng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy.
 
Trong những tháng ngày đầu năm 1975 ấy, trên tuyến đường 1A qua Quảng Bình, những đoàn xe ùn ùn chuyển động vào ra, ngày thì mịt mù khói bụi, đêm thì đèn pha sáng loáng như cả một đường phố di động qua Quảng Bình. Bến cảng Nhật Lệ tàu thuyền nườm nượp đi về.
Tháng 4/1975, khi cuộc tổng tiến công phát triển nhanh, các binh trạm của Đoàn 559 lật cánh về phía Đông để hoạt động. Các bến phà Roòn, Gianh, cầu Dài, Quán Hàu (trên quốc lộ 1A) Xuân Sơn, Long Đại (trên quốc lộ 15A) đều đồng loạt bắc cầu phao, cảng Đồng Hới và cảng Gianh tấp nập tàu thuyền của cả miền Bắc hối hả dồn hàng chi viện ra tiền tuyến.
 
Nhà thơ Vũ Cao từng viết: “Những đồng chí lái xe chở hàng ra tuyến lửa/Chống đỡ triệu cân bom quyết giữ mỗi cân hàng/Mỗi cột số qua nhìn lên phía trước/Thấy gần thêm trời biển ấy: Miền Nam!”, “Xe đi, xe đi về dãy Trường Sơn/Như hàng vạn hùng binh xốc vào trận đánh/Những vòm lá ngụy trang trập trùng vỗ cánh/Giục giã bánh xe lăn trên những tuyến đường” (Người gác cầu).
 
Tất cả các loại phương tiện vận tải của Bộ Tổng tham mưu, của Đoàn 559, của Quân khu IV, của Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) và tỉnh Quảng Bình được huy động tổng lực ngày đêm lăn bánh phục vụ cho cuộc hành quân thần tốc, bảo đảm cho “Đại thắng Mùa Xuân 1975 lịch sử”.
 
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng tiến công làm chủ Dinh Độc lập. Tổng thống Dương Văn Minh cùng hầu hết những nhân vật chủ chốt nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện.
 
Sau này, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn vẫn xúc động khi nhớ lại: “Vào giờ phút vô cùng thiêng liêng ấy, trong tôi hiển hiện bóng dáng đoàn “Tuấn mã Trường Sơn”, những người lính Trường Sơn làn da dãi dầu nắng gió, quân phục nhuốm đỏ bụi đường chở quân tiến công dũng mãnh, cùng lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 làm chủ Dinh Độc lập, hang ổ cuối cùng của địch” (Hồi ký Đường xuyên Trường Sơn, trang 370).
 
Có thể nói, trong những binh đoàn làm nên chiến thắng lịch sử ấy của Thời đại Hồ Chí Minh, có đội ngũ những nhà văn, nhà thơ “vóc ngang tầm chiến lũy” (thơ Chế Lan Viên).
 
Ngoài những bài thơ (đã dẫn), còn có các bài thơ Đắp đường (Phạm Sỹ Đại), Chấm phá đèo Khe Nét (Trinh Đường), Lá thư từ Cổng Trời (Minh Hiệu), Bài thơ tình trên sông Nhật Lệ (Nguyễn Đình Hồng), Viết trên đường 20 (Xuân Quỳnh), Đường xuyên Trường Sơn (Diệp Minh Tuyền), Tiếng hát các cô thanh niên xung phong (Phạm Thu Yến), Khe Nét (Tạ Hữu Yên)...
 
Tác phẩm của họ mang âm hưởng chủ đạo tình yêu thiêng liêng với Tổ quốc, khát vọng thống nhất đất nước; tình nghĩa đồng bào, đồng chí; tình nghĩa quân-dân, hậu phương-tiền tuyến, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
Ngô Đức Hành

tin liên quan

Gom nắng mùa gặt

(QBĐT) - Mỗi khi tháng tư chạm ngõ, lòng tôi lại dậy lên nỗi nhớ da diết về những mùa gặt năm xưa nơi quê nhà. Mùa gặt, mùa của nắng, của mồ hôi, của tiếng cười vang giữa đồng lúa chín, của những bàn tay rám nắng thoăn thoắt gặt lúa, gom rơm. Đó là mùa mà quê tôi đẹp như một bức tranh sống động, đầy ắp âm thanh và màu sắc.

Chương trình nghệ thuật "Đất nước trọn niềm vui"

(QBĐT) - Tối 28/4, tại bến phà Xuân Sơn, thị trấn Phong Nha, UBND huyện Bố Trạch tổ chức chương trình nghệ thuật "Đất nước trọn niềm vui" chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và Quốc tế lao động (1/5). 
 

Triển lãm "Sinh vật cảnh nghệ thuật-ảnh Đồng Hới xưa và nay"

(QBĐT) - Mở đầu chuỗi các hoạt động Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới năm 2025, sáng 28/4, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP. Đồng Hới tổ chức khai mạc triển lãm "Sinh vật cảnh nghệ thuật-ảnh Đồng Hới xưa và nay".