Hòa bình đẹp lắm!

  • 14:49 | Thứ Ba, 29/04/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hòa bình là khi những cánh đồng trải dài tít tắp, yên bình trong nắng mai, những đứa trẻ tung tăng nô đùa trên con đường làng không còn in vết dấu hố bom ngày cũ. Hòa bình là khi những người mẹ không còn ngồi bên bậu cửa ngóng đợi con, là khi những chuyến xe xuôi ngược không còn chở theo những lá thư nhuốm màu chiến trận.
 
Hòa bình không phải là điều hiển nhiên. Nó là một ân huệ, một món quà mà thế hệ hôm nay được thừa hưởng từ bao mất mát của ngày hôm qua.
 
1. Ông Sáu vẫn thường ngồi bên hiên nhà vào mỗi buổi chiều, đôi mắt dõi về xa xăm. Tôi từng hỏi ông, có khi nào ông quên đi những ngày tháng cũ? Ông Sáu cười, nụ cười hiền như đất. Trong cái nhìn lặng im của ông đã chất chứa câu trả lời. 
 
Ông Sáu nhập ngũ khi mới 18 tuổi, ra đi từ một làng quê nghèo, mang theo bầu nhiệt huyết tuổi trẻ và niềm tin mãnh liệt vào ngày độc lập. Ông đã hành quân qua những cánh rừng bom đạn, từng đứng giữa lằn ranh sinh tử trong những trận đánh khốc liệt nhất. “Ngày đó, sống được đến ngày mai đã là một điều may mắn”, ông khẽ thở dài.
Tượng Bác Hồ giữa trung tâm TP. Hồ Chí Minh-thành phố của hòa bình và khát vọng.
Tượng Bác Hồ giữa trung tâm TP. Hồ Chí Minh-thành phố của hòa bình và khát vọng.
Ngày hòa bình. Ông trở về làng với tấm thân đầy vết sẹo. Ban đầu, ông thấy lạc lõng giữa những ngày bình yên. Có những đêm, ông giật mình tỉnh giấc vì tiếng súng vọng về từ quá khứ, thấy mình vẫn đang hành quân qua những cánh rừng hoang hoải, vẫn gọi tên đồng đội giữa mịt mù lửa khói. Với người lính trở về từ trận mạc như ông, đêm dài đằng đẵng. Rồi thời gian cũng xoa dịu dần những vết thương. Có điều, người ta có thể quên đi những thứ tốt đẹp nhưng làm sao quên được những điều đã khảm sâu vào máu thịt. Mỗi mùa tháng tư, ông Sáu vẫn lặng lẽ nhắc về những người đồng đội đã nằm lại đâu đó trên những cánh rừng. Họ đã ra đi khi mùa xuân chưa kịp trở lại, khi đôi mắt vẫn còn ánh lên niềm tin vào ngày hòa bình.
 
Hôm nay, trên mảnh đất đau thương ngày cũ, lúa trổ bông vàng óng, những đứa trẻ vẫn cười rộn rã trên cánh đồng lộng gió. Ông Sáu vẫn ngồi trước hiên nhà, nhấp một ngụm trà nóng, ánh mắt xa xăm dõi về khoảng sân nơi có cây bàng non vừa bén rễ. Nơi chốn này trước vốn loang lổ hố bom. Giờ những gốc cây mọc lên xanh um, phủ lên những đau thương ngày cũ. Ông bảo, mỗi mầm xanh là một minh chứng cho hòa bình-một thứ hòa bình không ồn ào, không khẩu hiệu, mà bình dị trong từng hơi thở của đất. Trong đôi mắt người lính già, bóng chiều hoang hoải lạ. Tôi nhìn ông, chợt thấy lòng mình chùng xuống. Hóa ra, hòa bình là cả một hành trình dài để hàn gắn những vết thương. Và cũng hóa ra, những người lính như ông Sáu-dù đã đi qua bao nhiêu năm tháng rộng dài-vẫn luôn mang trong tim mình những ký ức không thể nào phai.
 
2 . Tôi gặp Minh vào một buổi chiều tháng tư, khi em vừa trở về từ một chuyến đi đặc biệt-chuyến hành trình xuyên Việt để đến với những nghĩa trang liệt sỹ, đến với những vùng đất lịch sử mà trước đây em chỉ biết qua sách vở. Minh bảo, em muốn tận mắt thấy những gì cha ông mình đã trải qua. Muốn hiểu vì sao chúng ta lại có được hòa bình ngày hôm nay?
 
Minh nói với ánh mắt sáng trong, lấp lánh một niềm xúc động. Chuyến đi của cậu thanh niên vừa tròn đôi mươi kéo dài gần một tháng, qua Quảng Trị, Hà Nội, Tây Nguyên, rồi vào đến Côn Đảo. Mỗi nơi em đi qua đều lưu lại trong lòng một câu chuyện, một nỗi niềm. Minh kể, khi đứng trước Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, em đã khóc. Hàng vạn ngôi mộ xếp dài nhưng không phải tất cả đều có tên. Lúc ấy, em mới thực sự thấu hiểu cái giá của hòa bình.
 
Minh bảo, trước đây, em từng nghĩ hòa bình là một điều hiển nhiên. Là những ngày yên bình đi học, đi làm, là những buổi chiều ngồi quán cà phê cùng bạn bè. Nhưng, trong một buổi chiều nắng hanh hao, nơi nghĩa trang rào rạt gió, em nhìn thấy người mẹ gục khóc bên nấm mồ liệt sỹ. Bao nhiêu nước mắt cứ thi nhau chảy trên khuôn mặt già nua, chằng chịt nếp gấp. Bà đã lặng lẽ sống qua năm tháng rộng dài để đợi đến ngày này-ngày “gặp lại” người con trai duy nhất dù không phải bằng xương, bằng thịt. Khi ấy, nỗi đau lẫn hòa vào nước mắt, hạnh phúc xen cả vào tiếng khóc nghẹn ngào.
Khoảnh khắc bình yên nơi trái tim thành phố mang tên Bác.
Khoảnh khắc bình yên nơi trái tim thành phố mang tên Bác.
Chuyến đi khép lại khi Minh trở về nhà vào một buổi chiều muộn. Ánh nắng vàng rót xuống hiên, trải dài trên mảnh sân nhỏ nơi mẹ em đang lui cui tưới những khóm hoa hồng mới nở. Cha em ngồi bên thềm, chậm rãi đọc từng trang báo như một thói quen chẳng đổi thay suốt bao năm. Nhìn họ, bỗng nhiên Minh thấy lòng mình lặng đi. Em đã từng vô tư sống trong những ngày yên bình mà chẳng một lần tự hỏi: Điều gì đã làm nên những tháng năm êm đềm ấy? Minh chợt nhớ đến người mẹ nơi nghĩa trang Trường Sơn, đôi mắt thẳm sâu nước mắt. Và cả những ngôi mộ lặng lẽ không tên…
 
Minh nhận ra: Hòa bình không chỉ được đánh đổi bằng máu xương của những người lính, mà còn bằng cả những giọt nước mắt của những người mẹ. Và hòa bình là một món quà mà thế hệ trẻ như em có trách nhiệm gìn giữ. Nghe Minh nói, tôi bất giác mỉm cười. Hóa ra, vẫn có những người trẻ như em, đang lặng lẽ học cách yêu thương và trân trọng lịch sử. Đi và thấu hiểu cũng là lúc họ đang gìn giữ hòa bình theo cách riêng của mình.
 
3 . Những ngày 30/4 của nhiều năm trước, công viên nhỏ trước cổng Dinh Độc Lập bao giờ cũng là nơi sinh viên báo chí chúng tôi tụ tập, đôi khi chỉ để ngồi lặng ngắm thành phố yên bình trong nắng sớm. Ở đó, qua bao năm tháng, Dinh Độc Lập vẫn trầm mặc cùng thời gian. Góc phố Đồng Khởi, những đôi chim bồ câu tự do bay lượn nơi khoảng sân ngập nắng của nhà thờ Đức Bà. Khung cảnh ấy đẹp và bình yên đến nao lòng. Khi ấy, tôi cảm nhận ngày thống nhất bằng niềm tự hào giản đơn của tuổi trẻ.
 
20 năm sau, trở lại chính nơi này, giữa lòng thành phố yêu dấu vào đúng những ngày tháng tư lịch sử. Tôi đi qua Dinh Độc Lập, lặng lẽ chạm tay vào cánh cổng đã chứng kiến khoảnh khắc lịch sử của dân tộc. Hơi thở của thành phố như hòa vào trong tôi, nhắc nhở tôi rằng hòa bình không phải là một khái niệm xa xôi mà là một điều hiện hữu trong từng nhịp sống, từng hơi thở, từng khoảnh khắc bình yên. Tôi bước đi giữa lòng phố thị, nhìn dòng người qua lại, những đứa trẻ vô tư đùa nghịch bên bờ hồ, những quán cà phê đông đúc tiếng cười. Hòa bình hóa ra bình dị mà thiêng liêng thế!
 
Nó hiện hữu trong buổi sáng bình yên bên tách cà phê. Trong những con đường rợp bóng cây xanh. Trong tiếng cười trẻ thơ vang vọng trên sân trường. Trong những ký ức cũ mà ta nhắc lại bằng tất cả lòng biết ơn. Và tôi tin, chỉ khi biết trân trọng những điều giản dị ấy, chúng ta mới thực sự hiểu được ý nghĩa của hai chữ “hòa bình”.
 
Như có lần, ông Sáu bảo tôi:“Hòa bình đẹp lắm! Hòa bình là một món quà vô giá, là khi ta có thể tự do mơ ước và sống cuộc đời mình mà không sợ điều gì”. 
Diệu Hương

tin liên quan

Tết Thống Nhất của ba tôi

(QBĐT) - Ấu thơ của anh em chúng tôi chỉ biết đến hai cái Tết. Tết Nguyên đán để được may áo mới, vui xuân lễ hội và ăn ngon. Tết Độc lập-Quốc khánh 2/9 để được tung tẩy cùng bạn bè đi chơi ở thị trấn.
 

Sự tiếp nối văn học đề tài chiến tranh

(QBĐT) - Chiến tranh chống Mỹ kết thúc nhưng văn học về đất nước và con người trong quá khứ ấy dường như vẫn là dòng chảy chưa hề ngưng lại trong hòa bình. 

Quảng Bình, "Với miền Nam đêm nào cũng thức"

(QBĐT) - Nhà thơ Tố Hữu từng có bài thơ Sông Gianh ngắn gọn chỉ có 6 câu, 42 chữ, trong đó 4 câu cuối như sau: "Xe ra tuyến lửa, chật phà/Đạn bom gào rú, máu pha đỏ dòng/Trưa nay, cầu vút qua sông/Chợt nghe ai gọi bên lòng: "Phà ơi!"."