Mùa nhớ

  • 06:57 | Chủ Nhật, 20/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là dấu gạch nối giữa mùa hè nóng bức và mùa đông lạnh giá, mùa thu dịu dàng với “mưa bay gió nhẹ” dễ gợi cho lòng người nhiều cảm xúc, hoài niệm.
 
Không lộng lẫy kiêu sa, rực rỡ sắc hoa như mùa xuân, không đỏng đảnh, nắng mưa bất chợt như mùa hè hay lạnh giá như mùa đông, mùa thu như một cô gái yểu điệu, trầm tính và quyến rũ. Có lẽ vì vẻ đẹp của màu nắng vàng ươm, trời cao xanh… mà sắc thu trở thành nét chấm phá thơ mộng nhất trong thơ ca, hội họa Việt Nam từ xưa đến nay.
 
Thường thì người ta nghĩ về mùa thu là mùa đẹp nhưng gợi buồn, nỗi buồn đôi khi khó gọi thành tên, giải thích thành lời để rồi có những tác phẩm thơ, nhạc đặc sắc, như: Tiếng thu (Lưu Trọng Lư), Đây mùa thu tới (Xuân Diệu), Mùa thu cho em (Ngô Thụy Miên), Thu quyến rũ (Đoàn Chuẩn-Từ Linh), Nhìn những mùa thu đi (Trịnh Công Sơn)… Thế nhưng mùa thu còn là mà vui, mùa khởi đầu khi các cô, cậu học trò xúng xính quần áo, cặp sách đến trường trong tiếng cười giòn tan và cả sự háo hức chờ đợi được khám phá bao điều hay từ những bài học mới. Và chắc chắn ai trong mỗi chúng ta cũng có những lần bồi hồi nhớ về ngày tựu trường của những mùa thu qua.
 
Làng tôi giờ đã lên phố, song ký ức về làng với rộng đồng, dòng sông vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí, nơi tuổi thơ tôi trải qua êm đềm từ những ngày mới bập bẹ thanh âm đầu đời. Nhớ về làng là nhớ đến chợ. Chợ quê ngày thường chủ yếu bày bán cây trái vườn nhà, cá tôm đánh bắt từ sông, không tấp nập người mua, kẻ bán như chợ phố. Thế nhưng vào những ngày đầu thu, chợ quê trở nên sôi động bởi tiếng cười nói râm ran của lũ trẻ khi được mẹ dắt theo tìm mua áo mới, sách vở, bút mực…
 
Mỗi mùa thu, mùa tựu trường đi qua với tôi là mùa nhớ, mùa mà những ký ức mãi xanh theo thời gian. Nhớ cái cảm giác thích thú xen lẫn lo âu khi lần đầu tiên được mẹ dắt tay đến trường, được chứng kiến một không gian đầy sắc màu của cờ, hoa và rộn ràng lời ca, tiếng hát. Những ngày trước khai giảng, mẹ đã dặn dò tôi rất kỹ rằng phải ngoan, giỏi, nghe lời cô giáo… song vì bản tính nhút nhát nên ngày đầu tiên đến trường, tôi cứ bíu chặt lấy tay mẹ.
 
Quãng đường từ cổng vào sân trường với tôi ngày ấy như dài thêm bởi nỗi lo phải xa mẹ cứ canh cánh bên mình. Ấy vậy mà vừa gặp cô giáo, mẹ đã vội vàng giao tôi cho cô rồi bước nhanh về phía trước. Tôi ngoái đầu nhìn theo mắt nhòa lệ. Xung quanh tôi, nhiều cô bé cũng khóc nhè, có đứa còn ngồi bệt xuống đất níu lấy chân mẹ...
 
Khi đã xếp hàng ngay ngắn, nhìn sang lớp bên thấy mẹ đang chỉnh sửa áo quần cho các bạn nhỏ, tôi vội vàng chạy tới gọi mẹ. Những tưởng sẽ được mẹ ôm vào lòng vỗ về, an ủi, nhưng ngược lại, mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt nghiêm nghị và nói: “Con về lớp ngay, nếu không sẽ bị cô giáo phạt” rồi mẹ lại ân cần với những học sinh của mình. Chưa biết phải làm như thế nào để giành lấy mẹ thì cô giáo chủ nhiệm đến nhìn tôi mỉm cười, khen tôi ngoan, giỏi, gọi tôi là cô bé can đảm… rồi dắt tôi về lớp. Vừa đi, cô vừa chỉ tôi xem các anh chị lớp trên đang sắp xếp đội hình để chuẩn bị biểu diễn văn nghệ. Lời khích lệ của cô khiến tôi cảm thấy yên tâm hơn và ngoan ngoãn xếp hàng cùng các bạn.
 
Bài học đầu tiên trong cuộc đời học sinh là được cô giáo chỉ cho cách ngồi đúng tư thế, cách cầm bút và nhắc nhở chúng tôi gìn giữ sách vở cẩn thận. Cô giáo chủ nhiệm cũng trạc tuổi mẹ tôi, lúc nào cũng tươi cười, nhỏ nhẹ. Cô thương đám học trò như con. Ngày ấy, trò chơi phổ biến của chúng tôi là đuổi bắt nhau. Địa điểm chơi là gốc cây phượng già, cây bàng trong sân trường ngay trước lớp học. Đứa này chỉ cần túm được áo của đứa kia là kéo thật mạnh nên rất dễ bị rách áo. Biết vậy, cô luôn chuẩn bị sẵn kim, chỉ để khâu từng vết rách trên áo cho học trò. Đứa nào lỡ bị xây xước trong lúc nô đùa đều được cô ân cần rửa vết thương, động viên an ủi bằng những lời dịu ngọt và ánh mắt trìu mến.
 
Mỗi lần chuẩn bị đón năm học mới, không chỉ lũ trẻ chúng tôi hồi hộp, nôn nao mà bậc làm cha, làm mẹ cũng tất bật lo toan đến mất ngủ. Để có tiền mua sắm sách vở, quần áo cho chị em tôi, hàng đêm mẹ phải thức khuya, dậy sớm làm thêm món bánh khoai, bánh sắn cho kịp phiên chợ sáng. Thỉnh thoảng cha lại hỏi: “Con bé còn thiếu mấy quyển sách? Thằng út đã có đủ bút, thước hay chưa?”. Rồi khi nhận được câu trả lời từ chị em tôi, cha lại đưa tay nhẩm tính… Mỗi lần thằng út than: “Con muốn thay cặp mới vì cặp cũ đã rách quai, muốn có thêm chiếc áo mới thay cho chiếc áo đã úa màu…” là cha, mẹ lại thở dài, nhìn xa xăm. Và đêm đó cha, mẹ lại thức khuya hơn.
 
Có những đêm tôi giật mình trở giấc vẫn thấy mẹ cặm cụi bên ánh đèn dầu, cẩn thận bao bọc từng quyển sách, vở cho chị em tôi. Mẹ làm việc gấp ba, gấp bốn lần ngày thường để vừa chuẩn bị cho chị em tôi đến trường được tươm tất, vừa lo hoàn thành những trang giáo án để lên lớp truyền dạy kiến thức cho học sinh. Thế nên mỗi mùa thu đến rồi đi, vai mẹ lại gầy thêm bởi phải gánh cả thời gian với bao nỗi lo toan đè nặng.
 
Mỗi lần thu chạm ngõ, tôi lại nhớ về ngày tựu trường với những vui, buồn đan xen. Nhớ lớp học xưa, ngôi trường nhỏ, gốc bàng già… Nhớ cả cái cảm giác lạ lẫm, bỡ ngỡ khi bước chân vào giảng đường đại học. Và nhớ ánh mắt thật buồn của bạn thân cạnh nhà khi không được đến trường vào mùa thu năm ấy.
 
Tháng tám mùa thu gọi về bao kỷ niệm, tháng của những cơn mưa không đủ để ướt áo, còn nắng thì vàng như mật. Đi trong sắc thu lại nao nao nhớ “áo ai bay trắng cả giấc mơ”, thèm được trở lại ngày xưa nhưng chẳng thể.
 
Mùa thu, mùa tựu trường, mùa trăng cổ tích, mùa hoài niệm dấu yêu và là mùa của hương thị, hương hoa sữa nồng nàn nơi đầu làng, cuối phố. Mùa thu không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên mà còn là mùa khởi đầu cho những ước mơ dự định… khi tiếng trống trường ngân vang trong nắng sớm.
Nh.V

tin liên quan