Phát huy "sức mạnh mềm" của văn hóa
(QBĐT) - Thời gian qua, ngành Văn hóa-Thể thao (VH-TT) đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các lĩnh vực công tác, tổ chức tốt nhiều chương trình, hoạt động chào mừng những ngày kỷ niệm, lễ lớn của đất nước và các sự kiện chính trị của địa phương. Qua đó, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Được xem là điểm tựa, có tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, tạo được sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong toàn xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Người dân tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH); thôn, bản, tổ dân phố văn hóa…
Năm 2022, toàn tỉnh có gần 90% gia đình được công nhận GĐVH; 87,8% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa. Nhiều cá nhân, GĐVH tiêu biểu đã trở thành gương điển hình trong xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Năm 2023, toàn tỉnh có 227.909/248.971 hộ gia đình đăng ký xây dựng GĐVH và 1.073/1.137 thôn, bản, tổ dân phố đăng ký đạt danh hiệu văn hóa.
Đặc biệt, hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện văn hóa, như: Hội thi, hội thao, hội diễn, được tổ chức sôi nổi ở khắp các địa phương trên toàn tỉnh, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho người dân. Tiêu biểu là chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc trong Tuần Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội Rằm tháng ba Minh Hóa, Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới, các hoạt động lễ hội trên sông Son (Bố Trạch), lễ hội đua thuyền truyền thống tại các huyện: Tuyên Hóa, Quảng Trạch, TP. Đồng Hới...
Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức thành công Ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc tỉnh Quảng Bình với sự tham gia của gần 370 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ các huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, tôn vinh giá trị văn hóa đặc sắc của các địa phương.
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của văn hóa được quan tâm, đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có thêm 1 di tích lịch sử được xếp hạng di tích cấp quốc gia (mộ và nhà thờ Hoàng Kế Viêm, xã Lương Ninh, Quảng Ninh), 1 di sản được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch ghi vào danh mục di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể quốc gia (lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều, xã Kim Thủy, Lệ Thủy), 1 di tích được xếp hạng cấp tỉnh (trận đánh lịch sử trên sông Gianh ngày 28/4/1965 tại xã Quảng Tiên, TX. Ba Đồn) và thực hiện trùng tu, tôn tạo đối với 3 di tích.
Bên cạnh đó, Sở VH-TT còn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho người dân tại xã Trường Xuân (Quảng Ninh), trao truyền kỹ năng hát tuồng bội Khương Hà cho người dân xã Hưng Trạch (Bố Trạch), tập huấn trao truyền kỹ năng trình diễn múa bông, chèo cạn cho câu lạc bộ (CLB) đàn hát dân ca ở phường Hải Thành (TP. Đồng Hới)…
Hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi nổi. Tiêu biểu là lễ hội chùa Hoằng Phúc (Lệ Thủy), hội rằm tháng ba Minh Hóa (Minh Hóa), lễ hội đập trống của đồng bào Ma Coong (Bố Trạch), hội vật (TX. Ba Đồn)…
Đến nay, 100% thôn, bản, tổ dân phố có các CLB về văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, trong đó có các CLB thuộc loại hình nghệ thuật truyền thống, như: CLB bài chòi, ca trù, hò khoan Lệ Thủy, hát Kiều... Việc các CLB duy trì sinh hoạt và tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa góp phần bảo tồn, phát huy giá trị DSVH phi vật thể của quê hương, nhất là các di sản đã được UNESCO và Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch ghi danh.
Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ. Đến nay, toàn tỉnh có 88/128 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 112 xã đạt tiêu chí 6 (cơ sở vật chất văn hóa), 116 xã đạt tiêu chí 16 (tỷ lệ thôn, bản, ấp đạt tiêu chuẩn văn hóa theo quy định…) trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Điều đáng ghi nhận là các địa phương đã có sự quan tâm, đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Đơn cử như huyện Bố Trạch đã xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp, sửa chữa công trình nhà văn hóa (NVH) cho các địa phương trên địa bàn huyện.
Bà Hồ Thị Thanh Tâm, Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Bố Trạch cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, huyện đã đưa ra các mức hỗ trợ khác nhau, cụ thể: 500 triệu đồng (vùng dân tộc thiểu số), 200 triệu đồng (vùng nông thôn), 175 triệu đồng (các thị trấn) để xây mới công trình NVH; hỗ trợ 185 triệu đồng (vùng dân tộc thiểu số), 70 triệu đồng (vùng nông thôn), 50 triệu đồng (thị trấn) để sửa chữa, nâng cấp NVH.
Qua khảo sát, toàn huyện có 117 công trình NVH cần được xây mới, 41 công trình cần sửa chữa. Riêng trong năm 2023, các địa phương trên địa bàn huyện đang cố gắng triển khai xây mới và sửa chữa 49 công trình NVH (trong đó có 39 công trình được xây mới). Tổng mức kinh phí cho hoạt động này (đến năm 2025) dự kiến là trên 25 tỷ đồng…
Bên cạnh những kết quả đã đạt, công tác đầu tư nguồn lực cho phát triển văn hóa còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/2022/NQ-HĐND, ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025. Thực tế cho thấy, do thiếu kinh phí nên một số địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức, chưa huy động được nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động này.
Nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động, nhất là việc đưa văn hóa về cơ sở, ngành VH-TT đã và đang tập trung nhiều hoạt động, trong đó chú trọng đến việc trình UBND tỉnh dự thảo nghị quyết về hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú; hỗ trợ công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của DSVH trên địa bàn… Tỉnh tiếp tục hoàn thiện hồ sơ khoa học DSVH phi vật thể hát Kiều trên địa bàn tỉnh và hát ru Cảnh Dương (Quảng Trạch) trình Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức triển lãm “Không gian văn hóa các dân tộc vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng”…
Giám đốc Sở VH-TT Nguyễn Thị Bích Thủy cho hay: Một trong những nhiệm vụ mà toàn ngành đã và đang tập trung nguồn lực là triển khai tốt các nội dung của Dự án 06 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Sở VH-TT cũng đề nghị chính quyền các địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn cần có sự quan tâm, xã hội hóa việc hỗ trợ, khích lệ động viên các nghệ nhân dân gian, nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, quảng bá các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn để khai thác phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. |
Nh.V