Để sắc phong không… phôi phai!

  • 08:22 | Chủ Nhật, 12/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hà Tĩnh có 3 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, trong đó văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943) gồm 26 sắc phong do các vua triều Lê, Nguyễn ban tặng; 19 tờ văn bằng, 3 bức trướng bằng lụa. Đối với Quảng Bình, nhà nghiên cứu Hán-Nôm Trương Quang Phúc (phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới) cũng đã dịch gần 130 sắc phong, riêng làng Phù Kinh, huyện Tuyên Chánh xưa cũng đã có tới hơn 10 sắc phong. Nhưng để có một di sản tư liệu được vinh danh lại không hề đơn giản, bởi hầu hết các sắc phong ở tỉnh ta hiện nay được bảo quản ở gia đình, dòng họ theo cách thô sơ, thủ công, điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nguy cơ hư hại, mai một rất lớn.
 
Nhà nghiên cứu Hán-Nôm Trương Quang Phúc năm nay ở tuổi 88, nhưng ông vẫn nhớ rõ từng sắc phong mà mình dịch giúp các gia đình, dòng họ. Theo ông, “kho tàng” sắc phong trên địa bàn tỉnh rất phong phú, đó là chưa kể còn không ít sắc phong còn “lẩn khuất” trong dân gian chưa được biết đến. Sắc phong trên địa bàn tỉnh chủ yếu là sắc phong chức, phong cấp cho các công thần và sắc phong thần cho các thần linh, nhân thần, những bậc hiển thánh (thành hoàng làng).
 
Ông cho biết, không ít sắc phong qua thời gian và cách bảo quản chưa phù hợp nên bị rách, mục nát, rất đáng tiếc. Một số dòng họ đã tìm cách lưu giữ bằng các bản in hiện đại, treo trang trọng trong các nhà thờ họ, nhưng bản gốc thì vẫn rất khó phục hồi nguyên trạng. Thậm chí, có sắc phong do lụt lội, mưa bão bị hư hại gần như toàn bộ.
 
Từ rất lâu, Câu lạc bộ Hán-Nôm tỉnh do ông làm chủ nhiệm đã có các đề xuất để bảo quản những di sản quý giá này. Trước hết, với những gia đình, dòng họ có mong muốn bảo quản, giữ gìn sắc phong, rất mong muốn có nguồn kinh phí hỗ trợ, được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về bảo quản di sản. Trong trường hợp gia đình, dòng họ mong muốn được trao tặng cho các cơ quan liên quan để tiếp tục bảo tồn các sắc phong, thì rất cần một cơ chế phù hợp.
 
Ông Trương Quang Phúc chia sẻ thêm, sắc phong là văn bản cao quý do vua ban hành để tặng thưởng cho bách thần và các quan viên có công lao với vương triều, đất nước, mang lại sự tự hào cho con cháu và cả quê hương, làng xã. Sắc phong chính là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, rất có ý nghĩa về mặt văn hóa, là một trong những văn bản cổ có giá trị, rất quý của ông cha ta. Việc bảo tồn các sắc phong này đóng vai trò quan trọng trong lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ sau.
Nhiều sắc phong quý trên địa bàn tỉnh đã bị hư hỏng nên rất cần các phương án bảo tồn, gìn giữ.
Nhiều sắc phong quý trên địa bàn tỉnh đã bị hư hỏng nên rất cần các phương án bảo tồn, gìn giữ.

Theo ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh, nhận thức tầm quan trọng của các sắc phong nói riêng, các di sản văn hóa phi vật thể nói chung trên địa bàn tỉnh, Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh luôn động viên, khuyến khích các hội viên tích cực tham gia bảo tồn, phát huy giá trị với nhiều hình thức khác nhau.

Trong đó, Câu lạc bộ Hán-Nôm tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, tham gia dịch thuật các sắc phong trong thời gian tới. Trước thực tế nhiều sắc phong có nguy cơ hư hỏng, mai một theo thời gian, hội cũng đang đề xuất những phương án để bảo tồn, gìn giữ, nhất là đối với những sắc phong còn chưa được biết đến nhiều trong dân gian.

Ông Mai Thế Trung, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho hay, trên địa bàn tỉnh có nhiều sắc phong, hiện thuộc sở hữu của các gia đình, dòng họ. Hầu hết bà con đều mong muốn thờ phụng, trao truyền các sắc phong nên tự bảo quản theo điều kiện mỗi gia đình, dòng họ. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh hiện đang lưu giữ 2 sắc phong phục dựng và không bảo quản bản gốc sắc phong nào.
 
Tuy nhiên, nếu gia đình, dòng họ nào có mong muốn được trao đổi, chia sẻ về cách thức bảo quản sắc phong, đơn vị sẵn sàng hỗ trợ. Tới đây, khi nhiều nội dung chuyển đổi số sẽ được triển khai trong lĩnh vực văn hóa, các sắc phong sẽ là một trong những đối tượng được quan tâm hàng đầu để tiến hành số hóa, lưu trữ dài lâu. Nhưng, trên thực tế, để việc bảo tồn, phát huy giá trị các sắc phong hiệu quả hơn nữa, rất cần sự chung sức của các gia đình, dòng họ, để “kho báu” sắc phong không bị mờ phai.
 
Đề tài nghiên cứu, sưu tầm và dịch về một số tư liệu Hán-Nôm quan trọng có liên quan đến tỉnh Quảng Bình, trong đó có nhiều tư liệu về sắc phong cũng đã được triển khai từ năm 2017. Thời gian tới, rất cần những nghiên cứu chuyên sâu về sắc phong trên địa bàn tỉnh, từ đó, xây dựng các giải pháp dài hơi để bảo tồn hiệu quả và liệu rằng kế hoạch để có một di sản tư liệu được UNESCO công nhận cũng sẽ được triển khai. Bởi theo như chia sẻ của nhà nghiên cứu Hán-Nôm Trương Quang Phúc, một số làng xã ở Quảng Bình còn lưu giữ nhiều sắc phong có giá trị, và nếu như chúng ta không hành động ngay bây giờ, thì có lẽ sẽ không còn nhiều thời gian.
Mai Nhân

tin liên quan

Tìm hiểu lý do Nguyễn Du chọn nhan đề "Bắc hành tạp lục"

(QBĐT) - "Bắc hành tạp lục" là 1 trong 3 tập thơ viết bằng chữ Hán của Nguyễn Du. Theo thời gian, giới nghiên cứu phê bình trong và ngoài nước khám phá thêm một số điều khá thú vị, mới mẻ chung quanh tập thơ nổi tiếng này.

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc tọa lạc tại thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy), là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung được hình thành cách đây hơn 700 năm. 

Mưa Lâm Thủy

(QBĐT) - Vào đầu những ngày tháng 10 hàng năm, xã Lâm Thủy (Lệ Thủy) mưa nhiều.