Về đâu những tiếng mõ trâu!

  • 07:29 | Thứ Sáu, 10/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bạn trẻ bây giờ khó mà nghe được tiếng mõ trâu lộc cộc leng keng, vang lên từ ngoài cánh đồng bạt ngàn lúa chín vào tận con đường làng quen thuộc rợp bóng tre xanh. Thứ âm thanh bình dị mà rất đỗi thân thương ấy đã gắn bó với tuổi thơ chúng tôi-những đứa trẻ nông thôn lớn lên với ruộng đồng, với khoai sắn độn cơm, với cái bụng đói meo thường trực, với đôi chân trần giẫm nát cánh đồng quê.
 
Miền ký ức đong đầy với hình ảnh những cánh đồng vàng trải dài bất tận, dòng sông Kiến Giang trong xanh đôi bờ sóng nước, những khoảng trời mênh mông, thênh thang nắng gió.
 
Ngày xưa nhà ai có trâu là thuộc hạng tầm cỡ, đúng như câu tục ngữ “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Trâu lên rừng, xuống ruộng cùng người nông dân. Những lúc nông nhàn, trâu được nghỉ ngơi, thế là bọn trẻ phải đảm nhiệm trọng trách đi chăn. Chăn ở đâu? Ở gò đồi, triền đê, cánh đồng... Trâu thung thăng gặm cỏ, lũ mục đồng có thời gian và cơ hội tụ tập với nhau, bày ra đủ trò để tiêu khiển, phá phách.
 
Câu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba rèo bò” chắc chắn đúng, ít ra là trong hoàn cảnh này. Nào đánh bi, đánh đáo, nào tát cá, bắt cua, nào chui lủi trong bụi rậm bắt chim, tìm cái ăn, cái chơi... Những trò chơi có sức mê hoặc con người ta đến mức, quên cả trâu. Không biết trâu đi đâu, về đâu, thế là tóa hỏa đi tìm. Tìm ở đâu? Dựa vào đâu để tìm, để nhận biết trâu nhà mình? Ấy là nhờ vào tiếng mõ. Nghe tiếng mõ kêu ở hướng nào thì cứ việc chạy tới hướng đó, ắt sẽ tìm thấy trâu. Đơn giản mà hiệu quả đến không ngờ!
t
Vì lẽ đó nên mỗi con trâu trưởng thành (đặc biệt là trâu đực) đều được trang bị cho một cái mõ. Trâu chưa trưởng thành thì đi cùng mẹ, khỏi cần. Mõ trâu, nhà nào cầu kỳ thì làm bằng gỗ, không thì làm bằng tre. Thường là một khúc gỗ mít đục đẽo thành hình chữ nhật, dài khoảng ba mươi phân, rộng chừng trên dưới mười phân, đục rỗng phía trong theo mặt cắt ngang hình chữ nhật. Phía trong treo vài thanh sắt nhỏ, khi lắc qua lại những thanh sắt này va vào thành mõ gây ra tiếng động.
 
Nếu là mõ bằng tre thì chỉ cần dùng một khúc tre có hai mắt tre bọc hai đầu, chẻ dọc khúc tre để lộ ống tre phía trong, treo dây có vài khúc tre nhỏ, xuyên qua theo chiều ngang mõ. Hai phía đầu mõ có dây để đeo vào cổ trâu. Đó là mõ ngang, mõ dọc thì chỉ cần một phần hai đốt tre, khoét một lỗ nhỏ giữa mắt tre, phía trong treo một thanh tre nhỏ. Sau này có điều kiện, người ta làm mõ trâu bằng kim loại (như cái chuông) phát ra tiếng “leng keng, leng keng” nghe rất vui tai.
 
Ngày đó, mỗi lần mưa to, gió lớn, nước lũ từ thượng nguồn đổ xuống cuộn xoáy cả một dòng sông, dân từ các vùng thấp trũng lại lùa trâu “đi an dưỡng”, tức lên vùng đồi cao để tránh lũ. Mỗi lần như thế, trâu đi chật đường làng, tiếng mõ lốc cốc, leng keng, tiếng chân giẫm huỳnh huỵch của hàng trăm con trâu tạo nên một bản nhạc hỗn độn nhưng thú vị, rộn ràng!
 
Ở thành phố không thấy bóng dáng trâu đã đành, giờ đến cả nông thôn cũng đang ngày một vắng dần hình ảnh của đàn trâu. Mọi việc đã có máy móc thay thế cả rồi, trâu được nghỉ ngơi, không phải cực nhọc, lam lũ như trước nữa. Ngày xưa, nuôi trâu để lấy sức kéo, sức cày, giờ người ta nuôi trâu là để bán cho các lò mổ, làm thịt. Vì vậy, mà tiếng mõ trâu cứ ngày một vắng dần và đến giờ thì hầu như mất hẳn.
 
Về đâu những tiếng mõ trâu!
Đỗ Đức Thuần

tin liên quan

Chuẩn bị hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam

Hội thảo khoa học, chương trình nghệ thuật đặc biệt và phim tài liệu "Văn hóa soi đường quốc dân đi" là 3 hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023).

Quán xuân

(QBĐT) - Mời em ngồi nghe cỏ hát
tháng giêng biếc mắt xuân thì
quán xuân anh vừa ghé đến
giũ lòng sau mỗi thiên di

Tình của biển

(QBĐT) - Giấu không được lòng mình
Biển trào hơi thở
Những ngọn sóng tự ru khúc tình ca
Cho mắt ai tìm mơ mộng…