Tìm hiểu lý do Nguyễn Du chọn nhan đề "Bắc hành tạp lục"

  • 08:17 | Chủ Nhật, 12/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Bắc hành tạp lục” là 1 trong 3 tập thơ viết bằng chữ Hán của Nguyễn Du. Theo thời gian, giới nghiên cứu phê bình trong và ngoài nước khám phá thêm một số điều khá thú vị, mới mẻ chung quanh tập thơ nổi tiếng này. Riêng tôi, tôi cứ băn khoăn về nhan đề tập thơ. Vì lý do gì Nguyễn Du lại chọn đặt “Bắc hành tạp lục” mà không phải là Sứ thi (thơ đi sứ) hay Hoa trình (cuộc hành trình đi sứ Trung Hoa) như những sứ thần khác? Và tôi mạnh dạn đi tìm lời giải đáp.
 
Người sáng tác có nhiều cách đặt tên cho đứa con tinh thần của mình. Người đặt tên trước khi thai nghén tác phẩm. Người chờ con ra đời mới đặt tên. Người thích những cái tên hoa mỹ. Người thích những cái tên bình dị… Thời Trung đại, các nhà thơ nước ta thường chọn đặt nhan đề tác phẩm gắn liền với bút hiệu, như: “Ức Trai thi tập” (Nguyễn Trãi), “Quế Đường thi tập” (Lê Quý Đôn), “Tĩnh Trai thi tập” (Nguyễn Hàm Ninh)…
 
Tập thơ chữ Hán đầu tiên, Nguyễn Du cũng đặt nhan đề kiểu đó “Thanh Hiên thi tập” (Thanh Hiên là bút hiệu của Nguyễn Du). Đến những bài thơ được sáng tác khi vào làm quan ở Huế và Quảng Bình, Nguyễn Du thay đổi cách đặt nhan đề. Nhan đề tập thơ thứ hai là “Nam trung tạp ngâm” (Ngâm nga lặt vặt lúc ở miền Nam)-một kiểu đặt nhan đề hết sức khiêm tốn. Cũng kiểu đặt tên khiêm tốn như thế, đến tập thơ thứ ba gồm những bài thơ được sáng tác chủ yếu trong chuyến đi sứ Trung Hoa, ông đặt nhan đề là “Bắc hành tạp lục”.
 
Không hiểu sao một số bài viết gần đây đều dịch nhan đề này thành: “Ghi chép tản mạn trên đường đi sứ phương Bắc” (Bài “200 năm và những tâm sự của Nguyễn Du trong Bắc hành tạp lục” của Thảo Nguyên, đăng trên báo Dân Trí ra ngày 1/11/2013). Theo tôi, dịch chính xác phải là: “Ghi chép lặt vặt trên đường đi phương Bắc”. Thêm chữ “sứ” vào làm sai lệch dụng ý của nhà thơ.
 
Như ta biết, Nguyễn Du rất cẩn trọng trong việc sử dụng từ ngữ. Khi đặt nhan đề cho tập thơ, tác giả cân nhắc khá kỹ lưỡng. “Tạp” nghĩa là lặt vặt chứ không phải “tản mạn”. Phương Bắc chứ không phải “Hoa trình”. Nhà thơ xem những ghi chép của mình trong chuyến “Bắc hành” chỉ là những thứ lặt vặt mà thôi. Đoàn sứ bộ khởi hành từ kinh đô Huế, ra Thăng Long, lên ải Nam Quan rồi mới sang Trung Hoa, tất cả được Nguyễn Du xem là phương Bắc.
Đại thi hào Nguyễn Du.
Đại thi hào Nguyễn Du.
Đó là lý do trong tập thơ có đến 9 bài viết trên đường từ Thăng Long đến ải Nam Quan. Bài mở đầu “Long thành Cầm giả ca” (Người gảy đàn ở Thăng Long), bài số 9 “Nam Quan đạo trung” (Trên đường qua ải Nam Quan). Bởi không giới hạn thi phẩm này là thơ sứ trình (thơ làm trong hành trình đi sứ) nên tác giả có thể đưa vào những bài sáng tác trong chuyến “Bắc hành” trước thời điểm 1813-1814 mà không hề bị lạc.
 
Căn cứ vào những tư liệu sưu tầm được, nhà nghiên cứu Phạm Trọng Chánh khẳng định: Đại thi hào Nguyễn Du có 3 năm phiêu bạt trên đất Trung Hoa, từ năm 1787-1790 và nhà thơ có đưa một số bài thơ sáng tác trong thời gian ấy vào “Bắc hành tạp lục”. Cũng theo ông Phạm Trọng Chánh, hai câu trong bài “Phản chiêu hồn”: Yên, Dĩnh thành trung lai hà vi?/Thành quách do thị, nhân dân phi (Còn trở về Yên, Dĩnh mà làm gì?/Thành quách vẫn như cũ, song nhân dân đã khác rồi), “ta nghe như lòng Nguyễn Du đang đi giang hồ nước ngoài, chưa muốn về lại Thăng Long”.
 
Câu: Liệt nữ tòng lai bất nhị phu (Liệt nữ không ai lấy hai chồng) trong bài “Biện Giả” (Bác Giả Nghị), ngụ ý “Nguyễn Du không muốn làm quan cho nhà Tây Sơn?”. Câu: Thiên giáng kỳ tài vô dụng xứ (Trời ban có tài lạ mà không có chỗ dùng) trong bài “Trường Sa Giả Thái phó” (Giả Thái Phó đất Trường Sa), cho ta biết “Nguyễn Du viết thời trai trẻ, khi chưa có người dùng mình”.
 
Ngoài những bài ông Phạm Trọng Chánh cho là được Nguyễn Du sáng tác trong chuyến “Bắc hành” thời trai trẻ, tôi còn phát hiện thêm 2 bài nữa. Bài 1 “Tam Giang khẩu đường dạ bạc” (Đêm đậu thuyền ở cửa sông Tam Giang): Tây Việt trùng sơn nhất thủy phân/Lưỡng sơn tương đối thạch lân tuân/Viên đề thụ diểu nhược vô lộ/Khuyển phệ lâm trung tri hữu nhân/Tứ vọng vân sơn nhân độc lão/Ðồng chu Hồ Việt các tương lân/Thập niên dĩ thất hoàn hương lộ/Ná đắc gia hương nhập mộng tần (Tây Việt điệp trùng, sông chia đôi/ Hai núi đối nhau, đá đứng ngồi/ Vượn hú ngọn cây, đường nghẽn tắc/ Chó sủa thung xa, biết có người/ Bốn bề mây núi, toàn tóc trắng/ Hồ-Việt chung thuyền rộn nói cười/ Mười năm mất dấu về làng cũ/ Mong thấy quê nhà trong mộng thôi).
 
Ở bài thơ này, sự tồn nghi nằm ở 2 câu cuối: “Mười năm mất dấu về làng cũ/Mong thấy quê nhà trong mộng thôi”. Nếu Nguyễn Du sáng tác trong lúc đi sứ thì không thể có chuyện “mười năm mất dấu về làng cũ”. “Làng cũ” của Nguyễn Du ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Năm 1808, trước khi nhậm chức Cai bạ Quảng Bình, Nguyễn Du xin và được vua Gia Long chấp thuận cho về quê nghỉ dưỡng một thời gian. Năm 1813, nhà thơ lên đường đi sứ (nghĩa là mới chưa đầy 5 năm). “Mười năm mất dấu về làng cũ” chỉ có thể là “10 năm gió bụi” trôi nổi nay đây mai đó.
 
Bài thứ 2 “Sơn Đường dạ bạc” (Đêm đậu thuyền ở Sơn Đường): Ngọ mộng tỉnh lai vãn/Tà nhật yểm song phi/Phong kính duy thuyền tảo/Sơn cao đắc nguyệt trì/Ỷ bồng thiên lý vọng/Hợp nhãn cách niên ty/Mạc cận thương nhai túc/Ðề viên triệt dạ bi (Ngủ trưa, dậy hơi muộn/ Khép cửa ngăn bóng chiều/ Gió mạnh, neo thuyền sớm/ Núi cao, trăng chậm treo/ Dựa mui, trông vạn dặm/ Thoắt năm, nhớ xóm nghèo/ Chớ đỗ thuyền cạnh núi/ Vượn hú, ta buồn theo). Trong bài thơ này, sự tồn nghi nằm ở câu: "Thoắt năm, nhớ xóm nghèo”.
 
Ngày 6/2/1813, đoàn sứ bộ đến ải Nam Quan, chậm lắm là 3 tháng sau (khoảng ngày 6/5/1813) đoàn đến Sơn Đường (thuộc tỉnh Quảng Tây) thì không thể xa xóm nghèo “một năm” được. Cho nên rất có khả năng bài thơ này Nguyễn Du sáng tác trong chuyến “Bắc hành” lần trước, khi lang bạt kỳ hồ trên đất Trung Hoa vừa trọn một năm. Thêm nữa, trong “Bắc hành tạp lục” có một số bài  khá “nhạy cảm”, như:  “Trở binh hành” (Bài hành về việc binh đao làm nghẽn đường), “Phản chiêu hồn” (Phản lại bài “Chiêu hồn”), “Thái Bình mại ca giả” (Người hát rong ở Thái Bình), “Sở kiến hành” (Những điều trông thấy)…
 
Đặc biệt là bài “Giáp Thành Mã Phục Ba miếu” (Miếu thờ Mã Phục Ba ở Giáp Thành) với 2 câu kết: Tính danh hợp thướng Vân Đài họa/Do hướng Nam trung sách tuế thì (Tên tuổi ông đáng được ghi nơi bức hoạ Vân Ðài/ Sao lại đòi nước Nam hàng năm phải cúng tế?). Phục Ba chính là Mã Viện-viên tướng từng mang quân đánh Hai Bà Trưng và giết rất nhiều người Việt. Xếp những những bài này vào thơ đi sứ sẽ vi phạm một số quy định của triều đình nhà Nguyễn trong mối bang giao giữa hai nước Việt-Trung. Nguyễn Du chắc chắn biết rõ điều này nên mới thận trọng chọn nhan đề cho tập thơ của mình là “Bắc hành tạp lục”chăng?     
Mai Văn Hoan

tin liên quan