Thanh Hữu "Khóc và cười"

  • 14:33 | Thứ Bảy, 09/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khóc và cười là tập thơ đầu của Thanh Hữu. Phần lớn thơ trong Khóc và cười được viết khi anh đã bước qua ngưỡng U50. Sau bao nhiêu thăng trầm, sau bao nhiêu vận hạn, bây giờ là lúc anh bình tâm nhìn lại mình, nhìn lại những chặng đường đời đã đi qua, để suy ngẫm và chiêm nghiệm. Trong Đôi lời tự bạch, Thanh Hữu thành thật nói về mình: “Trình độ tôi chỉ có tốt nghiệp trường cấp ba vừa học vừa làm Quảng Ninh, Quảng Bình. Học xong tôi chỉ là một thằng đội trưởng đội thợ cày của làng Hoành Phổ… Hiện giờ, tôi là một bệnh nhân đang đau nặng. Tôi làm thơ chủ yếu để khuây khỏa tâm hồn và vượt lên bệnh tật”. Anh gói gọn thơ mình trong hai chữ “Khóc và cười”.      
 
Thanh Hữu thẳng thắn kiểm điểm bản thân, anh không hề che giấu những lỗi lầm do chính mình tự gây ra trong quá khứ: Khóc vì những lúc quá say/Khóc ta nóng nảy tự đày thân ta (Khóc). Anh không chỉ khóc mà anh còn cười: Cười cho một kiếp làm người/Cười không hiểu nổi chuyện đời hợp tan (Cười). Trên thế gian có nhiều kiểu khóc cười khác nhau “khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt”. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ: Ngồi buồn mà trách ông xanh/Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười. Có những giọt nước mắt khóc cho người, có những giọt nước mắt khóc cho mình. Thanh Hữu không ngoại lệ. Những giọt nước mắt quý giá nhất anh dành cho nỗi thương cha, nhớ mẹ.      
 
Thanh Hữu kể với hương hồn người cha đã khuất:
    Con đang nằm viện Cuba
    Bỗng đêm gặp mộng, thấy cha hiện về
    Tỉnh dậy lòng dạ tái tê
    Hai hàng lệ chảy dầm dề, cha ơi!
                                               (Nhớ cha)
Anh kể với mọi người:
    Mẹ tôi quê ở làng Hoành
    Lắt lay dưới mái nhà tranh mỏi mòn
    Trèo đèo, lội suối, băng non…
    Cũng vì cơm áo cho con, ấy mà!
                                                          (Mẹ tôi)
 
Những từ “lắt lay”, “mỏi mòn” cùng với 3 động từ kế tiếp nhau: Trèo đèo, lội suối, băng non... đã phần nào tái hiện cuộc đời đầy vất vả, gian truân của mẹ.
 
Thanh Hữu không chỉ thương cha, nhớ mẹ, anh còn chia sẻ niềm cảm thông sâu sắc với những cô thôn nữ ở làng Hoành quê anh. Họ quanh năm lam lũ:
    Mò cua, bắt ốc, bắt đam
    Đùng Đùng, Phân Hạ, Sác Ngang, Bồ Bồ
                                                                  (Chiều quê)
 
Trong số họ có không ít người phải chịu cảnh “long đong”: Cắm sào đứng đợi bên dòng sông quê (Bến đợi). Chỉ với những câu thơ lục bát hết sức bình thường, giản dị mà đọc lên ta cảm thấy cay cay nơi khóe mắt. 
uh
Không chỉ thương cha, nhớ mẹ, không chỉ thông cảm với những cô thôn nữ có số kiếp long đong, Thanh Hữu còn dành cho mình những giọt nước mắt đau đớn. Do chẳng may rơi vào hoàn cảnh hiểm nghèo, cho đến nay anh vẫn phải sống cảnh độc thân:
    Một mình chẳng có tình nhân
    Một mình đêm ngủ gác chân… một mình…
                                                                       (Một mình)
 
Điệp ngữ “một mình” được anh láy đi láy lại 3 lần trong hai câu thơ làm cho tâm trạng cô đơn tăng lên gấp bội.
 
Thanh Hữu đối thoại với chính mình:
    Khốn khổ cho mi chưa, Hữu ơi!
    Ngày xưa tuổi trẻ cứ ham chơi
    Không lấy vợ đi, chừ mới biết
    Mới biết, than ôi, đã muộn rồi!
                                                  (Chừ mới biết)
 
Những ai rơi vào hoàn cảnh như anh chắc rất thấm thía khi đọc những câu thơ gan ruột này. Đây còn là lời cảnh báo hết sức quý giá cho các bạn trẻ. Có bao nhiêu thứ thời tuổi trẻ chúng ta vô tình đánh mất đến tuổi xế chiều, khi ngộ ra thì “đã muộn rồi”! Ta không thể vớt lại được dù chỉ là một bát nước lỡ tay làm đổ xuống đất.
 
Sống một mình bình thường đã buồn, ốm đau phải nằm điều trị tại bệnh viện lại càng buồn hơn. Bởi người ta “thì có vợ chăm”, “còn mình đơn cảnh đêm nằm co ro”. Cái dáng nằm “co ro” trông thật tội nghiệp. Anh khao khát có được cái “hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ”:
    Nằm buồn mà ước trời cho
    Có o hàng xóm, tới lo đỡ buồn.
                                                (Độc thân nằm viện)
 
Cái vần “o” được anh sử dụng khá đắc địa: “co ro”, “ trời cho”, “có o”, “tới lo” tạo thành một thứ âm thanh rất vui tai, xua đi ít nhiều nỗi buồn thân phận.
 
Ước không được thì anh mơ: Đêm nằm bệnh viện bần thần/Bỗng mơ Tiên Nữ, giáng trần xuống thăm. Đến khi tỉnh giấc chỉ nhìn thấy độc mỗi tấm chăn, anh lại tiếc nuối, lại ao ước:
    Tiếc thầm, chỉ biết lặng thinh
    Ước gì có được người tình trong mơ!
                                                         (Giấc mơ đẹp)
 
Cái đáng quý nhất là sau những mất mát, rủi ro, vận hạn; Thanh Hữu không buông xuôi, không chịu đầu hàng số phận:
    Một thời tôi-nhiếp ảnh gia
    Hôm nay ngồi quạt bánh đa cổng làng
    Không oán trách, chẳng thở than
    Tôi về mở quán bán hàng kiếm ăn
                                                             (Đổi nghề)
 
Vì thế, trong thơ Thanh Hữu không chỉ có tiếng khóc mà còn có cả tiếng cười. Hầu hết tiếng cười trong thơ anh cười vui, cười tếu táo, đùa nghịch. Tiếng cười của anh “tục mà thanh, thanh mà tục” như tiếng cười trong thơ ca dân gian, tiếng cười trong thơ Hồ Xuân Hương.
 
Bài thơ Mua và bán của anh rất hóm:
    Em có bán chăn nệm êm
    Để anh mua cái đắp lên ấm lòng
    Hỏi em có bán bưởi bồng
    Mua luôn hai quả để phòng đói xơi
    Anh nói thiệt đó em ơi!
    Nếu mà em bán đến nơi làng Hoành.
 
Thanh Hữu tự an ủi mình, tự động viên mình:
    Đời đã vậy, hãy vui đi
    Vô thường phúc họa, trách chi sự đời!
                                                           (Nói với mình)
 
“Cái thằng tôi” Thanh Hữu vẫn lạc quan, vẫn yêu đời:
    Tuổi đời nghe cũng đã già
    Mà tâm hồn thấy, như là trai tơ
    Cuộc đời vẫn mộng vẫn mơ
    Thích thơ, mê nhạc, vẫn chờ người thương.
                                                                (Cái thằng tôi)
 
Phần lớn thơ trong Khóc và cười được viết theo thể lục bát. Thanh Hữu rất có sở trường về thể thơ này. Anh gieo vần khá tự nhiên, ít bị gò ép. Nhiều người làm thơ lục bát, nhưng không phải ai cũng được “trời phú” cho cái tài gieo vần tự nhiên, thanh thoát như anh. Chữ nghĩa trong những vần thơ lục bát của anh cũng mộc mạc, chân chất, nôm na, dân dã gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày.
 
Con người ta cho đến “tuổi tri thiên mệnh”, đã từng nhiều lần vấp ngã phải sống trong cô đơn, bệnh tật như anh rất dễ rơi vào trạng thái khủng khoảng tinh thần. Thơ như một cứu cánh đắc lực giúp Thanh Hữu vượt qua số phận, vượt qua chính mình.                                                      
Mai Văn Hoan

tin liên quan

Giới thiệu phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bạn bè châu Phi

Bộ phim tái hiện cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ việc Người tham dự Đại hội Tours (Pháp) năm 1920 đến các hoạt động đấu tranh giành độc lập cho đất nước.

Giới thiệu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tại Lào

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1463/QĐ-BVHTTDL về kế hoạch tổ chức trưng bày không gian giới thiệu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tại Lào.

Họa sĩ Văn Đắc và "Ký ức thời gian"

(QBĐT) - Ông là họa sĩ tuổi cao nhất và là thế hệ đầu tiên trong đội ngũ sáng tác mỹ thuật ở Quảng Bình hiện nay, đó là hoạ sĩ Văn Đắc (TP. Đồng Hới), vừa tròn 80 tuổi.