Họa sĩ Văn Đắc và "Ký ức thời gian"

  • 07:57 | Thứ Bảy, 09/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một họa sĩ với mái tóc trắng vẫn miệt mài bên những tác phẩm của mình, say mê sáng tạo dù tuổi đã cao. Ông là họa sĩ tuổi cao nhất và là thế hệ đầu tiên trong đội ngũ sáng tác mỹ thuật ở Quảng Bình hiện nay, đó là hoạ sĩ Văn Đắc (TP. Đồng Hới), vừa tròn 80 tuổi.
 
Hành trình sáng tạo của ông kéo dài từ những năm phục vụ trong quân ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mang lòng yêu hội họa, từ đó, dấn thân và 60 năm không ngừng sáng tạo làm đẹp cho cuộc sống bằng những tác phẩm giản dị, gần gũi với chất liệu bẹ chuối khô độc đáo.
 
Ông trân trọng từng ký họa, phác thảo từ mấy mươi năm trước cùng với các tác phẩm hội họa, tập hợp thành tuyển tập “Ký ức thời gian” ra mắt nhân dịp tác giả tròn 80 tuổi, đó được ví “như món quà tri ân dâng tặng quê hương và những làng mạc, mảnh vườn nơi anh từng là một chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam cầm súng và cầm bút bảo vệ con người, quê hương…” mà nhà thơ Văn Lợi đã đề trong lời tựa.
 
Hành trình sáng tạo của họa sĩ Văn Đắc có thể chia thành hai giai đoạn rõ rệt. Đó là những ký họa từ chiến trường khói lửa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt giai đoạn từ năm 1964 giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, trong đó có mảnh đất quê hương Quảng Bình thân yêu. Các tác phẩm ký họa màu nước, chì, than có tính khái quát cao, ghi chép nhanh phù hợp với giai đoạn lịch sử chiến tranh ác liệt của dân tộc.
 
Đây là nguồn tư liệu thực tế quý giá để ông xây dựng các tác phẩm hội họa giai đoạn sau. Mảng ký họa đáng chú ý trong giai đoạn này là những khung cảnh phản ánh hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai lũ lụt, tái thiết xây dựng quê hương của quân và dân Quảng Bình, tiêu biểu, như: Bản làng lâm nghiệp, Vườn Lâm sinh, Đập nước Ba Rền, Cầu Bốn sau cơn lũ, Đập thủy điện Đồng Sơn… Điểm chung có thể nhận ra là tinh thần lạc quan trong cách phản ánh cuộc sống sinh động thông qua các tác phẩm của ông thời kỳ này.
 
Giai đoạn thứ hai là các tác phẩm hội họa bằng chất liệu bẹ chuối khô. Những năm ở chiến trường ông tình cờ phát hiện được chất liệu này khi chứng kiến bạt ngàn chuối rừng bị bom đạn thiêu đốt, hong khô. Các sắc độ đậm nhạt của gam màu nâu vàng ấm áp đã gợi lên những ý tưởng sáng tạo và ông bắt đầu thử nghiệm với tác phẩm đầu tiên mang tên “Vũ điệu”. Với một chất liệu mới, việc xử lý để đạt được những hiệu quả về mặt thẩm mỹ, tạo hình và ý tưởng là điều không dễ, ban đầu gian nan và chưa thực sự vừa ý. Tuy nhiên, với phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" và đam mê sáng tạo, ông tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện kỹ thuật chất liệu này.
Họa sĩ Văn Đắc.
Họa sĩ Văn Đắc.

Hơn 50 năm sáng tác với chất liệu bẹ chuối khô, đến nay, ông đã có trên 700 tác phẩm về các đề tài từ phong cảnh quê hương, di tích lịch sử, con người, chân dung, như: Hương sen, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Biển bình yên, Quảng Bình quan, Khát vọng xa bờ, Trăng Đà Lạt... Đặc biệt, với vốn tư liệu ghi chép từ những năm trong quân đội, sự trải nghiệm và quan sát giúp ông có được kho tư liệu phong phú, sát thực để xây dựng các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng gặt hái nhiều thành công, như: Điểm chốt, Đường mòn trên biển, Anh hùng Lâm Úy-Trận Xuân Bồ…

“Điểm chốt” là tác phẩm tiêu biểu về chất liệu này, thể hiện khung cảnh ác liệt của một điểm nóng chiến trận đang diễn ra. Hình tượng trung tâm là người chiến sĩ chiến đấu kiên cường được sử dụng độ đậm của bẹ chuối làm điểm nhấn. Không gian là các mảng sáng tối đan xen được sắp xếp ngang dọc, đan chéo tạo nên hiệu quả của sự chuyển động không gian khói lửa chiến tranh. Ta như thấy được âm thanh rung chuyển của đất trời và không khí hào hùng, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng khi xem tác phẩm này.
 
Các tác phẩm hội họa bằng chất liệu bẹ chuối khô của ông có lối tạo hình riêng dựa trên đặc tính của chất liệu tự nhiên. Đó là cấu trúc thớ vân theo hướng dọc và các sắc độ đậm nhạt của nâu vàng cùng sự phong hóa tự nhiên theo thời gian. Bẹ chuối khô được lựa chọn kỹ, đủ kích thước, sắc độ đậm nhạt sau đó được xử lý kỹ, làm phẳng, phủ chất để giữ màu tự nhiên…, được ông tạo hình tùy theo ý tưởng, đề tài, hình tượng nghệ thuật muốn xây dựng.
 
Với tạo hình khỏe, màu sắc thiên về nhị tông nên việc khai thác đậm nhạt sáng tối trở nên quan trọng để diễn tả khối, diễn tả xa gần trong tác phẩm. Bố cục tranh được xây dựng bằng cách cắt ngẫu hứng theo từng lớp bẹ chuối cho đến khi đạt được hiệu quả thẩm mỹ, vì vậy, gần như không thể có hai tác phẩm giống nhau hoàn toàn cho dù tác giả thể hiện cùng một đề tài, hình tượng. Ông cũng sử dụng các kỹ thuật, như: Rải, rắc bẹ chuối khô vụn tạo nên những hiệu quả bất ngờ (theo cách thực hiện của tranh sơn mài). Tác phẩm bằng bẹ chuối khô có ưu điểm trong việc thể hiện những tác phẩm mang dấu ấn của thời gian, như: Các di tích lịch sử, chất liệu cũ xưa hay phong cảnh làng mạc, nông thôn gợi nên sự nồng ấm, gần gũi, giản dị.
 
Để diễn tả đối tượng, ông có thể xoay, trở chiều sắp xếp để đạt được hiệu quả, ví dụ, như: Diễn tả trời mây, mặt đất thì để ngang, cây, thác nước thì để dọc… Chính các đường vân tự nhiên của bẹ chuối khô đã giúp ông thể hiện sát hơn với đặc tính tạo hình của đối tượng trong tranh. Các bức tranh thường có độ dày, nhiều khi mang âm hưởng của một tác phẩm phù điêu. Cách nhìn không gian trong các tác phẩm khá đa dạng. Các tác phẩm thể loại phong cảnh thường diễn tả theo phối cảnh và sử dụng ánh sáng tự nhiên, tuy nhiên, những tác phẩm có nhân vật lại chọn không gian biểu hiện mang tính ước lệ, khái quát cao. Ông cũng đặc biệt yêu thích thể loại chân dung và lấy màu sắc của chất liệu nền làm nổi bật tạo hình của mình...
 
Trong hành trình sáng tạo không biết mệt mỏi của mình, ông cũng đã vinh dự đoạt được nhiều giải thưởng quan trọng, như: Giải nhất đồng hạng (triển lãm đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng khu vực miền Trung và Tây Nguyên mở rộng năm 2002 với tác phẩm Đường mòn trên biển), giải khuyến khích tranh cổ động hiến máu tình nguyện miền Trung tại TP. Huế năm 2005 với tác phẩm Vòng tay nhân ái…
 
Tranh của ông đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt khu vực Đông Nam Á; có mặt tại các khu du lịch lớn và trong các bộ sưu tập tư nhân trong và ngoài nước; được giới thiệu tác phẩm trên các chương trình truyền hình, phát thanh, báo chí Trung ương và địa phương.
 
Điều đặc biệt ở họa sĩ Văn Đắc là tính cách kiệm lời và phong thái chất phác, giản dị như sắc màu, chất liệu ông lựa chọn để sáng tạo. Ông là người tự học mỹ thuật, với khả năng thiên phú và nỗ lực tự học, tạo nên tính cách mộc mạc trong tạo hình. Có thể nói ông là người tiên phong trong việc khai thác chất liệu tự nhiên đưa vào các tác phẩm hội họa ở Quảng Bình. Công chúng dễ dàng nhận ra tác giả thông qua tác phẩm trong các triển lãm, trưng bày, đó là một sự thành công nhất định của người làm nghệ thuật khi không bị lẫn vào đám đông trong sáng tạo.
 
Dù tuổi đã cao nhưng họa sĩ Văn Đắc vẫn tiếp tục miệt mài gom nhặt, nâng niu từng bẹ chuối khô tiếp tục với những ý tưởng sáng tạo tham gia các hoạt động triển lãm trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. Ông cũng đã tổ chức được nhiều triển lãm cá nhân và được công chúng đánh giá cao. Hành trình sáng tạo song hành cùng thời gian của họa sĩ Văn Đắc cho chúng ta thấy, sáng tạo không có độ tuổi để dừng lại nghỉ ngơi, nếu còn đam mê thì còn sáng tạo. Điều đó đã minh chứng đầy đủ trong tuyển tập tác phẩm hội họa“Ký ức thời gian”.
 
             Nguyễn Lương Sáng

tin liên quan

Giới thiệu phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bạn bè châu Phi

Bộ phim tái hiện cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ việc Người tham dự Đại hội Tours (Pháp) năm 1920 đến các hoạt động đấu tranh giành độc lập cho đất nước.

Giới thiệu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tại Lào

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1463/QĐ-BVHTTDL về kế hoạch tổ chức trưng bày không gian giới thiệu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tại Lào.

Triển lãm tái hiện cuộc đời và sự nghiệp danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Ngày 28/6, nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức khai mạc triển lãm với chủ đề "Nguyễn Đình Chiểu - Cuộc đời và sự nghiệp" .