.

Ngô Minh với thơ lục bát

.
09:32, Chủ Nhật, 09/12/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Khác với một vài bạn bè từ bỏ lục bát để theo đuổi lối viết hiện đại, Ngô Minh vẫn thử nghiệm lối viết hiện đại nhưng không từ bỏ lục bát. Có điều lục bát anh không bị chìm lấp trong hàng ngàn câu thơ vần vè, đơn điệu, mòn sáo.  
 
Năm 1978, Nón bài thơ và hương đất cao nguyên viết theo thể lục bát của Ngô Minh được báo Nhân Dân tặng giải "Trang thơ hay năm 1978”, nhưng thú thật tôi chỉ nhớ mang máng. Ngược lại, bài Chị tôi của anh chẳng ai tặng giải thì tôi nhớ như in. Tôi có cảm tưởng Nón bài thơ và hương đất cao nguyên được viết chủ yếu bằng sự thông minh, còn Chị tôi được viết chủ yếu bằng cảm xúc.
 
Tái hiện giấc mơ là điều không mới. Tô Thức (Tô Đông Pha) có bài Giang Thành từ ghi lại giấc mơ đêm 20 tháng giêng năm Ất Mão, gặp người vợ đã mất trọn 10 năm: Đêm qua trong mộng bỗng trở về quê hương/ Nàng ngồi cạnh cửa sổ bên hiên/ Đang chải đầu trang điểm/ Nhìn nhau không nói/ Chỉ có lệ ngàn hàng… Ngô Minh cũng ghi lại giấc mơ gặp người chị gái: Chị tôi khuất nẻo lâu rồi/ đêm qua trong giấc mơ tôi chị về
 
Nếu Nón bài thơ và hương đất cao nguyên có phần dàn trải thì Chị tôi cô đọng đến mức tối đa. Anh kiệm lời, kiệm chữ, kiệm hình ảnh. Không cần phải kể lể dong dài, Chị tôi vẫn truyền được niềm xúc động sâu xa vào lòng người đọc. Chưa từng gặp chị Ngô Thị Vượng nhưng qua thơ Ngô Minh, tôi tưởng như đang nhìn thấy ánh mắt, hàm răng của chị: Mắt buồn đăm đắm sao khuya/ răng đen hạt lựu cười xe xiết lòng. Con người ta có hàng trăm kiểu cười nhưng cười “xe xiết lòng” thì chỉ có trong thơ Ngô Minh. Đó là cái cười “chan đầy nước mắt”. Chị là người giàu đức hy sinh: Tay trầu cho mạ nắng hanh cho mình nhưng cuộc đời lại chịu nhiều bất hạnh, đắng cay: Mồ côi cha buốt chuyện tình.
 
Cả bài thơ là những nghịch lý đến khó tin: cười mà “xe xiết lòng”, hạnh phúc mà “ướt đẫm mồ hôi”, biển thì mặn mà “nồi lạt canh…”. Đọc Chị tôi, ta không chỉ cảm thương cho số phận của chị Ngô Thị Vượng mà cảm thương cho cả đất nước một thời “đắm chìm trong rơm rạ/ Văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi” (Chế Lan Viên).
 
Nhưng thơ đâu chỉ là “âm bản của nước mắt”, thơ còn là những tiếng cười vui nhộn, thông minh, hóm hỉnh. Ngô Minh có một bài thơ mà tôi thuộc lòng cách đây đã vài chục năm. Đó là bài Cô chi ơi bán rượu chi. Số là: ở chợ Bến Ngự gần nhà Ngô Minh có một quán rượu. Cô chủ quán xinh đẹp tên Chi. Cứ mỗi lần “bạn đến chơi nhà”, thi sĩ lại xách chai ra quán cô Chi mua rượu. Khi đã quen thân, anh bèn ứng tác mấy dòng nôm na tặng chủ quán: cô chi ơi bán rượu chi/ rượu chi chi cũng uống vì nhau thôi/cớ chi cô tủm tỉm cười/ anh mần chi được như người giàu sang/ say chi đôi chén mơ màng/ nhớ cô chi đó nhớ hàng rượu chi…Thi sĩ học lối chơi chữ của cụ Nguyễn Công Trứ: Cái tình là cái chi chi/ Dẫu chi chi vẫn chi chi với tình. Chỉ đảo đi, đảo lại chữ “chi” mà gửi gắm bao nhiêu ý tứ...
 
Ngô Minh còn nổi tiếng với bài thơ vui viết để “nịnh vợ”: trưa nay hoa hậu muộn về/ bố con thi sĩ cơm khê lửa cười/ vô tư là giống trên đời/ biết đâu rau đậu bời bời giá lên/ đồng tiền như ả vô duyên/ đầu hôm hăm mốt qua đêm còn mười… (Hoa hậu - tặng vợ Minh Tâm). Bài thơ này được nhiều người chép chuyền nhau. Ngoài cái tài “nịnh vợ”, Hoa hậu còn ẩn chứa chất thế sự. Cách so sánh “đồng tiền như ả vô duyên” thật bất ngờ, độc đáo và thâm thúy.
 
Với Ngô Minh, những ngày buồn nhất là những ngày “rượu suông uống với tình suông”. Tôi rất tâm đắc mấy câu thơ sau đây của anh: trắng như tờ lịch vừa rơi/ ngày không em giấy không lời/ khát khao/ may đời còn có chiêm bao/ cho hoa diệp liễu/ thơm vào trống không (Sang trang). Cái từ “chiêm bao” trong khổ thơ này hiểu theo nghĩa đen, nghĩa bóng đều hay. Nhà Ngô Minh ở cạnh chùa Phổ Quang, lưng chừng dốc Bến Ngự. Vào những đêm thanh vắng, anh thường lắng nghe: gõ mòn đêm tiếng mõ chùa/ cốc cốc cốc cốc… như mùa còn đi… Nhà chùa luôn cầu cho quốc thái, dân an; cầu cho chúng sinh bớt sân, si nhưng ngoài cõi trần thì “cơn lốc sân si” vẫn cứ thổi “ù ù”. Ngô Minh chiêm nghiệm: Biết là có có không không/ mõ chùa cứ mõ đêm nồng cứ đêm… Cái quy luật tự nhiên ấy khó lòng cưỡng được. Thi sĩ tha thiết ước mong: cơ chi thơ biết cầm tay/ cùng em đi suốt tháng ngày đa đoan (Lục bát mùa đông).
 
Bên cạnh mảng thơ viết về tình yêu lứa đôi, Ngô Minh còn có một số bài thơ lục bát viết về bạn bè văn chương khá ấn tượng như: Tường ơi (tặng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường), Với Nhất Lâm đêm trăng làng Thượng Luật, Trước mộ Phương Xích Lô… Trong đó, cảm động nhất là bài Bạn tôi (thương tặng Hải Kỳ). Hải Kỳ cùng quê, cùng tuổi, cùng học với Ngô Minh thời cấp 3 Lệ Thủy (Quảng Bình). Cuối năm 2010, đầu năm 2011, Hải Kỳ không may bị căn bệnh ung thư hành hạ: Bạn giờ như nộm nang tre/ khẳng khiu cọng cỏ cuối hè lắt lay. Sự sống của Hải Kỳ lúc ấy chỉ còn tính từng ngày, từng giờ, từng phút: đẳng trương từng giọt thời gian/ ngắn dần cõi tạm tấc gang chia lìa… Biết anh không còn sống được bao lâu nữa, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật soạn sẵn bài điếu văn: điếu văn rời cõi viết rồi/ chỉ còn thơ bám hồn người/ không đi… Lần đầu nghe Ngô Minh đọc bài thơ này, tôi không sao cầm được nước mắt.
 
Mai Văn Hoan
,